Mình đọc thấy anh Quốc Bảo viết lời tiễn biệt cho anh Trần Lập bằng những mĩ từ đẹp đẽ, rằng “Sức khỏe của chúng ta không bị tổn hại vì rượu và thuốc lá và cần sa đâu Trần Lập. Chúng ta không phải Jimi Hendrix. Cái bào mòn tuổi trẻ của chúng ta, anh em mình, những kẻ chơi nhạc, là sự thất vọng trước một xã hội đảo điên, bị trấn lột niềm tin mà lẽ ra, nếu ở vào một thời đại khác, một thủy thổ khác, những thương tổn đó đã phải được hát lên, được gầm rú lên, được đập phá tan tành cho thỏa dồn nén. Dồn nén ứ đọng, những vết bầm ấy trong xương tủy, thì thành ung thư”.
Lời tiễn biệt thật đẹp. Nhưng nó khiến tim mình thắt lại.
Mình tin, và không tin. Sức khỏe của chúng ta không CHỈ bị tổn hại bởi rượu và thuốc lá và cần sa, mà còn bởi thức ăn, thức uống và cả không khí mà chúng ta hít thở.
1. Trước khi nói nhanh chút về ý sau của anh Bảo, thì tui cũng muốn nói rằng, dù anh Trần Lập vẫn còn sống, hay đã mất, tui vẫn nghĩ rằng anh là một người truyền cảm hứng cho công chúng, là một biểu tượng đẹp đẽ cho tuổi trẻ. Tui chỉ không đồng ý mấy với anh Bảo về “sự thất vọng về xã hội đảo điên, bị trấn lột niềm tin”, mình không hiểu vì sao đó lại là thứ “bào mòn tuổi trẻ”, là “dồn nén ú đọng, vết bầm trong xương tủy, thì thành ung thư” với những người được gọi là rocker? Bấy lâu mình cứ nghĩ, rock chỉ mạnh mẽ ở những nơi mà sự thất vọng về xã hội, sự mất niềm tin ở chính quyền, những dồn nén ứ đọng buộc người nhạc sĩ phải vùng lên lên cất tiếng hát phản kháng, và tạo nên sức mạnh của rock chứ? Nếu anh là một rocker, mà đòi xã hội yên bình cho anh hát, đòi chính quyền đồng ý cho anh hát, thì nói thật, mình chả biết đó là thứ rock gì? Có lẽ vì thế, dù mình rất quý anh Trần Lập, về con người và tư cách của anh, nhưng không phải vì anh vừa mất nên bao nhiêu mỹ từ cho âm nhạc của anh lại được cất lên tụng ca. Nhạc rock của Bức Tường, là âm nhạc để ru ngủ, để làm vui chính quyền, để hân hoan cùng tuổi trẻ, mà những năm xưa RFC vẫn thường gọi là Rock Thành Đoàn, thứ nhạc rock được kiểm duyệt và được phát hành rộng rãi. Bạn bè mình có những đứa chơi rock và âm nhạc của bọn chúng chẳng cần phải chờ đến thời đại khác, thủy thổ khác, vẫn cất lên tiếng hát về những tổn thương, được gầm rú, được đập phá tan tành cho thỏa dồn nén. Ngay cả khi bọn nó bị bịt miệng, bị cấm diễn, bị cấm phát hành album. Dĩ nhiên, công chúng số đông sẽ ít biết đến những rocker thực thụ như thế, bởi họ đã có những rocker “được duyệt”, những rockshow “được duyệt” và những ca khúc rock “được duyệt” đẹp đẽ, mượt mà, có chút xù xì gào rú cho gọi là.
Viết về anh Trần Lập, mà lại tiếc cho anh ấy vì sinh không đúng thời, thì tui hơi hoang mang. Tui đang thấy tiếc nuối bởi thời của chúng ta hôm nay lẽ ra phải là thời của rock, thời mà những tiếng hát phản kháng phải mạnh mẽ, phải cất lên được những bức xúc, phải chạm vào những nỗi đau tổn thương, phải đánh vào những bất công chứ? Chúng ta đợi một thời an bình để cùng nhau hát “và chúng ta sẽ là người chiến thắng” và gọi đó là rock sao?
2. Nhưng ngay cả như thế, dù “rocker được duyệt”, “rocker Thành Đoàn” hay “rocker underground”, “rocker phản kháng”, thì cũng có thể sẽ chết vì ung thư trong một xã hội mà người ta đầu độc nhau mỗi ngày bằng thứ này hay thứ khác. Chỉ trong vòng một năm trở lại đây, quá nhiều người mình quen biết đã chết khi còn rất trẻ vì ung thư. Những câu chuyện truyền thông vẽ ra, mạng xã hội vẽ ra, rằng bọn Trung Quốc đưa thực phẩm độc hại vào nước mình, nhưng đâu phải bọn Trung Quốc bán cho chúng ta, bán cho bạn, hay cho tôi, mà chính là người Việt Nam mình bán cho nhau đấy chứ? Bạn hẳn từng nghe về những phẩm màu gây ung thư, bạn hẳn từng nghe về rau phun thuốc sinh trưởng gây hại cho con người, bạn hẳn từng nghe về thịt bẩn hàng tấn được tẩy rửa để đem ra thị trường bán lại, đến cả ly cà phê sáng bạn uống cũng có thể chỉ toàn phẩm màu bán ở chợ Kim Biên mà mấy tháng trước người ta chụp ảnh chia sẻ đầy trên mạng.
Có một bạn trong friendlist của tui chia sẻ câu chuyện này “”Tôi còn nhớ toàn bộ câu chuyện sau đó đều về thực phẩm bẩn và mình có thể làm được gì qua show này. Anh Nam kể 1 câu chuyện vui đại ý là: “Ông trồng chè khoe với bạn là họ đang uống chè từ khu trồng sạch nhà quây riêng dành cho gia đình, khu còn lại tất nhiên là trà bẩn để bán; Bà bán rau cũng hân hoan nói với gia đình là người nhà được ăn rau ở khu trồng sạch, khu nhiều thuốc là để bán; ông bán thịt lợn cũng vậy… Niềm vui của họ thật ngây thơ, ngớ ngẩn và độc ác, họ không thể cả đời chỉ uống trà, ăn rau hay ăn thịt, họ uống trà nhà sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của kẻ khác, ăn rau nhà sạch nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác… chúng ta đang giết nhau trong khi cảm thấy an tâm đã bảo vệ được gia đình mình ở một góc nhỏ hẹp hòi… 3 anh em đã cười rất lâu ở câu kết, nhưng tôi thấy trong nụ cười của anh có cái gì đó chua xót, oán hờn”.
Vậy đó.
3. Mỗi ngày tôi ra đường, khói xe phà vào mặt trong những ngày kẹt xe – khói xe máy, khói xe hơi, khói xe tải, và dĩ nhiên khói xe của các phương tiện công cộng. Bụi đường, rác rến, môi trường trong thành phố kinh hãi. Mỗi sáng thức dậy, nhìn từ bancong nhà mình về phía trung tâm thành phố là một lớp sương mù dày đặc, thứ sương mù hóa học đầy những chất khí thải độc hại.
Chúng ta không chết vì thuốc là, rượu hay cần sa, chúng ta chết dần mỗi ngày vì những thứ đó, cả vì khói thuốc của những người hút xung quanh phà vào mặt chúng ta mỗi ngày, vì thực phẩm của đồng bào chúng ta bỏ độc vào để kiếm chút tiền lời cho cuộc đời họ.
4. Nhưng cái thứ ung thư đáng sợ hơn mỗi ngày mình chứng kiến, là sự hằn học, căm phẫn của người Việt mình. Họ căm ghét tất cả, họ giận dữ với tất cả, họ chửi mắng, ném đá, mỉa mai – mình cũng từng có một thời như thế. Nó làm cho mình bị đẩy xuống tận cùng, làm cho mình vật vã, đau đớn, và nó hủy hoại cuộc sống của mình mỗi ngày. Mình đọc những lời ác ý ném đá trên mạng, cho những người nổi tiếng, cho các chính trị gia, cho những người bất đồng chính kiến, cho những người đấu tranh dân chủ, cho các trí thức phản biện, cho cả những người không nổi tiếng, những người bình thường những không cùng ý kiến. Mình thấy sự hả hê của người ta khi buông những lời bình phẩm độc ác. Đó thực sự là cái ung thư ung nhọt đáng sợ. Một thứ ung thư tinh thần, mà nó hủy hoại chúng ta từ bên trong ra bên ngoài, đục khoét tâm hồn chúng ta, và lây lan trên phương diện rộng.
Và chúng ta làm được gì?
Chờ chết mà thôi.
Tôi có tự hứa với bản thân mình, phải sống tích cực, và nghĩ tích cực. Viết tới đây rồi, mới thấy mình viết những lời buồn bã và bế tắc.
Và mình lại tự nhìn ra phía ngoài cửa sổ, nơi những hàng cây rậm rạp ở Sở Thú vẫn xanh ngắt đầy sức sống, và những con vượn vẫn hú mỗi buổi sáng gọi mình thức dậy lúc sớm tinh mơ.