IMG_9316

Có bạn hỏi tui, có phải việc tui được chọn đặt câu hỏi cho tổng thống Obama là một sự sắp đặt?

Vào buổi sáng hôm 25/5, khi xếp hàng chờ vào buổi gặp gỡ giữa tổng thống Obama và 800 đại diện giới trẻ Việt Nam, một cô bạn của tui đã “phỏng vấn” tui: Mày sẽ hỏi ông Obama điều gì hôm nay? Đó là lúc mà tui biết rằng sẽ có cuộc hỏi đáp với ông Obama. Tui chỉ nghĩ rằng, đây là buổi nói chuyện của ông Obama với giới trẻ, ông đến, phát biểu, truyền cảm hứng, rồi ổng đi về. Hoặc có một panel discussion các bạn trẻ ưu tú lên ngồi cùng ổng rồi trò chuyện như buổi nói chuyện với các doanh nhân trẻ tại Dreamflex chiều hôm trước.

Tui nói với cô bạn tui rằng, tui chả có câu hỏi nào cho ông Obama, tui cũng chẳng mong chờ điều gì, có lẽ điều tui mong đợi là ông hãy gây bất ngờ cho tui – “I want him to surprise me”.

Nhưng cũng vì câu hỏi của bạn tui, mà tui bắt đầu có suy nghĩ và tự hỏi, nếu mình muốn hỏi ông Obama, thì mình sẽ hỏi ổng điều gì? Đứng xếp hàng chờ đợi suốt 45 phút – mặc dù bình thường tui sẽ thấy 45 phút trôi qua rất nhanh, nhưng sao lúc đứng chờ thấy thời gian thật quá lâu, nói chuyện đủ thứ với bạn bè, và suy nghĩ đủ thứ về mọi thứ, mà nó vẫn chưa tới giờ được vào – tui vẫn không nghĩ ra nếu hỏi ông Obama thì mình sẽ hỏi điều gì. Cuối cùng tui quyết định thôi để mấy bạn trẻ đặt câu hỏi, mình ngồi xem thôi. Dù sao, đây cũng là buổi gặp gỡ của ông Obama và các bạn lãnh đạo trẻ của YSEALI, và mình thì đã quá tuổi. (YSEALI là viết tắt của Young Southeast Asian Leaders Initiative, Sáng Kiến Thủ Lĩnh Đông Nam Á – dành cho các bạn từ 18-35).

Tổng thống Obama xuất hiện, có một bài phát biểu truyền cảm hứng, và sau đó là phần hỏi đáp. Các câu hỏi đầu tiên, cá nhân tui cảm thấy, khá cliche nhàm chán và buồn tẻ. Tuy nhiên, có một ý khá hay mà tui thích khi ông trả lời một bạn trẻ “làm sao để trở thành một nhà lãnh đạo như ông”. Tổng thống nói, đại ý, bạn đừng nghĩ đến chuyện bạn sẽ trở thành ai đó, mà thay vào đó, hãy nghĩ bạn sẽ làm gì. Việc bạn sẽ làm gì sẽ dẫn dắt bạn đến con người bạn trở thành. Hãy yêu công việc bạn làm và đặt hết tình yêu và năng lượng của bạn vào đó, rồi một ngày kia, bạn sẽ trở thành ai đó. Mỗi người có một con đường khác nhau để trở thành ai đó, có người mê giáo dục, có người mê y tế, nhưng những người đã trở thành ai đó đều có một điểm chung: họ yêu công việc của họ. Bill Gates có lẽ không nghĩ ông ra sẽ trở thành tỷ phú ngay từ đầu, ông ta chỉ đơn thuần yêu máy tính, và ông đặt hết tình yêu và sức lực của mình vào việc mày mò máy tính và thành công. Tôi cũng vậy, thời tôi trẻ như các bạn, tôi không có được nghiêm túc như các bạn đâu, tôi còn ham chơi và học hành cũng không nghiêm túc, tôi khoái chơi bóng rổ, và gái gú này nọ, các bạn hơn tôi nhiều. Lời khuyên của tôi là, các bạn hãy tìm điều gì đó bạn cực kỳ quan tâm, cực kỳ đam mê, khiến bạn phấn khích, và đặt hết năng lượng của bạn vào đó. Đừng lo lắng quá nhiều về việc bạn sẽ trở thành ai, mà hãy quan tâm về điều mà bạn muốn làm.

Các bạn trẻ hỏi khá nhiều về việc, làm sao trở thành người như ông, với vai trò là nhà lãnh đạo Mỹ thì ông làm gì để giúp Việt Nam về vấn đề buôn người, về vấn đề bảo tồn Sơn Đoong, ông cho lời khuyên về việc chảy máu chất xám v.v… Hầu hết các câu trả lời khá sách vở, mặc dù thi thoảng có vài điểm loé sáng khi có những điểm mà ông Obama chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân ông, hoặc nói về bản thân ông. Tui vì thế rất thú vị khi cô bé Thiên Hương hỏi về việc bảo tồn Sơn Đoòng, vì em bên cạnh một câu hỏi chung rất vĩ mô – và vì thế câu trả lời của ông Obama cũng khá lòng vòng và đầy tính chính trị – thì em cũng đặt cho ông một câu hỏi rất cụ thể: ông chọn cáp treo hay đi bộ.

IMG_9317

Khi ông Obama nói rằng, ông chỉ còn hai câu hỏi nữa, lúc đó trong tui bỗng nghĩ, tui không muốn nghe thêm một câu hỏi nào về những vấn đề vĩ mô. Tui muốn ông nói một điều gì đó thật sự truyền cảm hứng, không phải chỉ cho những bạn trẻ thành đạt đang ngồi đây, mà cả một thế hệ mà tui mỗi ngày vẫn gặp, vẫn đọc những lời của các em. Một thế hệ mà phần lớn người lớn, những người thế hệ đi trước luôn nghi ngờ, rằng tại sao bọn chúng lêu lỏng, vì sao bọn chúng không có ước mơ, tại sao bọn chúng như lạc lối với cuộc đời.

Nói ra không phải điêu, chứ tui biết rằng ông Obama sẽ chọn mình. Có một linh tính rất lớn mách bảo tui điều đó, khi mà tui thấy ông nhìn tui – eyes contact – khi đang diễn thuyết. Tui là người rất sợ đi nói chuyện trước đám đông, nhưng tui vẫn thường phải làm công việc đó, và một bài học tui học được chính là khi bạn đang diễn thuyết và hồi hộp, hãy nhìn xuống phía dưới khán giả và tìm một ánh mắt ủng hộ mình. Đó là lý do, khi tui đi nghe diễn thuyết, tui thường đặt mình vào tâm thế người diễn thuyết và cho họ một cảm giác mình lắng nghe điều họ nói. Có những lúc tổng thống Obama khi đang nói về một vấn đề nào đó hóc búa hoặc khó xử, bạn có thể đọc được điều đó qua cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể, và có thể tui tưởng tượng ra, nhưng mỗi khi ông Obama nhìn về phía tui ngồi, tui luôn ở đó và biểu hiện bằng ngôn ngữ cơ thể của mình về sự lắng nghe và quan tâm điều ông nói. Thêm nữa, hầu hết những người ông Obama chọn để đặt câu hỏi đều có một cái gì đó đặc biệt – nếu bạn từng đọc cuốn Nghệ thuật của gái, bạn sẽ biết một chiêu gọi là “peacocking” – một kỹ thuật để gây sự chú ý trong một đám đông (để dụ gái). Khi bước vào hội trường, trong lúc ngồi chờ ông Obama đến suốt hai tiếng rưỡi đồng hồ, tui đã quan sát khắp khán phòng và nhận ra rằng, ngoại trừ vài cô gái nhuộm tóc vàng, chẳng hạn như cô Khánh Thi, vì đây là cuộc hội ngộ của các em học sinh sinh viên con ngoan trò giỏi, thì tui là người duy nhất trong khán phòng có nhuộm tóc highlight. Mặc dù màu xanh la cây rực rỡ khi mới nhuộm đã không còn sau mấy tháng trời, nay chỏm tóc đã ngã sang màu bạc trắng có ánh vàng, thì mái tóc highlight của tui thật sự vẫn nổi bật hơn cả.

Và linh tính của tui là đúng. Ông Obama đã nhìn về phía tui, và tui quyết định đưa tay xin đặt câu hỏi, và ông nói “tôi muốn mời cái anh kia, vì cái mái tóc vàng vàng của ảnh”.

Thật sự tui đã có một giây suy nghĩ về việc trở nên rất là nổi bật. Ha ha ha. Thiệt tình là khi ông Obama nhắc tới chỏm tóc màu của tui, tui đã suy nghĩ trong đầu, mình có nên khoe khoang một cách rất chân tình hay không. Rằng, thưa ông, cám ơn ông đã chọn tôi vì mái tóc này, vì nó khẳng định với tôi rằng đây là “bùa may mắn” của tôi. Tôi đã nhuộm mái tóc này khi ra mắt bộ phim đầu tay của tôi vào cuối năm ngoái với hy vọng nó đem đến may mắn cho tôi, và bộ phim sau đó đã trở thành bộ phim Việt Nam ăn khách nhất mọi thời đại, và còn hạ gục cả Star Wars. Và hôm nay, nhờ nó, tôi lại may mắn được ông chọn để đặt câu hỏi gần cuối cùng này.

Có điều lúc đó, tui đã quyết định không làm như vậy. Thật sự tui không phải là người thích nổi tiếng vì những chuyện kiểu vậy, tui thích nghĩ ra những trò như thế hơn là thật sự làm nó – và đó không hẳn là điều hay ho gì vì đôi khi tui hay hối tiếc về một tuổi trẻ nhát cáy không dám làm nhiều điều ngu xuẩn của mình. Tui thích cho nhân vật trong phim mình làm những chuyện ngu xuẩn giùm tui hơn là tui tự đích thân mình làm.

Vì lẽ đó, tui chỉ cám ơn ông đã khen cái mái tóc và đặt câu hỏi.

Câu hỏi của tui, thì bạn nào xem video chắc cũng đã biết rồi.

IMG_9319

Tui hỏi ông rằng, như ông đã nói ở trước đó, ông từng rất ham chơi, không nghiêm túc trong việc gì cả, và tui đọc trên mạng còn thấy bảo ông hút cần (oh yeah, mọi người cười và ông Obama chắc cũng không nghĩ rằng có một đứa nào ở Việt Nam lại lôi chuyện ấy ra hỏi), thì làm sao ông từ một người như thế lại trở thành một người của ngày hôm nay.

Là một nhà làm phim, và thực tế, trong chữ ký trên email của tui, tui ghi mình là storyteller – người kể chuyện – tui luôn tin vào những câu chuyện cá nhân. Câu hỏi của tui nghe có vẻ chung chung, nhưng nó là một câu hỏi rất cá nhân.

Tui có một đứa cháu trai và tui rất thương nó. Cả nhà tui rất thương nó, nhưng cả nhà có lẽ cũng bất lực không biết phải làm sao với nó, vì nó đã 20 tuổi mà vẫn cứ lông bông, chẳng chịu học hành gì, không muốn đọc gì, chẳng biết mình muốn gì. Tui đã từng nhiều lần ngồi hỏi cháu tui, con thích gì nhất, con ước mơ gì nhất, con muốn mình trở thành ai, nhưng những cuộc trò chuyện như thế thường kết thúc trong nước mắt, vì cháu tui cũng không thể trả lời được, và mỗi khi bị hỏi, nó trở nên căng thẳng và đau khổ.

Tui muốn tìm một câu trả lời từ ông tổng thống Mỹ cho cháu của tui, mặc dù điều đó thật xa vời và mông lung. Tui muốn nghe một câu chuyện truyền cảm hứng từ người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ, để biết, từ cậu thanh niên ham chơi ngày nào trở thành một người thành đạt. Mặc dù ông Obama nói rằng, đừng tin những gì bạn đọc được trên Interner, và ông nhắc đến cuốn tự truyện của ông, Những giấc mơ từ cha tôi, thì thật ra, điều tôi đọc được trên Internet chính là từ cuốn từ truyện này.

obamasmoke

Đây là trích đoạn mà tui đã đọc trên Internet từ cuốn sách của ông

“Junkie. That’s where I’d been headed: the final, fatal role of the young would-be black man. Except the highs hadn’t been about me trying to prove what a down brother I was. Not by then, anyway. I got high for just the opposite effect, something that could push questions of who I was out of my mind, something that could flatten out the landscape of my heart, blur the edges of my memory. I had discovered that it didn’t make any difference whether you smoked reefer in the white classmate’s sparkling new van, or in the dorm room of some brother you’d met down at the gym, or on the beach with a couple of Hawaiian kids who had dropped out of school and now spent most of their time looking for an excuse to brawl. You might just be bored, or alone.[ ]. Everybody was welcome into the club of disaffection. And if the high didn’t solve whatever it was that was getting you down, it could at least help you laugh at the world’s ongoing folly and see through all the hypocrisy and bullshit and cheap moralism”.
p93. chap 5, The Dream from My Father

Tạm dịch (rất dở thô thiển):

Con nghiện. Tôi đã lao vào nó như thế: vai trò cuối cùng chí tử của một thằng da đen trai trẻ sớm thành đàn ông. Ngoại trừ chuyện phê này không phải là chuyện tôi muốn chứng tỏ mình là thằng anh em đang bị tụt cảm xúc thế nào. Dù sao thì lúc đó là vậy. Tôi phê là vì lý do ngược lại, một điều gì đó có thể đẩy câu hỏi tôi là ai ra khỏi đầu tôi, một điều gì đó có thể làm phẳng trái tim gồ gề của mình, xoá mờ đi những góc cạnh ký ức của tôi. Tôi phát hiện ra rằng hút cỏ ở trong chiếc xe van lấp lánh mới của đám bạn học da trắng, hay trong phòng ký túc xá với mấy đứa anh em bạn gặp ở phòng gym, hay ở bờ biển với mấy đứa nhóc Hawaii mới bỏ học và giờ dành hầu hết thời gian kiếm cớ để đánh lộn thì cũng chả khác biệt gì nhau cả. Bạn chắc cũng chán, hoặc cô đơn.  Ai cũng được chào đón đến hội bất mãn. Và nếu cơn phê không giúp giải quyết được vấn đề khi bạn thấy bị tụt cảm xúc, thì nó cũng giúp bạn cười vào cái thế giới điên dại đang diễn ra và nhìn xuyên thấu tất thảy những thứ đạo đức giả dối, nhảm nhí và mớ luân lý rẻ tiền.

Vụ ông Obama viết về chuyện này cũng khiến ông gặp vài rắc rối khi tranh cử và dân Mỹ cũng tranh luận tưng bừng, tui chỉ khơi lại cho vui vậy thôi. Dĩ nhiên, sau khi nghe ông ấy trò chuyện rất vui vẻ với các bạn trẻ, ông đùa với các bạn rất thoải mái, ông hoà đồng và tự nhiên, và mình có một niềm tin rằng mình có hỏi linh tinh như vậy cũng không có gặp rắc rối gì với chính quyền Mỹ, vì họ tôn trọng quyền tự do ngôn luận, dân chủ và bình đẳng, thì mình mới dám hỏi một câu hỏi như thế.

Trong câu trả lời của Obama, tui rất thích đoạn này vì tui đồng cảm và chia sẻ với ông. “Đôi khi ta nghĩ người ta chỉ có động lực vì tiền, hay quyền lực, Nhưng người ta còn được tạo cảm hứng bởi những câu chuyện”.

Dù sao thì cũng cám ơn ông đã trả lời câu hỏi của tui, với tui, vậy là cũng vui rồi.

Tags:

Leave a Reply