doraemon

Với mình, một phim hay bao gồm Câu chuyện hay và Cách kể hay. Câu chuyện hay là chuyện của kịch bản, cách kể hay là chuyện của đạo diễn.
Mình không nghĩ rằng có một công thức chung nào cho một câu chuyện hay, nhưng các câu chuyện hay thường có những điểm chung rất quan trọng. Với mình, có bốn điểm rất rất quan trọng với một câu chuyện hay trong một bộ phim (khác với câu chuyện hay trong các thể loại kể chuyện khác): Conflict (Xung Đột), Stakes (Kịch Tính), Sympathy Characters (Nhân vật mình có thể đồng cảm) và Chuyển biến (Transformation).

Kịch bản phim, thật ra rất đơn giản, nếu mình có thể tóm gọn lại trong vòng một câu duy nhất – đó là câu chuyện về AI ĐÓ MUỐN CÁI GÌ ĐÓ vô cùng, nhưng gặp biết bao KHÓ KHĂN để đạt được.
AI ĐÓ chính là NHÂN VẬT, MUỐN CÁI GÌ ĐÓ chính là KỊCH TÍNH, KHÓ KHĂN chính là XUNG ĐỘT.
Một câu chuyện không có XUNG ĐỘT (CONFLICT) thì nó sẽ trở nên tẻ nhạt – một trong những lý do khiến cho khán giả cảm thấy nhiều bộ phim trở nên nhạt nhẽo chính là khi nhân vật chính không còn gặp khó khăn gì để đạt được điều họ muốn. Không có xung đột sẽ không còn câu chuyện.
Cũng như cuộc đời của chúng ta thật ra chẳng có gì dễ dàng, thì cuộc đời của nhân vật trong phim cũng chẳng nên dễ dàng. Mỗi ngày, chúng ta đối mặt với rất nhiều xung đột, những thử thách, những khó khăn, và vì thế, chúng ta dễ đồng cảm với những câu chuyện của những nhân vật phải vượt qua khó khăn để đạt được ước mơ của họ hơn là những nhân vật dễ dàng đạt được mọi thứ họ muốn. Chúng ta cũng thường nói về những người dễ dàng có được mọi thứ họ có là “một cuộc đời tẻ nhạt” thì với phim ảnh, nếu chúng ta ngồi xem một bộ phim mà nhân vật chính muốn gì thì được nấy, mọi thứ cứ dễ dàng đến, chúng ta cũng thấy họ nhạt nhẽo. Ngay cả khi nhân vật chính có những ông bụt bà tiên xuất hiện thì ngay sau đó phải là những âm mưu đáng sợ, sự trả thù của dì ghẻ hay quỷ dữ – nàng Lọ Lem dù có được bà tiên ban phép để đi dự tiệc với hoàng tử, thì khi nàng bị mụ dì ghẻ bắt nhốt, bà tiên cũng sẽ không quay trở lại. Đừng để những “ông bụt” xuất hiện từ trên trời giải quyết hết mọi xung đột của nhân vật chính, bởi khi đó, xung đột sẽ chẳng còn ý nghĩa. Nếu cuộc đời này dễ dàng như thế, thì nó sẽ tẻ nhạt biết bao. Nói một cách khác, khi câu chuyện không còn xung đột, nó sẽ trở nên nhạt nhẽo vô cùng. “Romeo yêu Juliete, họ được hai gia đình đồng ý đến với nhau, họ cưới nhau và hạnh phúc trọn đời” – đó hẳn sẽ là một câu chuyện vô cùng tẻ nhạt.
Chính xung đột mới tạo nên sự hấp dẫn cuốn hút cho người xem. Họ muốn thấy nhân vật chính đối mặt với xung đột, với những chướng ngại vật, với những thử thách và khó khăn, làm sao nhân vật vượt qua mọi thứ ấy để chạm tay đến ước mơ, và khi vừa vượt qua khó khăn này, thì chướng ngại khác xuất hiện, và càng đến gần với giấc mơ thì chướng ngại càng lớn hơn. Chướng ngại càng lớn, xung đột càng cao, thì khi nhân vật chính vượt qua được sẽ đem đến sự thỏa mãn cao độ với người xem.
Chướng ngại vật/ Xung đột cũng phải liên quan đến hành trình đạt đến ước mơ, và tạo ra cơ hội để nhân vật chính bộc lộ một con người khác của họ để khán giả thấy được sự phát triển của nhân vật, sự trưởng thành, hay sự biến đổi của nhân vật. Chúng ta sẽ thấy nhân vật khi vượt qua nghịch cảnh, họ đã không còn là con người trước đó nữa. Hãy nhớ lại những bộ phim mà bạn yêu thích, phải chăng nhân vật chính luôn phải đối mặt với nghịch cảnh và chúng ta thấy sự biến chuyển của họ từ đầu đến cuối

(Còn tiếp)

Tags:

Leave a Reply