1. Có ba chuyện nói liền: một là X-Men: Days of Future Past với tui là phim hay nhất mùa hè năm nay, cho dù bây giờ mới chỉ giữa tháng 5 và còn cả mấy tháng hè với vô số bom tấn khác; hai là dù vậy thì X-Men: Days of Future Past không “đã” như cái cảm giác hồi xem X-Men First Class và không để lại nhiều cảm xúc như hồi tui xem X-Men và X2. Và cuối cùng, đây không phải review X-Men: Days of Future Past. Tui sẽ bình luận sau, khi mà phim đã chiếu và nhiều bạn đã xem, giờ tui chỉ nói chuyện lan man loanh quanh cái phim này.
Ai vốn yêu thích series phim X-men thì đều biết rằng, loạt phim này đến nay có tổng cộng bảy phim: X-Men, X2, X-Men 3: Last Stand, X-Men Origin: Wolverine, và The Wolverine. Hai phần đầu tiên do Bryan Singer thực hiện, một đạo diễn mà vào thời điểm đó được xem là tài năng trẻ của Hollywood nhưng có phần bướng bĩnh. Bryan có quyền bướng bĩnh. Anh xuất thân là dân học phê bình lý luận ở USC (tức là cái trường mà tui học, tiện thể khoe khoang). Phim đầu tay của anh, Public Access, thành công tại LHP Sundance. Phim kế tiếp, Unusual Suspects, tiếp tục gây tiếng vang. Thành công đến nhanh nên Bryan tự cho mình sự tự mãn. Khi được mời làm X-Men, Bryan Singer từ chối. Ngay cả sau đó nhận lời làm, Bryan cũng khá ngoan cố trong việc ra những yêu sách cho bộ phim, trong đó có cả việc chê bai gợi ý của nhà sản xuất về vai diễn Wolverine dành cho Hugh Jackman. Cuộc “đối đầu” giữa Bryan Singer và nhà sản xuất của hãng Fox khá căng thẳng khiến dự án này bị đình trệ trong một thời gian, và Bryan Singer trong khi đó làm Apt Pupil, một bộ phim kể về một cậu học sinh phát hiện ra hàng xóm của mình là một tay phát xít còn sống sót sau thế chiến thứ hai. Apt pupil, với diễn xuất của Ian McKellen, đã thất bại nặng nề và Bryan Singer học được bài học của mình. Anh lắng nghe nhà sản xuất và bắt tay vào làm X-Men, đồng ý Hugh Jackman cho vai Wolverine, mặc dù ở thời điểm đó, Hugh Jackman khá ẻo lả (vì vốn xuất thân là diễn viên musical). Để khiến người xem tin vào sức mạnh của Wolverine ngay từ đầu phim, một cảnh Wolverine đấu võ đãi với một tay đấm to con được thêm vào, và dù Hugh Jackman chưa thực sự cơ bắp như ngày nay chúng ta thấy, khán giả xem X-Men vẫn bị thuyết phục với một Logan hầm hố cộc cằn có sức mạnh vô song.
2. Bryan Singer là một người đồng tính, và cái thông điệp ẩn dụ của Bryan khi thực hiện hai tập đầu tiên của X-Men khá là xuyên suốt: X-Men là câu chuyện về những nhóm người “khác biệt” trong xã hội bị kỳ thị, và đây là cuộc đấu tranh của họ. Nó là câu chuyện của chấp nhận bản thân, nhìn nhận mình là ai, được cất giấu phía sau những cuộc chiến đấu nảy lửa ly kỳ của những con người đột biến có khả năng phi thường.
Sau hai phần X-Men, Bryan Singer muốn “đổi gió”. Anh “hoán đổi” vị trí đạo diễn với Brett Ratner, người được mời làm phim Superman Returns. Thế là X-Men 3: The Last Stand được đưa về cho Brett Ratner, còn Bryan Singer làm Superman Returns. Kết cục, cả hai phim đều thất bại.
Hai phần Wolverine, với tui, ngoại trừ đánh đấm kỹ xảo tưng bừng thì khá tẻ nhạt về mặt cảm xúc. Phần Origin kể lại khá nhiều chuyện mà nếu xem X-Men và X-2 thì đều đã biết, mà ngay cả những đoạn về quá khứ của Logan trong hai phần X-Men đầu tuy ngắn ngủi nhưng vẫn hấp dẫn, xúc động hơn nhiều so với nguyên cả cái phim Origin.
May mắn thay, First Class đã “hồi sinh” loạt phim này với dàn diễn viên trẻ đẹp vào vai các dị nhân thời trẻ, và câu chuyện nay không còn lệ thuộc quá nhiều vào Wolverine mà xoay quanh “mối tình ngang trái nông nổi” của Charles và Erik.
Và X-Men: Days of Future Past đã có một cách xử lý tuyệt vời để hai thế hệ của X-Men và X-Men First Class có thể tham gia cùng một bộ phim. (Nếu bạn thắc mắc, Giáo sư X đã bị Jean Grey aka Phoenix giết chết trong X-Men: The Last Stand thì vì sao ông ấy còn sống thì thật ra câu trả lời nằm ngay trong phần after credit của phần này: linh hồn của giáo sư đã nhập vào thể xác của một người không có não để hồi sinh)
3. X-Men: Days of Future Past là một phim về “du hành thời gian”, theo đó, Wolverine được gửi về quá khứ để thay đổi hiện tại, bởi cuộc chiến giữa con người và dị nhân đang đến hồi đỉnh điểm khi mà các dị nhân đang ở bên bờ tuyệt chủng. Thời điểm được trở lại quá khứ là sự kiện ký kết hiệp ước Paris 1973, mà nếu thế hệ trẻ hôm nay học sử đàng hoàng sẽ biết rằng đây là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa đối với lịch sử Việt Nam. Đây là hiệp định ký kết để chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, với bốn bên tham dự: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Cộng Hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa ký tại Paris vào năm 1973. Chính vì bối cảnh đó, trong X-Men: Days of Future Past, khán giả thế giới – trừ khán giả Việt Nam – sẽ được thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay bên cạnh lá cờ vàng ba sọc đỏ và lá cờ nửa xanh nửa đỏ sao vàng. Ở Việt Nam, chúng ta sẽ không được tự hào nhìn thấy cờ đỏ sao vàng bay phất phới. Chúng ta chỉ thấy lá cờ tím sao vàng.
Dĩ nhiên X-Men: Days of Future Past không phải là một phim lịch sử. Lịch sử của X-Men là một lịch sử giả định, mà có lẽ trong lịch sử giả định của X-Men dành cho khán giả Việt Nam, thì năm 1973 không có nước Việt Nam cờ đỏ sao vàng, hoặc hiệp định 1973 là cuộc ký kết không có nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cờ đỏ sao vàng tham gia =)) (còn với khán giả thế giới thì vẫn có lá cờ đỏ sao vàng ấy)
4. Dĩ nhiên X-Men: Days of Future Past còn “giả định” lịch sử Mỹ. Trong đó, cuộc ám sát tổng thống Kennedy là một âm mưu chống lại người đột biến. Trong phim, chi tiết này được nhắc đến khá ngắn gọn để giải thích vì sao Erik lại đang bị cầm tù ở đầu phim, trong khi cuối phần trước, X-Men: First Class, anh và Charles vừa kết thúc cuộc chiến kinh hoang với phe con người – bao gồm ca phe tư bản lẫn phe xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Nhìn lại lịch sử giả định này, vụ án ám sát tổng thống Kennedy mà trong lịch sử chúng ta biết có những yếu tố kỳ bí đến nay vẫn chưa ai có thể giải thích đầy đủ, mà có rất nhiều giả thuyết đặt xung quanh đó. Theo đó, năm 1963, trong khi đang đi viếng thăm thành phố Dallas, tiểu bang Texas, tổng thống Kennedy đã bị ám sát: ông bị một viên đạn bắn vào cổ, một viên khác bắn trúng phần lưng trên và viên đạn này sau đó bay lên đầu khiến ông tử vong. Lee Harvey Oswald, một nhân viên ở Trung tâm Sách Lưu Ký Texas đã bị buộc tội giết tổng thống sau khi bị bắt vì tội giết một cảnh sát địa phương trước đó, mặc dù Oswald phủ nhân mọi tội trạng và tuyên bố mình bị gài bẫy. Hai ngày sau đó, Oswald bị Jack Ruby, một người điều hành nightclub ở Texas, bắn chết. Ruby sau đó bị bắt và bị kết tội giết Oswald. Vụ ám sát này có nhiều điều kỳ lạ không được làm sáng tỏ và trong một cuộc khảo sát của Fox News năm 2004, có đến 74% người Mỹ tin rằng đã có dấu hiệu che đậy sự thật về vụ ám sát này. Chính vì sự mập mờ của vụ án này mà có rất nhiều phim Hollywood đã sử dụng sự kiện này vào bộ phim, từ những phim “nghiêm túc” như JFK của đạo diễn Oliver Stone (bộ phim lật lại vụ án này với những giả thiết được phân tích chặt chẽ đến mức người ta không biết liệu câu chuyện trong phim là thật hay giả và chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Bush cha vào năm 1992 đã cho phép các tài liệu liên quan đến vụ án này được đưa ra công khai) cho đến những phim “siêu anh hùng” như Watchmen, trong đó nhân vật Comedian được mô tả là kẻ thực sự ám sát tổng thống Kennedy. Có lẽ chỉ ở Mỹ mới có chuyện một ông tổng thống mà “được” nhiều “siêu anh hùng/ ác nhân” tranh nhau ám sát trên màn ảnh rộng như thế!
Một trong những giả thuyết khiến người ta nghi ngờ nhất chính là câu chuyện về “viên đạn bay vòng” mà bộ phim JFK đã chỉ ra. Theo đó, đường bay của MỘT trong hai viên đạn đã có đường bay rất kỳ lạ, dẫn đến giả thuyết có thể không phải có hai viên đạn đã được bắn mà có ba viên đạn nhưng chính quyền Mỹ lúc bấy giờ đã phủ nhận việc có hai tay súng tham gia trong vụ ám sát này.
Và bạn biết không, trong X-Men: Days of Future Past, sự “kỳ lạ” của đường bay viên đạn này được lý giải bởi sự tham gia của một dị nhân có khả năng điều khiển kim loại. Bạn đoán xem là ai? Và vì sao người này lại hành động như thế?
Tạm thời câu chuyện lần này đến đây là hết, hẹn kỳ sau chúng ta sẽ nói về vụ án ám sát tổng thống JFK và chuỗi sự kiện dẫn đến vụ án này…
8 thoughts
Trinh Le
Em vẫn tiếc về phần 3 của X-Men. Phải chi Bryan Singer tham gia đạo diễn phim này 🙂
Quoc Khanh
Đọc cái này còn đã hơn review. thanks anh :))
antoni
tui vẫn ko hiểu là cái film The wolverine có liên quan gì đến loạt film không, và tại sao khi tỉnh dậy cuối film thì anh wolverine lại quay về trước thời điểm ấy ấy và gặp lại người ấy ấy
Tom Deng
tại vì lịch sử đã thay đổi mà bạn. Wolverine đã thay đổi lịch sử >> hiện tại cũng thay đổi luôn. Còn sequel Wolverine là để kể về riêng về nhân vật Wolverine thôi, nếu bạn có coi các after credit của 2 phần về nhân vật này sẽ thấy có nói đến các vấn đề liên quan đến series X-Men 🙂
Phong
Ủa, anh ơi. Thật ra theo em hiểu thì việc ông Prof.X chết trong The Last Stand cũng đâu có liên quan gì trong phần này. Vì:
(SPOILER)
– Phim này kể về 1 khoảng thời gian trong quá khứ, năm 1973, và sự kiện đó quyết định rẽ nhánh ra 2 tương lai:
Một: Tương lai mà xảy ra trong 3 phần phim trước đó, và kết thúc là việc ông Prof.X chết trong the Last Stand, và nhập vào một người không não như anh nói.
Hai: là tương lai như trong phim này nói đến, bắt đầu khởi điểm 1973 sau sai lầm của Raven.
Tuy nhiên cuối cùng nhờ các diễn biến trong phần này mà tương lai nói đến trong phần này cũng không xảy ra mà nhường cho diễn biến như trong the Last Stand.
(Hết Spoil)
Hiểu vậy đúng không nhỉ?
Tuy nhiên em thấy phần này hay ở chỗ:
– Diễn viên nào cũng diễn rất đạt, và đầy cảm xúc.
– Nhiều trường đoạn có lời thoại rất súc tích.
– Bất ngờ đoạn hài của Quicksilver.
– Kết cấu chặt chẽ với 3 phần phim trước đó.
– Mang đến một không khí tình cảm và kỉ niệm sâu sắc mà 3 phần trước đó kô mang lại được.
Nên em thấy First Class và phần này đều có chỗ đứng như nhau.
Có điều sao nhiều người có vẻ không hiểu kịp nội dung phim, hay chỉ mong đánh đấm, hoặc không bắt kịp tính văn hóa mà bộ phim mang lại, nên trên mạng nhiều người chê thế.
phanxine
Em ơi, đoạn đầu của phim là chuyện tương lai diễn ra sau chuyện của The Last Stand mà, sau tập nay những gì chúng ta đã xem trong ba phần trước không còn ý nghĩa gì nữa vì nó chưa từng diễn ra.
Phong
Ủa vậy sao anh, vẫn còn hơi ngờ ngợ. Em phải kiểm tra lại nội dung trong đầu cái đã.
(À, em đã từng gặp anh trong Vincom rồi, hơi bất ngờ, vì không ngờ nhìn anh to và dễ sợ hơn em tưởng 🙂