Featurecover_okinawa_langthang

Tui hoàn toàn không biết gì về Okinawa cho đến ngày tui bước chân đến hòn đảo này. Tui nhận được lời mời đi dự LHP Quốc Tế Okinawa. Ừa thì đi, nói chung thích đi Nhật mà. Lại còn khấp khởi hy vọng được ngắm hoa anh đào nở.

Hoá ra Okinawa vậy chớ không có giống Tokyo miếng nào. Tui còn không có cảm giác là tui đang ở Nhật Bản trong suốt mấy ngày ở Okinawa. Tui có cảm giác tui đang ở… Đà Nẵng. Mà thiệt. Tỉnh Okinawa là tỉnh cực nam Nhật Bản, có lịch sử và văn hoá khác với Nhật Bản chính quốc. Trước đây Okinawa là một nước độc lập (vương quốc Lưu Cầu), mặc dù gần gũi với Nhật Bản hơn về mặt chủng tộc nhưng lại thân thiết với Trung Quốc hơn. Phải đến năm 1872 thì vương quốc này mới sát nhập thành một tỉnh của Nhật Bản mặc dù Trung Quốc hết sức phản đối. Có điều số phận người dân Okinawa nói chung cũng éo le. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ đóng quân tại Okinawa, buộc người Nhật muốn đến Okinawa phải có visa nhập cảnh mới được vào. Okinawa trở thành một căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ ở Đông Á. Đến năm 1972 Okinawa mới được trao trả lại cho Nhật Bản, nhưng quân đội Mỹ cũng như thân nhân của họ vẫn ở lại Okinawa rất nhiều.

Vì sự éo le đó, Okinawa là tỉnh nghèo nhất Nhật Bản, thu nhập bình quân đầu người cũng thấp nhất…

Hôm ở trên taxi đi từ sân bay về khách sạn, ông tài xế người Okinawa tâm sự với giọng Nhật Bản đặc sệt ngôn ngữ địa phương (tui nghe bạn phiên dịch bảo vậy) rằng nhiều khi ổng ước gì Okinawa đừng có bị trả về cho Nhật Bản, ước gì người Mỹ cứ ở lại Okinawa thì đời có khi đỡ khổ hơn. Vụ này thiệt ra cũng rất là đáng tranh cãi vì cô bạn tui sau đó nói cô cũng bị sốc khi nghe nói vậy, chớ cô nghĩ tại bị Mỹ đóng đô lâu quá mà Okinawa mới nghèo chớ bộ…

Vì người Mỹ ở đây rất nhiều, nên có một thế hệ những bạn Mỹ da trắng nhưng nói tiếng Nhật, cư xử như người Nhật bởi các bạn được sinh ra và lớn lên ở đây dù cha mẹ là người Mỹ.

61_duongpho

Nhìn thành phố Naha – thủ phủ của tỉnh Okinawa – làm tui nghĩ tới Đà Lạt hay Đà Nẵng hơn là một thành phố của Nhật. Ví dụ như góc hình này, nếu không có các biển hiệu tiếng Nhật tiếng Anh thì chắc nói đây là hình chụp ở Việt Nam cũng tin được đó.

59_travis

T. là một người Nhật gốc Mỹ. Anh và em trai được sinh ra và lớn lên ở Okinawa. T. nói tiếng Nhật thành thạo như một người bản xứ, và nói tiếng Anh như một người Mỹ. Ba anh là thuỷ quân lục chiến Mỹ, mẹ anh là người Nhật. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Okinawa, ba của T. về Mỹ, nhưng mẹ của anh sau một vài năm đã không chịu nổi nước Mỹ và quay trở lại Okinawa. Tui hỏi T., anh cảm thấy anh giống người Mỹ hơn, hay giống người Nhật hơn, T. bảo, thật ra đó là câu hỏi mà tao trăn trở thời tao mười bảy mười tám tuổi. Giờ tao đủ già rồi, tao chẳng xem tao là người Mỹ hay người Nhật, tao là tao thôi. Dĩ nhiên khi ở Okinawa thì tao nhiều bạn bè Nhật hơn, nhưng ở Mỹ thì tao cũng nhiều bạn Mỹ hơn. Tao lớn lên với thức ăn của mẹ tao nấu nên tao gần gũi với đồ ăn của Okinawa hơn, nhưng tao cũng ăn đồ ăn Mỹ tuốt. Nhưng về ứng xử, đôi khi tao “Mỹ” hơn là Nhật”, vì tao sử dụng tay chân điêụ bộ nhiều khi nói chuyện, trong khi người Nhật thì rất khiêm nhường và ít khi vung tay vung chân khi nói chuyện… Trong hình, T. đang dẫn bọn tui đi tham quan chợ cá Naha, và anh tiện thể mua một con hàu sống ăn luôn tại chỗ. “Đồ biển tươi sống ở Okinawa rất ngon”, T. bảo.

—————————————————————————————————————————-

22_hautuoi

Hàu tươi, 250 yên/con (khoảng 50.000 VND). Ăn rất là ngọt, đã!!!

41_cangu

Một bé gái đang đứng chờ xem người ta xẻ cá ngừ ở chợ cá Naha.

10_c

Cá ở đây tươi sống đủ thể loại…

44_cakyl

Đủ hình dáng….

14_cama

và đủ màu sắc…

—————————————————————————————————————————-

53_xecangu

Một nghệ nhân đến biểu diễn xẻ cá ngừ cho khách du lịch xem. Sau khi biểu diễn xong, bà con ăn sashimi tại chỗ luôn.

—————————————————————————————————————————-

49_caokinawa

Món cá Okinawa (tên con cá như vậy luôn) là một trong những món đặc sản của hòn đảo này. Cá chiên dòn ăn hết cả thịt lẫn xương!

—————————————————————————————————————————-

46_rongnho

Một đặc sản khác ở Okinawa là món rong nho. Nó gần như là món khai vị ở mọi bữa ăn. Tui ăn nhiều đến mức mấy hôm sau trong miệng lúc nào cũng có cảm giác có hạt nho biển đang nằm trên lưỡi, chỉ muốn cắn “bụp bụp” bung nước ngòn ngọt mằn mặn ra.

—————————————————————————————————————————-

52_tacorice

Ở đây cũng có những món “truyền thống” lai tạp, chẳng hạn như taco rice – cơm taco, một biến thể ngẫu hứng giữa món taco của Mexico và cơm Nhật Bản.

—————————————————————————————————————————-

48_ramenheo

Nhìn chung các món dân dã của Okinawa khá giống đồ ăn Việt Nam. Ngoài cá thì Okinawa đặc biệt ăn rất nhiều thịt heo. Ví dụ trong hình là món mì soba Okinawa với thịt heo. Thịt heo kho của Okinawa khá giống món thịt heo kho của Việt Nam. Ngoài ra còn có món mướp đắng xào trứng thịt heo cũng giống hệt món Việt Nam vậy.

—————————————————————————————————————————-

60_dauheo

Vì người dân Okinawa ăn thịt heo nhiều nên trong chợ ngoài cá thì gian hàng thịt heo cũng rất lớn, và kiểu “trang trí ưa thích” ở đây là cho đầu con heo đeo kính!!!

05_dauheo

Và đây…

09_quayanuong

Và đây nữa….

—————————————————————————————————————————-

45_quanan

Đây là một quán ăn trong chợ cũ ở khu Kokusai Dori – con đường chính của thành phố Naha. Quán này cô chủ bảo đã mở 15 năm rồi. Nhìn cái hình của cô trên tường thấy rõ khi ấy cô còn trẻ. Nghe bảo tui ở Việt Nam sang, cô quay ra sau gọi “Mai, betonamu!”. Một cô bé phục vụ ngước lên nhìn tui, hỏi “Anh ở Việt Nam sang à?”. Tiếc là lúc đó tui phải đi gấp, không nói chuyện gì nhiều được với Mai cả.

—————————————————————————————————————————-

00_biendao

Cũng trong khu chợ này, có một nhà hàng Việt Nam mang tên Đảo. Tiếc là tui cũng không có thời gian để ghé vào xem bên trong có gì…

Đi lang thang trong chợ, tui mới phát hiện ra rằng, khoảng 80% người bán hàng trong chợ là những người già. Họ ngồi đó, chẳng nói gì, nhìn xa xăm…

45_bagia

40_bagiagoidien

08_nguoigi

34_nguoigi

30_nguoigiatv

28_nguoigi

25_nguoigia

24_nguoigi

07_hutuong

28_nguoigiama

Những cụ già ở khu chợ trong khu Kokusai-dori.

Kokusai Dori (tức International Road – Đường Quốc tế) là con đường chính của thành phố Naha, kéo dài khoảng 2km xuyên qua khu trung tâm của Naha. Trên con phố này là một dãy những nhà hàng, quán bar, quán cafe, Starbucks, McDonald, những quầy hàng lưu niệm, bánh kéo, quần áo v.v… Nếu như hầu như mọi hoạt động ở Okinawa đều ngừng sau 9h – bọn tui đã gặp khó khăn vô cùng để tìm một quán bar nào đó gần khách sạn sau 9g để ngồi nhâm nhi trò chuyện bởi hầu như mọi thứ đều đóng cửa – thì trên phố Kokusai, nhiều nhà hàng, quán bar vẫn mở cửa đến khuya. Không chỉ có những quán bar chơi nhạc hiện đại, nhiều nhà hàng còn trình diễn live nhạc truyền thống dân tộc của Okinawa.

Hôm đầu tiên tui tới Okinawa, đi trên taxi về từ sân bay còn có một anh làm việc cho tờ Hollywood Reporter. C. phụ trách mảng điện ảnh châu Á cho Hollywood Reporter, sống tại Bắc Kinh đã 13 năm. C. là người Ái Nhĩ Lan. Anh hào hứng bảo, thật trùng hợp khi trước khi tao lên máy bay, tao đọc một bài trên New York Times nói về sự tương quan giữa Okinawa và Ireland – bởi Ireland mặc dù là thuộc Anh Quốc nhưng thật ra cũng không hẳn là Anh Quốc, cũng như Okinawa thuộc Nhật Bản nhưng thật ra không hẳn là Nhật Bản. Và New York Times giới thiệu một video hai anh nghệ sĩ Okinawa chơi lại bản Danny Boy, một ca khúc dân gian Ireland, với cây đàn sanshin truyền thống của Okinawa – một cây đàn ba dây da rắn rất đặc trưng. Bi kịch là C. rất muốn giới thiệu video này cho ông lái taxi, cho cô phiên dịch, cho tui, và sau đó là vài người khác mà bọn tui gặp, kể cả cái cô chủ quán ở trên, nhưng không thể truy cập vào internet để tải về.

Cho tới hôm nay, khi ngồi viết blog này, tui mới được nghe bản nhạc mà C. muốn giới thiệu.

Bạn có thể thưởng thức ca khúc Danny Boy này tại đây: http://nyti.ms/1gCFMl8

Quay trở lại với con phố Kokusai. Đi dọc con phố này đúng là cơ man đủ mọi kiểu quà tặng, đồ ăn, áo thun thiết kế v…. Nhưng nhiều nhất là mấy cái con kỳ lân. Kỳ lân shisa – một linh vật vừa giống sư tử vừa giống chó – có thể xem là linh vật biểu tượng của Okinawa. Ngay cả tượng giải thưởng của LHP Okinawa cũng là bức tượng kỳ lân. Có thể thấy kỳ lân ở khắp nơi, trước mỗi cửa nhà đều có hai con kỳ lân, một đực một cái. Kỳ lân của Okinawa được du nhập từ Trung Quốc, khi mà năm xưa có sứ giả Trung Quốc đến diện kiến vua nước Lưu Cầu, mang theo một món quà là sợi dây chuyền hình kỳ lân. Nhà vua thấy mặt dây chuyền đẹp quá, nên luôn mang theo người. Hồi xưa ở cảng Vịnh Naha, người dân làng Madanbashi luôn bị một con rồng biển hung tợn quấy phá, ăn thịt người dân, đập phá của cải – nói chung mấy con rồng trong truyền thuyết hầu như con nào cũng quậy phá hết trừ có con rồng của Việt Nam bay lên trời để ông Lý Công Uẩn nằm mơ thấy mà dời đô mà thôi. Một hôm nhà vua đi thăm ngôi làng này, đúng lúc con rồng nó quâỵ tưng bừng khiến dân làng hoảng loạn bỏ chạy đi trốn. Một nữ pháp sư của làng nằm mơ thấy lời tiên tri báo mộng rằng nhà vua phải ra bờ biển, đưa tượng kỳ lân lên trước mặt con rồng thì có thể cứu dân làng, bèn kêu một cậu bé chạy đi gặp vua để kể lại lời báo mộng. Không hiểu sao bả không tự mình chạy đi mà bắt thằng bé con chạy thế mình, chắc sợ lỡ mơ không đúng còn đổ thừa được thằng nhỏ.

Ông vua nghe xong vậy mà cũng tin luôn, chạy ra biển, cầm tượng kỳ lân giơ cao lên đối mặt với con rồng. Hên quá, tự nhiên có một tiếng gầm rền vang trời vang lên khắp cả ngôi làng, tiếng gầm mạnh mẽ đến mức con rồng ngất xỉu luôn. Có thể giọng hát của thằng Chaien trong truyện Doraemon được lấy cảm hứng từ sự kiện này. Quay trở lại câu chuyện con rồng, từ trên trời từ đâu rơi xuống tảng đá to đè đuôi con rồng. Con rồng quẫy không được cuối cùng chết ngắc. Cơ thể con rồng biến thành rừng cây, tới giờ bà con gọi nó là rừng Gana-mui. Người dân trong làng xây nguyên cái tượng shisa đá khổng lồ để bảo vệ ngôi làng khỏi linh hồn của con rồng. Kể từ đó, Kỳ lân trở thành linh vật bảo vệ cho mọi nhà ở Okinawa. Riêng giới kinh doanh là khoái nhất vì tha hồ bán hàng lưu niệm ăn theo con kỳ lân, lại còn được tiếng bảo tồn văn hoá bản địa!!!

43_shisagift

Quà lưu niệm hình kỳ lân, một cặp trai gái đầy đủ: trai há miệng nhe răng hù doạ xua đuổi tà ma ám khí, gái toe miệng cười chào đón lộc tài may mắn đến. Đủ kích cỡ. Đủ màu sắc. Đủ chất liệu. Đủ kiểu tạo dáng.

29_shis

04_shis

42_shis

Còn đây là tượng kỳ lân thứ thiệt để trước cửa nhà. Cũng đủ chất liệu. Đủ màu sắc. Đủ kiểu tạo dáng. Rất thú vị.

17_maunguoi

Một gian hàng bán đồ lưu niệm trên Kokusai-dori.

16_hinhmau

Vẫn là cái gian hàng bán quà lưu niệm, bánh kẹo các kiểu. Nói chung hầu như ai đi ngang đây cũng chụp hình, hông biết có ai mua không hahahaa

56_muoi

57_muoi

Phải công nhận rằng họ nghĩ ra nhiều thứ để kinh doanh khủng khiếp. Chẳng hạn, họ bán cát trộn vỏ ốc biển đựng trong mấy lọ thuỷ tinh để làm kỷ niệm – tui đã bị dụ mua một mớ về làm quá tặng vì nó nhìn rất dễ thương và có ý nghĩa. Còn ở trên đây họ bán muối, đủ các kiểu muối, muối hột lớn hột nhỏ, muối trộn tiêu trộn ớt bột trộn quế hồi v.v…. Nguyên cả một cửa hàng này chỉ có bán muối mà thôi!!!

55_ruouran

Ngay cả rượu rắn cũng được để trong bao bì trang trọng để bán cho khách du lịch. Nhìn chai lọ được gói ghém màu sắc thấy nó sang trọng hơn hẳn mấy tiệm bán rượu rắn nhà mình. Thật ra, nói về bao bì thì có lẽ Nhật Bản là trùm thiên hạ. Cái gì nó cũng bao lại rất đẹp. Nhất là bánh kẹo, nhiều khi dở ẹc nhưng bao bì nó đẹp làm mình cũng thích mua.

54_inluasanho

Nói về kinh doanh văn hoá, thì đây là một câu chuyện khác. Ví dụ như việc vẽ hoa văn lên vải từ xương san hô chẳng hạn. Khách du lịch được đưa đến xưởng in hoa văn, nói chung nhìn rất là đẹp, có điều nó cũng mắc khiếp… hahaha… Có điều sau một vòng tham quan được giới thiệu về truyền thống văn hoá lịch sử của nghề này, khách được mời làm thử.

61_sanho

62_sanho

Nói chung làm thử thì cũng đơn giản, và cũng rẻ, mà cũng vui, nên tui nghĩ ai cũng muốn làm thử. Tự mình chọn chất liệu, tự mình chọn hoa văn, tự mình chọn màu sắc, ngồi miệt mài tô vẽ, rồi tíu tít xem bạn mình làm ra sao. Nói chung là cuối cùng chủ quán cũng giới thiệu được văn hoá truyền thống, vừa bán được hàng, mà khách cũng hoan hỉ ra về với mấy cái khăn được vẽ xấu hơn của người ta làm mà khoái chí ra mặt vì của mình tự làm….

15_kem

Quay trở lại với Kokusai-dori. Một tiệm kem trên Kokusai-Dori. Kem nổi tiếng nhất ở đây là hiệu Blue Seal, người ta ăn kem rất nhiều, già trẻ lớn bé, mua cây kem mặt tươi hớn hở tung tăng vừa đi vừa liếm.

50_anmuc

Một tiệm ăn quà vặt bên đường. Tui ghé vô đây ngồi nghỉ mệt tiện thể thưởng thức món bạch tuộc viên takoyaki. Món này cách người ta làm cũng hay thiệt, mặc dù cái khuôn chỉ có nửa vòng tròn mà nó trộn sao đó một hồi ra nguyên cái cục tròn vo. Ngồi ăn nóng ngay tại chỗ giữa trời se se lạnh nói chung là rất sướng.

19_langthangcliff

Lối đi vào một quán bar (nói đúng hơn, lối đi ra khỏi quán bar)

18_nhauchuteu

Nhiều quán bar, cafe rất “Mỹ”, chẳng quán Sand Inn này, mọi thứ trang trí như một quán kiểu Mỹ, với bảng hiệu Texas, Route 66 treo trong quán.

49_chuteuanuong

47_quanantoi

Nhưng cũng có nhiều quán khác giữ truyền thống kiểu Nhật. Nhiều nhà hàng nằm ở dưới lòng đất – khi bạn vào quán từ cửa chính ở ngoài đường, bạn sẽ đi xuống hầm bên dưới. Quán nhỏ nhắn xinh xắn, và ông bà chủ quán thì cũng đã già.

58_quayverap

Tui đi xem phim ở cái rạp Sakurazaka nằm gần khu Kokusai này. Một cái rạp nhỏ xíu nằm trong một con hẻm nhỏ xíu. Rạp này, như một người bạn bên Mỹ của tui hay gọi kiểu rạp này, là rạp hàng xóm. Tức mấy cái rạp nhỏ nhỏ nằm trong xóm. Rạp nho nhỏ, nhưng cũng có ba phòng chiếu, một phòng 77 ghế, một phòng 90 ghế và một phòng 150 ghế. Ở sảnh có quán cafe nho nhỏ cho khách chờ đến giờ xem phim ngồi nhâm nhi, hoặc xem phim xong thì ra ngồi bàn luận. Còn có cả một quầy sách nhỏ bán các sách nghệ thuật, sách điện ảnh, tạp chí phim, các bộ sưu tập poster phim, và đặc biệt là flip-book: những cuốn sách nhỏ xíu mà khi bạn lật nhanh các trang sách sẽ tạo nên hình ảnh chuyển động. Mỗi cuốn sách là hai câu chuyện – vì bạn có thể lật sách theo hai chiều. Flipbook có vẻ như khá thông dụng ở Nhật. Mới đây có cả một hãng phim ở Nhật quyết định chuyển thể một cuốn flipbook lên phim! Rạp Sakurazaka nho nhỏ nên cũng chủ yếu chiếu các phim nghệ thuật. Tui rất thích những cái rạp kiểu này, không biết bao giờ ở Sài Gòn mới có một cái rạp như thế.

21_conmeo

Một chú mèo ngủ ngày trên phố Kokusai, mặc kệ người qua lại…. tạm biệt Kokusai-dori, giờ mình đi chỗ khác…

—————————————————————————————————————————-

02_shur

Ở Naha có mấy cung điện lâu đài vẫn còn được bảo tồn. Lâu đài Shuri là lâu đài lớn nhất – bạn có thể đi đến đây dễ dàng bằng tàu điện. Ở Naha chỉ có một tuyến tàu điện duy nhất chạy từ sân bay Naha đến lâu đài Shuri. Khách tham quan cũng không quá đông, đa phần là các em thiếu nhi tham gia dã ngoại đến đây để học lịch sử.

37_shuroitrocho

11_choitrocho

Mỗi em được phân phát một bản đồ, sau đó đi tới đâu thì đóng dấu vào trong bản đồ của mình rằng mình đã đặt chân đến đó…

Lâu đài này cũng quanh quanh triền núi, đi bộ lang thang một hồi thì… đi lạc vô trong rừng!

31_trongkhurung

lơ ngơ đứng giữa rừng!

32_caycoth

Một cái cây cổ thụ 300 tuổi. Người dân ở đây tin rằng cái cây này là ông thần giữ rừng.

33_tronghoccay

Ở trong hốc cây, người ta đặt một bức tượng nhỏ.

39_ngoinha

Dọc theo con đường loanh quanh từ trong rừng đi ra là nhà cửa, rất giản dị và yên tĩnh…

13_ngoinha

35_bien

27_bienbao

26_bienba

Nói chung tui thích mấy cái biển hiệu nhỏ nhắn xinh xắn len giữa bụi cây thế này…

36_nguoigiacauthang

thỉnh thoảng bắt gặp cụ già đi bộ trên những bậc thang cấp..

06_embega

hay mấy em bé đi học về, ríu rít liú lo.

12_tungtang

cũng “Hélo, how are you?”, giống mấy em bé Việt Nam thấy người nước ngoài vậy… Nhân tiện, không liên quan lắm, là người Nhật phát âm chữ “r” thành chữ “l”. Hôm đầu tới nơi, cô bạn người Nhật bảo, ngày mai trời mưa mà tui nghe một hồi vẫn không hiểu “”tomollow” it will “lain” …

20_mamacaf

mà trời mưa thiệt. Hên là vừa đi đến cái quán cafe nằm lưng chừng đồi này thì trời mưa ập đến. Thế là chui vào trú mưa ăn trưa.

53_ngammua

Ngắm mưa phủ trắng trời ngoài kia…

Tags:

4 thoughts

  • Đỏ

    hay quá. Hình đẹp. Kể hay. Nhiều chỗ ý thơ tuôn lai láng quá viết thiếu chữ hoặc trùng chữ luôn 😀 E thích cái anh T người Nhật gốc Mỹ lúc ảnh nói ảnh chả quan tâm ảnh Nhật hơn hay Mỹ hơn, “tao là tao thôi”!

  • May

    Kết thúc xong chuỗi ngày tour mệt mỏi lại tìm đến blog để đọc. Kiểu kể chuyện nghĩ gì viết nấy, không trau chuốt lại hấp dẫn anh ạ. Hài hước nữa. Cảm ơn anh.

Leave a Reply to Bánh bèo Cancel reply