Có phim Babadook tui xem cũng hồi lâu lâu rồi mà tui rất thích nhưng chưa viết gì về nó. Có cái chuyện về thể loại “ma mơ” ở Việt Nam tính cà lê dưa muối mà cũng chưa nói gì nó. Dù cũng không mấy liên quan, nhưng tiện thể gom vô một chuyện.
1. Babadook là một cái phim kinh dị kiểu “phim độc lập”. Nó được làm với ít xỉn tiền, một phần số tiền có được nhờ crownfunding (góp tiền từ nhân dân) trên trang Kickstarter. Nó không làm kiểu hù dọa con ma núp trong lùm nhảy xổ ra. Nó làm kiểu nỗi sợ hãi từ từ xâm chiếm người xem, chậm rãi, từ từ, từng chút một, len lỏi vào tâm trí bởi một câu chuyện mãnh liệt về cảm xúc, xúc động về tâm trạng của nhân vật. Câu chuyện được mở đầu bằng giấc mơ về một quá khứ kinh hoàng đau đớn và ám ảnh Amelia suốt sáu năm trời. Giấc mơ về cái đêm định mệnh chồng cô qua đời trong một tai nạn giao thông thảm khốc trong khi đang đưa cô đến bệnh viện để sinh con. Amelia bị dằn vặt bởi quá khứ ấy, khiến cô không thể yêu được đứa con trai bé bỏng dễ thương của mình, cậu bé Samuel. Samuel cũng bị ám ảnh bởi một con quái vật trong những giấc mơ của cậu bé luôn đe dọa sẽ ăn thịt cả hai mẹ con. Cậu bé dẫu dũng cảm sẵn sàng chiến đấu với quái vật, nhưng cũng vẫn mong manh và sợ hãi bóng tối và những tiếng động lạ. Sự bất thường và nỗi sợ vô cớ của Samuel càng khiến cho mẹ của cậu phát rồ, nhất là khi bà phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống và công việc. Thế rồi, một đêm nọ, cậu bé tìm thấy cuốn sách Ngài Babadook, kể về một con quái vật mang tên Babadook sẽ chui vào nhà và hại chết mọi người, Samuel đã thật sự kinh hoàng khi nhận ra Babadook chính là con quái vật trong những giấc mơ của mình. Bắt đầu từ đây, Amelia phải chống chọi với con quái vật vô hình, nỗi sợ hãi của bản thân, và dần nhận ra bà cũng đang dần bị lôi vào trong một cơn ác mộng kinh hoàng.
Babadook được kể bởi một lối dẫn dắt câu chuyện từ tốn, chậm rãi, xoáy sâu vào tâm lý của nhân vật bà mẹ Amelia, để dẫn dắt người xem đi cùng những nỗi sợ hãi, dằn vặt và mệt mỏi của bà, trải nghiệm cùng ba mọi mối lo toan trong đời sống của Amelia. Những khung hình tĩnh bất động trong Babadook đem đến cho tui cảm giác sợ hãi thật sự, như những khi mình nằm trên giường và nhìn vào những khoảng tối trong phòng và có những hình dung về một con quái vật/ một bóng người/ một hồn ma nào đó đang đứng trong đó nhìn ra.
Nhưng The Babadook không đơn giản là một phim ma. Nó thật sự là một phim tâm lý, mà “con quái vật” đáng sợ nhất trong phim có lẽ không phải là ông kẹ Babadook. Cậu nhóc trong phim diễn xuất tuyệt vời đến nỗi tui nghĩ rằng, nó hẳn phải tin mọi thứ đang diễn ra đều là sự thật. (Cả Babadook lẫn Đoạt Hồn thành công có lẽ chính là nhờ diễn xuất xuất thần của hai diễn viên nhí trong phim).
2. Tui rất thích các phim kinh dị kiểu như Babadook, kiểu phim mà câu chuyện thật sự là câu chuyện tâm lý tình cảm, và ma chỉ là cái vỏ bên ngoài, là một công cụ để truyền tải một câu chuyện khác bên dưới. Thế nhưng, ở Việt Nam, các nhà làm phim không được đi đến tận cùng với thể loại này. Thật ra, ở Việt Nam, các nhà làm phim chẳng được đi đến tận cùng với thể loại nào cả. Nhưng xét cho cùng, cũng chẳng thể trách hội đồng duyệt. Họ chỉ làm công việc của họ. Bởi nếu họ không cấm, họ không kiểm duyệt, thì ngay lập tức chính dư luận xã hội, quần chúng nhân dân, và cả đại diện tiếng nói của họ – các nhà báo – cũng sẽ đăng đàn chỉ trích “tại sao lại để cho mê tín dị đoạn lên màn ảnh rộng, tại sao cổ súy chuyện ma”, “Phải cấm, phải kiểm duyệt chặt chẽ hơn”, có cả những tiếng khóc lóc bi ai than vãn “tôi biết phải làm gì khi con tôi sẽ xem những thứ độc hại này”, “nhà nước không có động thái gì thì ai sẽ bảo vệ con em chúng tôi”, nói chung rất lâm ly thống thiết. Bạn có thể tìm thấy những kiểu suy nghĩ này dễ dàng trên các phần bình luận của độc giả trên các trang báo mạng.
Chúng ta mong chờ gì Cục điện ảnh hay Hội Đồng Duyệt thay đổi tư duy, khi chúng ta có một lực lượng cảnh vệ văn hóa mạnh mẽ như thế, sâu rộng như thế, sẵn sàng lùng sục khắp nơi để yêu cầu cấm, kiểm duyệt mọi thứ.
3. Tui không còn cảm thấy bực bội Hội đồng duyệt như trước nữa. Tui nghĩ họ cũng có nỗi khổ tâm riêng của họ. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự cầm tù tư duy đã quá lâu để người ta sợ hãi tự do. Và có lẽ để sống khỏe hơn, chúng ta nên tập làm quen với điều đó. nếu suy nghĩ kỹ, bạn sẽ thấy nó có cái sự éo le hài hước bên trong đó. Ví dụ phim Đoạt Hồn, với một kết thúc rằng cuối cùng mọi thứ chỉ là một giấc mơ, mọi thứ đều sẽ vượt qua cửa kiểm duyệt. Nó cũng tương tự như đề xuất của hội đồng duyệt cho Bụi Đời Chợ Lớn: hãy đặt bối cảnh phim trước năm 1975, rằng cái xã hội xấu xa đâm chém nhau đó không phải là xã hội của nước Việt Nam tươi đẹp hôm nay, là xong. Bạn có thấy nó tuyệt vời không? Nó đơn giản như chuyện con đà điểu vùi đầu trong cát, không thấy chuyện gì thì xem như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ cần một giấc mơ, là tan biến hết, là xóa tan hết, là giải quyết hết mọi rắc rối. Có khi các nhà làm phim của chúng ta sẽ cùng hội đồng duyệt tạo nên một dòng phim “rất Việt Nam”…. dòng phim “mơ”…
Không tuyệt vời sao?
One thought
NGUYỄN THIÊN ÂN
Cháu không phải fan của dòng phim này và thực sự lúc xem phim cùng 2 đứa bạn thấy không hay và khó chịu (nhất là tiếng thét), tuy nhiên đọc xong bài viết làm cháu muốn xem lại. Trong số ít các phim kinh dị từng xem thì cháu thích nhất là The ring.