Khi đi trong rừng một mình, bạn nghĩ gì?
- Trong phim Everest (2015), Doug Hansen có nói rằng, “tôi leo lên đỉnh Everest… bởi vì tôi có thể… bởi vì có thể leo cao đến thế và nhìn thấy vẻ đẹp mà chẳng ai có thể thấy được, đó hẳn sẽ là tội ác nếu bạn không làm”.
Còn trong phim Himalayas, có một đoạn người ta phỏng vấn Hong-Gil, người đã chinh phục 14 ngọn núi cao hơn 8000m, rằng vì sao anh lại muốn chinh phục những ngọn núi. Hong-Gil, như mọi khi, anh bác bỏ từ “chinh phục”, anh nói, tôi không chinh phục ngọn núi… rồi anh suy nghĩ, rồi anh nói, đại loại, khi bạn leo lên đỉnh núi, bạn tưởng rằng bạn sẽ khám phá điều gì đó, bạn muốn chinh phục thử thách nào đó, thế rồi trên đường đi, bạn chợt nhận ra bạn chẳng khám phá ra điều gì cả, nhưng, bạn bắt đầu hiểu rõ về bạn hơn. Bạn tìm thấy chính bạn. Vì sao tôi leo núi ư? Vì khi đến đó, tôi bắt đầu nhận ra chính mình.
Mỗi người có một lý do để chinh phục thiên nhiên. Những chuyến hành trình leo núi. Những chuyến hành trình vào rừng. Những chuyến hành trình sâu vào hang động.
- Tui thích đi đến với thiên nhiên. Trước đây, tui không thực sự hiểu vì sao mình, và nhiều người khác, thích hành xác để đến những đỉnh núi cao, để vào những hang động sâu, để băng qua những cánh rừng ẩm ướt. Tui chỉ biết rằng, mình rất thích những chuyến đi đấy, mặc dù rằng tui luôn bị tụt lại phía sau, rằng tui luôn thở dốc chậm chạp, rằng tui có khi bò lê bò toài ở những chỗ người ta chỉ cần nhún chân là nhảy qua dễ dàng, chỉ bởi thân mình to xác không biết trọng tâm của cơ thể ở đâu.
Trong hầu hết các hành trình leo núi, tui thường đi một mình. Không phải vì tui đi một mình – tui luôn đi với những nhóm bạn của mình – nhưng bởi vì tui chậm chạp hơn mọi người khác và luôn bị bỏ lại phía sau. Những lúc đi một mình trong rừng, tui thường suy nghĩ rất nhiều điều, về cuộc sống của mình, về những ý tưởng, về thế giới xung quanh. Đôi khi có những cảm xúc đến rất kỳ lạ.
Chẳng hạn như hôm trước đi thám hiểm hang Tú Làn. Đêm hôm trước, bọn tui ngồi quây quần hát, rất nhiều bài, trong đó có ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”. Thế rồi khi đang đi giữa rừng, giữa cái hơi ẩm ướt của cơn mưa rừng đêm hôm trước, giữa sự thinh lặng của không gian chỉ còn văng vẳng xa xa thi thoảng tiếng chim hót, tiếng nói cười của bạn đường đã đi xa, trong đầu mình lại vang lên khúc hát “chuyện kể rằng trước lúc Người đi xa”… rồi mình hình dung ra cái khung cảnh ấy, những con người có mặt trong buổi sáng hôm ấy, mình nhớ đến bài thơ mình đọc khi nhỏ về em bé nghe tin Bác mất. Nghĩ lại thì buồn cười nhưng lúc đó tự nhiên mình thấy xúc động, giữa rừng đi lầm lũi mà nước mắt cứ chảy ra, ngực nặng, nghẹn cả cổ. Nếu vài năm nữa bạn thấy tui làm phim về câu chuyện này, bạn cũng đừng quá bất ngờ.
Những lúc đi trong rừng như vậy luôn có tui một cảm xúc thuần khiết nào đó. Tui thường tin vào những cảm xúc như vậy.
Nhìn lại những quãng đường tui đã từng đi qua, tui đôi khi không nhớ nhiều về cảnh vật trên đường đi – những bức ảnh làm hộ tui điều đó, mà tui thường nhớ nhiều về những cảm xúc trong những chuyến đi ấy.
Như hồi leo Fansipan, khi bị bỏ lại phía sau có lẽ rất xa, và trời thì sập tối, và đến một ngã rẽ không thể biết được mình nên đi lối nào, tui đã ngồi đó, trong bóng đêm, thổi còi liên hồi với hy vọng có ai đó sẽ nghe được và đến cứu mình. Trời gió rét lạnh, rừng tối mịt mù. Tui ngồi đó có lẽ gần một tiếng đồng hồ. Trong cái bóng đêm đặc quánh. Tui vẫn còn nhớ cái cảm giác khi mình ngồi ở trong bóng đêm ấy, và nghĩ về con đường sự nghiệp mình lựa chọn. Đó là năm 2011, khi tui đã về Việt Nam được hai năm và vẫn loay hoay thật sự không biết mình nên bắt đầu từ đâu, rồi về làm cho một đài truyền hình rồi sau đó cảm thấy bế tắc. Chính lúc ngồi ở đó, tui đã nghĩ đến việc mình muốn làm gì trong năm năm tới.
- Chuyến đi Fansipan năm ấy, đi cùng anh nhiếp ảnh Phan Quang, bạn Joe Dâu Tây, và anh “phượt thủ” “phi công nhảy dù” Long Loco, đã cho tui một trải nghiệm tuyệt vời và quan trọng. Hầu hết mọi người đều không tin rằng tui có thể lên được đỉnh núi sau cái đêm tui bị lạc đoàn và về đến trại nghỉ rất trễ – điều buồn cười là từ chỗ tui ngồi đến trại chưa đầy 100m, và chỉ cần rẽ qua khúc ngoặc vài bước chân là đã có thể thấy ánh đèn của láng trại sau khi người porter dẫn đường cho một cô gái đi lên núi của đoàn khác tìm thấy tui ngồi trong bóng đêm đang ngêu ngao hát một mình. Ngày hôm sau, mọi người nhanh chóng lên được đỉnh Fansipan, bạn Joe còn mang cả dép tổ ong tung tăng leo núi, còn tui thì đi mệt đến mức chả buồn chụp ảnh quay phim nữa. Thế nhưng, cuối cùng thì tui vẫn lên được đỉnh núi, sau một hành trình đi một mình. Đã có nhiều lần tui nghĩ, liệu mình có nhất thiết phải đi lên đến đấy hay không, nhưng rồi, thay vì cứ nghĩ về điều ấy, tui bắt đầu nghĩ về những thứ khác, những chuyện vui đã qua, những chuyện tưởng tượng cho các ý tưởng bộ phim mình sẽ làm. Nó làm tui cảm thấy vui hơn, cuộc hành trình của mình thoải mái hơn.
Khi tui lên đến nơi, mọi người vô cùng mừng rỡ – trời ơi Phanxine đã lên được đến nơi. Anh Long Loco vỗ vai nói với tui một điều mà tui nhớ mãi, dù tui không biết anh thật sự dành lời khen cho mình, hay chỉ là lời an ủi động viên, rằng Linh này, anh rất nể em, vì người không vận động nhiều như em, lại nặng cân như thế, mà em không bỏ cuộc, em mặc kệ ai nói gì thì nói, em vẫn cứ đi và lên được đến đây, nó đòi hỏi một ý chí mạnh để kéo một cơ thể nặng. Anh nghĩ rằng em sẽ thành cộng trong cuộc sống, vì anh thấy nếu em đã có một đích ngắm, em sẽ có đủ sức mạnh ý chí để đi đến tận cùng.
Tui nghĩ nhiều về điều anh Long nói suốt chặng đường trở về lại, và tui nghĩ rằng, trong hầu hết mọi hành trình, không chỉ những cuộc thám hiểm với thiên nhiên, mà cả trong cuộc đời mình, tui cũng thường bị bỏ lại phía sau bị sự chậm chạp của mình, nhưng tui không bỏ cuộc để đi đến tận cùng đích đến của mình.
- Hôm ở Tú Làn, trong đêm đầu nghỉ chân, tui lang thang loanh quanh khu cắm trại, và ngồi bên cạnh bờ suối, tắt đèn pin, và để mình được hòa vào không gian đen đặc quánh, chỉ còn nghe tiếng suối róc rách, tiếng côn trùng ỉ ôi. Nằm ngửa nhìn lên bầu trời đầy sao, da mặt cảm nhận được sương muối xuống, chạm vào da thịt mình nhẹ nhàng, hít thở bầu không khí se se lạnh trong lành, bình an. Tui rất sợ những đám đông ồn ào lúc nhúc, và tui sợ những đám đông lười biếng, bằng cách nào đó trong một mai, có thể tàn phá hết những sự yên bình này của núi rừng.
Tui chỉ là một kẻ thi thoảng mới nhấc thân mình đi thám hiểm, nhưng đã cảm kích sự bình yên trong trẻo này của thiên nhiên. Tui nghĩ, những người yêu thích khám phá thiên nhiên, những người muốn chinh phục thử thách, họ có lẽ sẽ còn cảm kích thiên nhiên hơn nữa. Họ sẽ biết tôn trọng giá trị của rừng xanh, của không khí trong lành, của cảnh quan trên từng chặng đường. Những người porter đi cùng tui bảo, các anh chị đừng xả rác nhé, mình đi vào đây, đừng lấy gì đi, cũng đừng để lại gì, ngoài những dấu chân.
Hình dung ra cảnh Fansipan sau ngày có cáp treo bị dẫm nát bởi đám người chen chúc nhau chụp một tấm ảnh về để khoe “tao đã chinh phục Fansipan”, tui thấy buồn vô hạn.
Tui nhớ ra mình chẳng còn giữ bức ảnh mình đứng trên đỉnh Fansipan nào để khoe, tất cả những gì tui có, là ký ức của mình khi đứng đó, phóng mắt ra xa và tận hưởng cảm giác được ở đó sau một hành trình băng qua những cánh rừng, những ngọn đồi, những dốc đá. Đó là những thứ ở lại với mình, trong mình.
- Thật sự, tui đã nghĩ đến câu nói của Hong-Gil khi đi trong rừng. Tui có tìm thấy chính mình chưa, tui không biết, nhưng có cái gì đó bắt đầu thay đổi cách mình suy nghĩ về cuộc sống. Những thứ mệt mỏi khó chịu bực dọc chỉ kéo mình lại phía sau. Tui nghĩ về những mẩu chuyện nhỏ “Sài Gòn bao nhớ” của anh Đàm Hà Phú, về những con người sống chân thành và lạc quan, nó làm cho mình muốn sống tốt với bản thân và những người xung quanh, nó cho mình một năng lượng tích cực để tiến tới. Tui nghĩ về những lời xì xầm phía sau lưng mình, và khi mình bỏ ngoài tai, khi mình mặc kệ, khi mình chẳng có 3G để lên facebook trong suốt hai ngày, bỗng nhiên đời trở nên rạng rỡ dễ thở hơn rất nhiều. Đầu óc bỗng trống rỗng, và có thể tập trung để suy nghĩ về một thứ mình muốn. Ngay cả cơ thể mình cũng có thể có những phản ứng tích cực với sự thay đổi ấy. Hoặc nhiều khi do mình tưởng tượng ra, nhưng lúc nào cũng có cảm giác mỗi bước chân của mình đi là một ít mỡ cũng tan theo ha ha ha …
Ừm, bạn nghĩ gì khi đi trong rừng?
PS: Khi cáp treo Fansipan được xây dựng, và bắt đầu những bài viết bênh vực cho đám đông không thích leo chỉ thích ngồi rồi lên đỉnh, với những luận điệu sỉ nhục những người chinh phục thiên nhiên bằng đôi chân của họ, rằng bọn họ cũng phá hoại môi trường, rằng bọn họ sĩ diện chỉ muốn chứng tỏ bản thân, rằng bọn họ ích kỷ ta đây, tui mới nhận ra rằng, tất cả những thứ xấu xa ấy mình chưa từng nghĩ đến, và có lẽ đó chính là sự khác biệt. Những kẻ chỉ thích ngồi cáp treo leo lên đỉnh tưởng rằng ai cũng như họ.
Nhưng tui chẳng có ý định tranh cãi thêm về vấn đề ấy, làm sao bạn có thể chống lại những kẻ như thế được. Đó là cuộc đời của họ, sự lựa chọn của họ. Họ sẽ không bao giờ biết được cái cảm giác mà những người đi bằng đôi chân của họ để đến với cái đích cuối cùng. Nếu bạn không đồng ý, thì kệ bạn ha, tui không có nhu cầu tranh luận. Chẳng phải Che cũng từng nói “Hạnh phúc không phải ở đích đến, mà trên từng chặng đường đi” đó sao?