Nói thật lòng rằng, từ sau Những cô gái chân dài, mình không thấy phim điện ảnh nào của anh Đãng vượt qua được bộ phim ấy – Đẹp từng centimet thì chưa xem vì khi đó đang ở Mỹ, Hot boy nổi loạn thì có sự cố gắng thay đổi trong tư duy làm phim của anh nhưng mình chưa thấy thực sự vượt qua sự cảm xúc của Những cô gái chân dài, Con ma nhà họ Vương thì mình không đồng cảm với câu chuyện cho lắm. Sau 12 năm, anh Đãng có vẻ như lại quay trở lại với thế giới mà anh hiểu nhất – số phận những cô gái từ nông thôn lên thành phố tìm những giấc mơ hào nhoáng trong thế giới người mẫu. Vòng eo 56 có câu chuyện tương tự với Những cô gái chân dài, nhưng đây là phiên bản Ngọc Trinh “có 70% sự thật”. Anh Vũ Ngọc Đãng có một tài năng mà mình nghĩ ít đạo diễn Việt Nam nào làm được: anh làm phim về người nghèo và nỗi buồn của họ với một cái nhìn lạc quan. Hầu hết các phim của anh đều có cùng một câu chuyện: một cô gái nhà quê đạp cứt lên thành phố bỗng lạc vào thế giới người mẫu đầy cạm bẫy (6 phút đầu phim với mình là 6 phút kinh điển, và mình cực kỳ thích hình ảnh đầy ẩn dụ được quay cận cảnh khi chân của ANh Thư đạp phân trâu trên cánh đồng), một cậu trai ngơ ngác lên Sài Gòn bị cướp rồi lạc vào thế giới làm đĩ đực đầy cạm bẫy, và một tên tội phạm chạy trốn lên Sài Gòn và bị dụ dỗ vào một trò chơi đầy cạm bẫy. Vòng eo 56 không khác là bao nhiêu với những bộ phim trước của anh: một cô gái miền Tây ước mơ thành hoa hậu vì gia cảnh khó khăn lên Sài Gòn với mong ước đổi đời và trả nợ cho mẹ cha ở quê nghèo.
Nửa đầu phim Vòng eo 56 làm mình xúc động và thương Ngọc Trinh (trong phim – mình không biết gì về Ngọc Trinh ngoài đời cả ngoài những lời tuyên bố thi thoảng trên báo của em mỗi khi đất nước có biến động, mình sẽ nói về chuyện này sau). Cái sự nghèo khó của những gia đình miền Tây mà chúng ta vẫn thường nghe, nhiều gia đình đã bán con đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc. Cô bé Ngọc Trinh 15 tuổi đi chân đất bưng hủ tiếu, được cha mẹ, anh chị, cả chú dì bảo bọc không muốn em rơi vào cạm bẫy. Chuyện nghe hoài trên báo, mà lên phim vẫn thấy thương. Thật sự khi xem những đoạn đầu của phim, mình suy nghĩ rất nhiều về sự nghèo của người dân mình, cái éo le nghiệt ngã buộc người ta phải trở thành người xấu, thành người bán lương tâm, bán đạo đức, để có thể tồn tại được ở một xã hội như chúng ta đang sống. Ngọc Trinh có lẽ khi đóng lại những cảnh khó khăn ấy, nếu thật sự cô đã từng trải qua, thì sẽ nhiều cảm xúc, mà mình thấy điều đó trên phim. Hoặc do anh Đãng giỏi, hoặc do Ngọc Trinh giỏi, hoặc cả hai, mà đoạn đầu phim nó rất chân thật.
Mà vì có một xuất thân như thế, nên với mình, dù Ngọc Trinh (nhắc lại, trên phim) có làm gì về sau, mình cũng sẽ đồng cảm và tha thứ cho nhân vật của cô ấy.
Dĩ nhiên anh Đãng không phải là mình, nên anh Đãng đã làm phim theo kiểu anh Đãng. Và vì đây là phim Ngọc Trinh bỏ tiền ra làm, nên hẳn cũng có một phần phim được kể theo ý của Ngọc Trinh.
Hôm trước mình có viết một chút về những yếu tố về kịch bản, và có bạn vô hỏi có phải mình đang ám chỉ Vòng eo 56 hay không. Giờ thì mình hiểu vì sao bạn hỏi như thế.
Mình thấy tiếc rằng đoạn sau của Vòng eo 56, mọi thứ đến dễ dàng với Ngọc Trinh, cô ấy chạm tay vào giấc mơ thật dễ. Thường trong các bộ phim hay (không nhất thiết tất cả), nhân vật chính phải hy sinh/ đánh đổi/ trả giá một điều gì đó quan trọng trong đời để đạt được giấc mơ của họ, và họ sẽ không còn là họ của những đoạn đầu phim nữa, và khán giả sẽ cảm thấy thỏa mãn, thấy có gì đó để suy ngẫm. Tiếc là, có lẽ Ngọc Trinh nhà sản xuất phim chưa đủ dũng cảm để cho nhân vật Ngọc Trinh của mình phải chịu những điều đó, vì cô có lẽ đề cao việc “cho khán giả giả hiểu em hơn (theo ý em muốn)” là “cho khán giả có một trải nghiệm về cuộc đời của em”. Nếu là mình, có khi mình biến bộ phim này là một sự giễu nhại chính cái xã hội đạo đức giả này, cái xã hội mà ai ai cũng hám tiền nhưng ra mặt như chỉ có bọn nào đó chứ tôi trong sạch, cái xã hội mà ngày ngày lên mạng thấy cả lũ rần rần “nhục quốc thể” nhưng chẳng biết ngoài đời bọn chúng có biết nhục thật hay không, cái xã hội mà cả các cô làm gái làm cave chưa bị phát hiện cũng dám to mồm chửi mắng người khác, cả những thằng tham nhũng ăn chặn tiền ngoác mồm nói về đạo đức làm người, và những thân phận như Trinh, và cả những cô gái không may mắn như cô, không đẹp bằng cô phải sống khổ sở nhục nhã đâu đó trên đất nước này và chẳng ai thèm đoái hoài quan tâm. Vì anh Đãng không phải là mình, nên anh ấy cũng chẳng cần phải làm khác đi. Vì Ngọc Trinh nhà sản xuất bỏ tiền ra làm phim nên cô có quyền làm một phim đẹp đẽ về cô. Và vì mình là đứa sẽ làm phim như thế nên chắc chắn chả ai ngu gì đưa mình tiền làm :))
Thế nhưng, vì Trinh rất đẹp, cộng thêm một đạo diễn chăm chút hình ảnh như anh Đãng, thì mọi thứ khác đều có thể bỏ qua. Mình xem phim thấy cũng dễ chịu, đoạn kết phim không nhiều cảm xúc như mình kỳ vọng khi xem 15 phút đầu phim, nhưng so với nhiều bộ phim khác thì Vòng eo 56 hơn hẳn.
Nhiều người đi xem phim về lo lắng về mặt đạo đức xã hội, rồi đem đời tư của Ngọc Trinh ra nhục mạ, mình thấy mệt ghê, nhưng thôi đó là chuyện của họ, nói chung mình cũng không đánh giá. Họ lẫn lộn giữa phim và đời cũng có lý của họ. Nói chung phim có được người ta quan tâm thì người ta mới nói. Chứ sợ nhất phim làm xong không ai thèm nói tới luôn.
Điều mình thấy tò mò, là sao hồi xưa có mấy người có giả thuyết rằng Ngọc Trinh là đảng viên ngầm, cứ hễ đất nước có biến động, chính phủ có vụ án gì cần nhân dân đừng quan tâm, thì Ngọc Trinh lại xuất hiện phát biểu, thế là thôi chẳng còn ai thèm quan tâm chính sự, đổ xô về Trinh hết, thế mà lần này phim ra chưa thấy ai thắc mắc. (Mình nghe đồn vậy thôi, không phải thiệt đâu xin đừng tin haha).
PS: Mình không có nhu cầu tranh cãi về cuộc đời thật của Ngọc Trinh, nên các bạn vui lòng comment đừng xúc xiểng chuyện đời tư của cô ấy làm gì. Ai có nhu cầu đó thì có thể tìm ở chỗ khác, trên facebook có rất nhiều chỗ đang cãi lộn hăng say :))
One thought
Thang Pham
Tui chưa coi phim này, cũng không rành về Ngọc Trinh (y như bạn), nhưng tui tán đồng gần hoàn toàn (gần thôi nghen) với bạn khi đọc bài viết này.
Nhơn đây cũng nói thêm, tui tò mò đọc thêm sau khi đọc “(Cà phê) Những con cá im lặng” được con gái chia sẻ trên facebook. Đọc bài viết đó xong, buồn ngẩn buồn ngơ, nên ráng tìm cái gì đó vui hơn một chút cho đời bớt…khổ.
Và, thiệt tình là cũng vui được…vài trống canh. Cám ơn bạn phanxine…(không biết viết tên bạn vậy đúng không nữa, có trật chút xíu thì cho tui xin lỗi)