treem_04

1. Dĩ nhiên là tui phẫn nộ với clip bảo mẫu đánh trẻ em. Nếu ai từng theo dõi blog tui từ nhiêù năm trước, cũng đều biết tui phản đối bạo lực trong học đường. Đừng nói chuyện bảo mẫu tra tấn những đứa trẻ, đến cả việc giáo viên dùng vũ lực để trừng phạt học trò tui cũng không chịu được. Đã có một thời tui bị ném đá vì dám đi ngược “đạo lý ngàn đời” rằng “Thương cho roi cho vọt”, thầy không đánh trò thì sao nên người. Tui kinh hãi cái lý luận của báo chí và xã hội một thời về việc đồng tình sử dụng bạo lực để trừng phạt học sinh, của cha mẹ với con cái, với những lá thư kiểu “nhờ thầy cô đan1h em như trâu bò ngày xưa mà nay em đã nên người”.

 

Cho nên, những chuyện như cô bé 19 tuổi đi làm bảo mẫu và dùng vũ lực tàn bạo đối xử với những em bé non nớt là chuyện sớm muộn gì cũng xảy ra trong một xã hội từng có truyền thống “thương cho roi cho vọt” theo nghĩa đen kiểu đó.

2. Nhưng tui cũng không muốn trở thành kẻ ném đá mấy cô gái bảo mẫu kia, trong cơn thịnh nộ của xã hội. Dĩ nhiên hai cô gái này có tội và đáng lên án. Nhưng đó là chuyện quan toà sẽ xử. Cảnh tượng đám người bu đông khát máu quanh hai cô gái này làm tui thật sự thấy nghẹn. Tui không biết, liệu cơn khát máu của xã hội có khác mấy so với sự tàn bạo của hai cô gái này với bọn trẻ hay không. Rồi thì hai cô gái cũng sẽ bị xử. Mọi người hể hả. Rồi sao? Đã bao lần chúng ta từng lên cơn khát máu này mỗi lúc có một video hành hung trẻ em được tung lên mạng (éo le thay, thường trung thời điểm có một vụ án nào đó nổi cộm ở cấp chính phủ, chẳng hạn lần này, là vụ xử án Dương Chí Dũng, trùng hợp ngẫu nhiên ấy mà, xem phim nào cũng thấy có mấy cái vụ trùng hợp ngẫu nhiên thế này). Rồi xã hội là òa lên cơn khóc “tại sao xã hội ta nên nông nổi này? Xã hội ta sẽ đi về đâu?”…

Tui chán phải ngồi đó khóc. Nên tui thấy vui khi đọc hai bài viết của hai người tui yêu mến mà tui chia sẻ dưới đây. Nhẹ nhàng, không than khóc, nhưng có ý nghĩa nào đó, ít nhất là cho bản thân tui (trong tương lai), may mắn thì cho các bạn, những người đang làm cha làm mẹ, hoặc sẽ làm cha làm mẹ.

treem

3. Đây là câu chuyện của chị Đoàn Minh Phượng.

Năm con trai tôi vào lớp 1, tôi quyết định cho con đi học trường Việt. Nhưng cái giá của sự yêu tiếng Việt, chúng tôi không trả nổi.

Khi làm thủ tục nhập học, tôi đã nói chuyện với nhà trường, rằng con tôi học mẫu giáo ở nước ngoài, và mẫu giáo nước ngoài không dạy viết, dù là viết tiếng nước nào. Ngay trong ngày đầu tiên ở lớp 1 ở trường bán dân lập ở Quận 3 đó, thằng bé bị cô giáo nắm tóc đánh vì không biết viết.

Đó là buổi học đầu tiên và cuối cùng của con tôi ở đó. Ngày hôm sau tôi đi học thay con trai. Bất chấp các cô ở văn phòng ngăn chận thế nào, tôi đi thẳng vào lớp, ngồi vào chỗ của con, chờ cô giáo vào để hỏi cô đã làm gì con tôi. Lúc cô giáo chưa tới, tôi có một ít thì giờ để hỏi các học sinh khác về chuyện nắm tóc ngày hôm qua.

Tôi cho con tôi nghỉ học, thì cần gì phải mất thì giờ nói chuyện với cô giáo. Nhưng tôi đến lớp để nói với cô giáo như thế này: Vấn đề không phải là con tôi. Tôi không đến để xin cô con tôi không biết viết thì mong cô để từ từ em học. Tôi đến để nói cô không có quyền làm vậy với bất cứ em nào cả và chờ nghe cô trả lời ai cho phép cô làm như vậy.

Nhưng tôi chỉ tưởng tượng thôi. Lúc gặp cô giáo, tôi không có cách nào để hỏi câu đó cả. Vì tôi có la hét thế nào, cô giáo cũng không nghe thấy.

Đó là một bà già điếc. Vừa điếc vừa có vẻ như sắp loà đến nơi, hay ít nhất là cô giáo không có khả năng focus cái nhìn của mình vào người đối diện, vào học sinh, hay vào bất cứ thứ gì. Cô giáo ngơ ngác, không biết tôi nói gì, muốn gì. Có thể bà già ấy giả điếc, có thể bà ấy điếc thật. Còn tôi, tôi còn ngơ ngác hơn bà ấy. Bà già điếc này là cô giáo nghe con chúng tôi đọc bài? Một bà già mà nếu gặp ngoài phố, lúc bà sắp băng qua đường, chúng tôi sẽ chạy lại nắm tay bà dắt qua vì bà không nghe không thấy lỡ bị xe đụng thì sao?

Rồi cũng cái bàn tay yếu đuối mà chúng tôi sẽ nắm lấy dắt qua đường đó sẽ nắm tóc con chúng tôi lên tát vào mặt chẳng vì lý do gì cả. Điều mà chúng ta không bao giờ tưởng tượng được là những con người hiền lành yếu đuối có thể làm gì với bọn trẻ con khi chúng ta quay lưng đi. Và tôi đã không tưởng tượng được. Tôi đi về.

Lúc đi ngang văn phòng, các cô ở văn phòng nói cô giáo lớp 1A đã hưu rồi. Tôi không phải lo lắng cho con mình, chờ vài hôm có giáo viên mới, thì cô ấy sẽ nghỉ thôi. Cô ấy già rồi. Đánh học trò là thói quen. Người già rất khó bỏ đi thói quen mấy mươi năm của mình.

Trẻ con đi học có phải để bị đánh, chỉ vì đánh là một thói quen của thầy cô hay không?

Vấn đề của chúng ta là chúng ta không phải là người ở bên ngoài để mà dửng dưng với chuyện đánh trẻ con, cũng không phải là người ở bên trong trong để cương quyết làm cho đến nơi đến chốn. Tôi không là ai và không ở đâu cả. Tôi ở đâu về, đã cho con nghỉ học, thì không có lý do và vị trí nào để ngăn chận chuyện cô giáo già nắm tóc trẻ con lớp 1 tát tai. Những phụ huynh khác không cho con nghỉ, thì không làm chuyện đó vì họ rất biết rằng thái độ tốt nhất là làm sao cho con mình càng ít bị để ý càng tốt. Để trả thù trẻ con, thì một số thầy cô, nhà trường có nhiều dịp lắm. Và nhiều thời gian, rất nhiều.

Một xã hội xa xưa nào khác, trong một cộng đồng nhỏ, việc gì trong đó cũng liên quan đến mình. Mình làm gì cũng trong một cái khoảng không gian bên trong tầm nhìn. Chúng ta có thể thấy, nghe được vang vọng của việc mình làm. Tôi tưởng tượng như vậy.

Nhưng xã hội hiện đại quá lớn. Sự phân quyền và phân công chiều dọc chiều ngang trong một vùng quá rộng đã trở nên quá trừu tượng và khó hiểu. Có những việc có quá nhiều người có trách nhiệm, đến nổi xin làm một chuyện gì đó phải qua gần mười ban ngành. Rồi có những việc không ai cảm thấy là viêc của mình cả.

treem_01

Hôm nay xem đoạn phim của báo Tuổi Trẻ quay một cô gái và một người đàn bà trẻ đánh trẻ con ở một trường mầm non, điều ghê gớm thứ nhất tôi thấy là rõ ràng đó là chuyện họ làm hàng ngày. Mỗi ngày. Đánh trẻ con chẳng có gì đặc biệt, chỉ là một thói quen. Và có lẽ họ không phải là những người duy nhất.

Điều ghê gớm thứ hai là khi tôi tự hỏi sao cha mẹ những đứa trẻ ấy không biết — và tôi không có câu trả lời. Về nhà họ không nói chuyện với con, ôm ấp da thịt của con hay sao mà không biết? Cuộc khó khăn làm cho họ dửng dưng với con mình đến vậy sao?

Một trong những bản năng cần thiết nhất của con người — của bất cứ động vật nào — là bản năng bảo vệ những gì thơ trẻ. Chúng ta nhìn thấy trong đôi mắt trẻ con sự ngây thơ, đáng yêu, và cần được đùm bọc. Trời sinh chúng ta thấy như vậy, vì trẻ con non yếu, không được che chở thì em gẫy đổ. Đến cái bản năng đẹp đẽ nhất mà cũng đành bỏ hay sao?

Bettina Wegner hát bài này:

Bàn tay em nhỏ xíu
những ngón tay bé con
Đừng bao giờ đánh nhé
xương em còn mong manh.

4. Đây là câu chuyện của anh Chương Đặng

xưa đã post một cái note về vụ này rồi, mà giờ tìm không ra.
giờ vắn tắt thế này, lên án mấy cô này 1 thì trách cha mẹ 10!!! Các bà mẹ vui lòng bỏ ra mấy phút thôi để làm những chắc nghiệm nhỏ xem người ta đã làm gì với con mình ở trường.
– đừng hỏi tại sao con có vết đỏ, vết bầm. Mà hãy hỏi :”ủa tại sao bạn Bi đánh con”. Những câu hỏi lạ sẽ khiến bé vô tình khai ra sự thật tốt hơn.
– trong bất kì trường hợp thương tích nào của con trẻ cũng cần sự quan tâm của cha mẹ. Dù sự thật 100% là cháu bị té ngã thì vẫn phải đem con đến nói chuyện với cô giáo và hỏi cô có giải pháp gì giúp cho con và những cháu khác tránh hay giảm thiểu những nguy hiểm tương tự?
– hãy đặt những câu hỏi leo thang để tìm ra sự thật phía sau cổng trường. Hỏi :” con thích đi học không?” nếu không thì tại sao, nếu có thì tại sao? nếu cô giáo tốt với con, yêu con, chăm sóc con thì cô giáo làm như thế nào? cô giáo làm như vậy với con hay với tất cả những bạn khác? cô giáo làm vậy thì con làm gì lại cho cô giáo? con có muốn mẹ làm y như thế với con ở nhà không? nếu mẹ đón con trễ 1 tiếng, mà cô giáo tốt với con thế thì chắc không có vấn đề gì phải không?
– khi chia tay cô giáo, cô giáo nắm tay con hay con nắm tay cô giáo?
– ở nhà con hay nói:” méc cô giáo cho coi!” hay con nói :”mang bánh cho cô với, vì cô cũng cho con ăn bánh của cô”.
– dù cô có tốt với con mười mươi đi chăng nữa thì cô vẫn chỉ là cô giáo thôi. Luôn luôn truyền đi thông điệp rằng ở nhà mẹ nói chuyện với con thường xuyên, ý nhị nhắc nhở cô giáo rằng :”bố cu Bi xót con lắm, Bi đi học về là lôi ra xem từ đầu đến chân xem con có bị té ngã gì không”. Nếu cháu bị giật mình và khóc thét lên khi ngủ hãy cho cô giáo biết.
– dù có bận bao nhiêu cũng đừng để cô giáo làm thay những việc riêng tư, hãy tự tay thay băng vết thương của con, cô giáo chỉ được đồng ý cho hôn vào má con, những chỗ khác thì không. hãy tập cho con ý thức tự rửa tay, tự vệ sinh sau khi toilet càng sớm càng tốt, và từ chối sự can thiệp của người khác.
– sau cùng, đừng tập cho con biết nghe lời! điều quan trọng hơn là phải tập cho con nói không to rõ, dõng dạc khi con bị làm đau, bị ức hiếp, hay lạm dụng. Thà con bị cô giáo phát điên lên tát cho một cái in dấu tay để cha mẹ nhận ra vấn đề, hơn là con cắn răng chịu hành hạ ngày này qua tháng kia.

treem_02

sau cùng, nếu không phải là một việc đã rồi, hãy sinh con khi có tiền và có thời gian. Nuôi một đứa trẻ không quá khó, nhưng cũng không dễ dàng chút nào. Vì đây gần như là việc duy nhất trên đời người ta cần có cả phương tiện tài chính lẫn vô số tình cảm

Tags:

2 thoughts

  • Quang

    “Một trong những bản năng cần thiết nhất của con người — của bất cứ động vật nào — là bản năng bảo vệ những gì thơ trẻ. Chúng ta nhìn thấy trong đôi mắt trẻ con sự ngây thơ, đáng yêu, và cần được đùm bọc. Trời sinh chúng ta thấy như vậy, vì trẻ con non yếu, không được che chở thì em gẫy đổ. Đến cái bản năng đẹp đẽ nhất mà cũng đành bỏ hay sao?”

    Cảm ơn anh về những điều anh viết và những điều anh chia sẽ. Em thường không post những bài viết đơn thuần cảm ơn, nhưng em mong anh biết là có những người như em thỉnh thoảng đọc những bài viết của anh và rất biết ơn những thông điệp mà anh muốn chia sẽ.

Leave a Reply