bh

Lâu rồi không viết blog, giờ hứng lên mở lại nhưng chẳng biết viết gì… Cũng cả hơn một tuần rồi, mà chưa nghĩa ra nên viết gì cả.

1. Ban đầu tính viết review hai phim Việt Nam ra rạp tháng rồi – Tiền Chùa và Âm Mưu Giày Gót Nhọn. Nhưng chưa xem phim nào nên cũng chẳng biết viết gì cả. Hơn nữa, càng ngày mình càng ngại viết về phim Việt Nam. Nên thôi.

2. Sau tính viết mấy chuyện hay ho hôm đi London về, nhưng nghĩ, blog của mình không lẽ mở hàng bằng chuyện… đi chơi? vậy còn chuyện phim ảnh thì sao? Nên thôi.

3. Cũng tính kể chuyện phim Bếp Hát, nhưng lịch phát sóng đã bị dời lại, giờ còn quá sớm để nói về nó, dù chuyện về Bếp Hát cũng có nhiều chuyện để nói. Nên thôi.

4. Có một sự thật là trước đây mình hễ bất bình là ngay tức thì lên tiếng, nhưng sau này mình nhận ra một điều là mình không còn cái sự hăng say ấy nữa =)) Một phần vì mình trở nên lười biếng, nhưng phần lớn khác là mình nhận ra trước đây mình lên tiếng vì không có ai lên tiếng, còn giờ thì mình chưa kịp nói gì đã có người phẫn nộ hơn cả mình.

Nhưng mình có một tật xấu, là hay thay đổi. Thay đổi xoành xoạch. Sự thay đổi này xuất phát từ một tính xấu khác, là mình khó chịu với đám đông. Cái gì mà đám đông bắt đầu cổ vũ là mình lại bắt đầu nhen nhóm trong đầu sự đối nghịch. Chẳng hạn trước đây, mình không ưa cái việc ngày 8/3 mọi người rần rần đi mua hoa mừng chị em phụ nữ, và mình nghĩ, là cái xứ mình không có công bằng với phụ nữ nên mới nghĩ ra cái ngày này.

Nhưng hôm 20/10 rồi, facebook mình tràn ngập status phản ứng với ngày 20/10 với lý do tương tự, thì mình lại nổi sùng lên chống lại điều đó. Bởi mình cảm thấy, thật ra, nếu có một ngày đặc biệt trong năm, thì cứ tận hưởng nó. hay vui và hạnh phúc với nó. Nếu bạn ngày nào cũng tặng hoa cho người phụ nữ của mình, ngày nào cũng đối xử đặc biệt với người phụ nữ của mình, thì thật ra, cô ấy sẽ chẳng còn thấy nó có gì đặc biệt. Nhưng nếu có một ngày khác với những ngày còn lại, nó mới trở nên quý giá.

Hơn nữa, nếu bạn cảm thấy không vui với cuộc sông của bạn, thì cũng đừng bắt những người khác phải cùng khổ với bạn. Hãy để người ta vui với những ngày đặc biệt trong năm. Nó cũng tương tự như ngày của Mẹ, ngày của Cha của bọn Mỹ, không lẽ chúng ta nói chúng nó có lẽ chẳng đối xử tử tế gì với mẹ cha cả năm, canh mỗi ngày này để mua hoa mua quà tặng cha mẹ gọi là, rồi chúng ta phản đối ư?

5. Có một sự thật khác là, trước đây bên trong mình luôn đầy sự giận dữ, nên mình viết rất nhanh (mỗi khi giận dữ thì mình thường viết rất nhanh, để giải toả cơn giận dữ của mình. những lúc vui vẻ thì mình lại tung tăng tận hưởng những thời khắc đó bên ngoài hơn là ngồi trước máy tính) và mình luôn muốn làm phim về những cơn giận dữ, những bức xúc ấy. thế rồi, tự nhiên, chẳng biết từ đâu, mình bắt đầu đổi tính, đổi nết, thích vui vẻ, thích hạnh phúc, bỏ hết những bực dọc trong người, bỏ ngoài tai những gì làm cho mình giận dữ, không đọc báo mạng, không xem TV, đọc sách trở lại. Đọc lại những treatment kịch bản phim mình muốn làm trước đây, tự nhiên mình thấy xa lạ. Mình không còn thấy mình trong đó, không còn gần gũi với tâm tư của nhân vật nữa.

Giờ mình lại thích những thứ vui vẻ, nhẹ nhàng, tươi tắn như Bếp Hát. Dĩ nhiên là phải “sến” nữa (vì thật ra mình cũng thích sến trước giờ ha ha ha). Giá mà mình đến với Bếp Hát sớm hơn, co nhiều thời gian chuẩn bị hơn, mình đã sửa kịch bản lại nhiều hơn cho các nhân vật phụ thêm đời sống hơn.

6. Nhưng trong Bếp Hát, có một nhân vật mình rất thích, là Duy – một bếp phó nghèo, đi lên bằng tài năng của mình, nhưng cậu cũng ý thức rằng, mình sẽ khó có tương lai nếu ở mãi tại Avilon. Duy yêu Miên, cô bạn thời thơ ấu của cậu, con gái của ông chủ nhà hàng, cũng là bếp phó thứ hai. Thế nhưng, bi kịch của Duy chính là, mọi ưu ái về nghề nghiệp của bếp trưởng đều được dành cho Miên cho dù bếp trưởng công nhận tài năng của cậu, bởi Miên là con gái của ông chủ; trong khi đó, mọi ưu ái về tinh cảm của Miên lại dành cho bếp trưởng, bởi trong mắt Miên, Duy chỉ là một người bạn thân. Duy tài năng hơn, trẻ trung hơn, đẹp trai hơn, lẽ ra cậu phải có tất cả, nhưng cậu lại không có gì cả. Một mẫu nhân vật đầy những mâu thuẫn nội tâm, và có rất nhiều thứ phải tranh đấu.

[SPOILER]

Duy là một chàng trai tốt bụng và hiền lành. Nhưng trong “cuộc chiến” này, khi mà Miên và Hoàng Quân là những nhân vật chính diện của phim, thì cậu sẽ phải trở thành kẻ thứ ba – nhân vật phản diện. Một nhân vật phản diện mà người xem sẽ thương cậu, mà có khi, nếu quá thương cậu, họ sẽ bắt đầu ghét cả nhân vật chính diện. Dĩ nhiên, Duy có một điểm yếu, hay đúng hơn, một tính xấu mà người xem có thể đồng cảm, nhưng cũng có thể giật mình khi nhận ra đồng cảm đồng nghĩa với đồng loã, và họ sẽ bắt đầu ghét Duy nếu họ thật sự suy nghĩ về con người của nhân vật này.

[KẾT THÚC]

7. Ngược với Duy, là Ngọc, nhân vật phản diện của phim, một phụ nữ tài năng, mạnh mẽ, biết rõ mình muốn gì. Chỉ cần như thế thôi, số đông đã không ưa Ngọc. Người ta có lẽ khó chấp nhận một người phụ nữ tham vọng như thế. Khác với Duy hiền lành, nhún nhường, chịu đựng, thì Ngọc luôn ngẩng cao đầu bước đi, ngay cả khi bị những kẻ khác sỉ nhục. Trong phiên bản gốc, chỉ một lần duy nhất Ngọc lộ ra sự mong manh dễ vỡ của mình, còn hầu hết thời gian sẽ không ai ưa nổi người đàn bà này, thì trong phiên bản của mình, mình muốn người ta vừa ghét vừa thương Ngọc, bởi phía sau sự hung tợn, cao ngạo, kiêu hãnh kia, vẫn là một phụ nữ “cần lắm đôi vai này”… mình đề nghị viết thêm cho Ngọc một quá khứ, thoáng qua rất nhanh, khi mà Ngọc đụng độ với một nhân viên cấp dưới mà từ đầu cô rất ghét và luôn muốn loại bỏ. Ngay ở cái khoảnh khắc mà người ta không thể chịu nổi con người này, thì mình hé lộ ra, vì sao cô ấy trở thành con người như thế.

8. Kể hai câu chuyện này, là bởi mình cảm thấy khi xem phim, đọc truyện, mình thường hay có xu hướng đứng về phe phản diện. Nó quay trở lại câu chuyện ban đầu, rằng mình hay có xu hướng chống lại số đông. Cũng như mình từng viết kịch bản Cám Tấm, trong đó kể câu chuyện của Cám, vì sao Cám trở thành con người xấu xa như người ta vẫn nghĩ, rằng liệu Tấm có thực sự là một nhân vật hiền lành nhu mì. Ngay cả trong câu chuyện của mình, ông Bụt cũng trở thành một kẻ xấu xa, ông vua là một kẻ mê gái đẹp, và dĩ nhiên, Tấm là một đứa điêu ngoa gian trá giả vờ hiền lành. Tiếc là kịch bản này chắc khó làm phim trong thời điểm này, để dành đó vậy.

9. Nói lan man rồi. Kết luận của câu chuyện này là gì? Tui có vẻ như  yêu thích những người bị xã hội xem là “phản diện”

 

5 thoughts

Leave a Reply to phương Cancel reply