captainphillips-poster2

CAPTAIN PHILLIPS. Một phim hay, căng thẳng, hồi hộp, đặc biệt là khi nếu ai biết sự thật về vụ cướp biển này mới có thể thấy tài năng của biên kịch, đạo diễn và Tom Hanks đã biến một thuyền trưởng kiêu ngạo, bất chấp tính mạng của thủy thủ đoàn vì cái tôi của bản thân trở thành một người anh hùng như thế.

Câu chuyện phim Captain Phillips xoay quanh cuộc đối đầu giữa thuyền trưởng Phillips cùng thủy thủ con tàu chở thương thực cứu trợ Maersk Alabama với bọn cướp biển Somali. Xét về phương diện câu chuyện, Captain Phillips không có gì đột phá. Một câu chuyện khá đơn giản: cướp biển tới, hai bên đối đầu, thuyền trưởng anh hùng bày mưu tính kế để chống trả cọn cướp biển có vũ trang, bọn cướp biển bắt con tin, quân đội giải cứu con tin, một số chết, một số sống, cuối phim khóc lu bù, hết phim. Thế nhưng, về cách kể chuyện, Paul Geengrass, từng rất xuất sắc với lối làm phim mạnh bạo, dồn dập, đầy hơi thở cuộc sống, đôi khi khiến người xem tưởng như đang xem một phim tài liệu táo bạo, đã đem đến cho Captain Phillips bầu không khí nghẹt thở trong từng giây phút, để rồi Tom Hanks có một giây phút vỡ òa thăng hoa ở cuối phim. Phim hay và thành công bởi một câu chuyện đơn giản nhưng được thể hiện bởi một dàn diễn viên xuất sắc, không chỉ ở Tom Hanks trong vai Captain Phillips, mà còn bởi sự diễn xuất chân thật tài tình của Barkhad Abdi trong vai Muse, tên cướp biển đầu sỏ. Barkhad Abdi chưa từng đóng phim, nhưng vai diễn của Tom trở thành hay xuất sắc là bởi chính vai diễn Muse của Barkhad Abdi quá xuất sắc, tạo nên một thế đối đầu ngang cơ khốc liệt. Ánh mắt giận dữ, quyết liệt che giấu sự tuyệt vọng, sự run rẩy rất nhỏ nhưng tinh tế và đắt giá của Muse đã tạo nên một chân dung “người ngư dân cướp biển” đáng nhớ. Không cần bi lụy ai oán kể lể, nhưng Muse vẫn khiến tui nhớ cái ánh mắt của anh ta, và cảm thông đâu đó cho số phận của những người ngư dân nghèo bị đẩy ra biển làm cướp. Nếu ai cũng nói Tom Hanks xứng đáng với một Oscar, thì tui nghĩ, vai diễn của Tom Hanks quá đơn giản với ông và dù nó rất hay, nó không có gì bất ngờ. Tui nghĩ, Barkhad Abdi xứng đáng nhận một đề cử Oscar cho vai diễn của anh hơn.

Tom Hanks
Quay trở lại câu chuyện đầu tiên. Ai cũng thấy thuyền trưởng Phillips là một người hùng của câu chuyện. Một thuyền trưởng tận tụy và có trách nhiệm với nghề, về thủy thủ đoàn, với con tàu của mình. Thế nhưng, thủy thủ đoàn đã lên tiếng sau khi phim công chiếu: bộ phim là một lời nói láo. Thuyền trưởng Phillips ngoài đời là một kẻ kiêu ngạo, đã bất chấp những răn đe từ phía an ninh về những vụ cướp biển, giấu nhẹm những thông tin này với thủy thủ đoàn, để con tàu đi vào khu vực nguy hiểm nhiều cướp biển, mặc cho thủy thủ đoàn cũng ngăn cản và cầu xin, và khi vụ cướp xảy ra, cũng mặc kệ kế hoạch phòng thủ và tác chiến của thủy thủ đoàn để làm theo ý mình và còn đẩy thủy thủ đoàn vào tình thế nguy hiểm bất chấp tính mạng của họ. “Không ai muốn đi cùng anh ta”, một thủy thủ đoàn nói. Phillips không hề bảo vệ gì cho thủy thủ đoàn khi bọn cướp biển tấn công, và cũng không hề có chuyện ông ta tự giao nộp bản thân mình để đánh đổi mạng sống cho thủy thủ đoàn. Thủy thủ đoàn đều phải tự chiến đấu.
Một số thủy thủ đã nhận tiền của hãng phim và vì thế họ không thể nói gì về chuyện thật sự đã xảy ra trên tàu. Một số khác từ chối. Phản ứng của họ khi xem phim? “Phim hay đấy chứ, rất có tính giải trí”, họ cười.
Tham khảo từ http://nypost.com/2013/10/13/crew-members-deny-captain-phillips-heroism/

Tags:

3 thoughts

  • Bánh bèo

    Thích cách ứng xử của họ: dù cho rằng bộ phim không đúng sự thật, ngay cả khi sự thật đó có liên quan đến mình, họ vẫn nhận xét về phim là “Phim hay đấy chứ, rất có tính giải trí”

  • Duy Nguyễn

    Everything gonna be okay.
    Câu nói mà Muse lặp đi lặp lại, trong lúc tình thế ngày một xấu đi, quả thực là ám ảnh.
    Không ngờ là vai diễn đầu tiên của anh ta (Barkhad Abdi).

Leave a Reply