danish-girl-posters-redmayne-vikander-triplet

  1. Có hơi kỳ vọng vào bộ phim này, vì tui xem khá trễ và có quá nhiều lời ngợi khen dành cho bộ phim, cũng như cho nam diễn viên chính của phim, Eddie Redmayne. Vì lẽ đó, sự thất vọng về phim lớn hơn rất nhiều.
    The Danish Girl dựa trên một câu chuyện có thật về người đàn ông chuyển giới thành phụ nữ đầu tiên của thế giới – Einar Wegener, một họa sĩ vẽ tranh phong cảnh người Đan Mạch. Sinh ra trong thân thể người đàn ông, yêu và cưới một nữ họa sĩ trẻ chuyên vẽ chân dung, Gerda, nhưng từ sâu thẳm bên trong Einar luôn luôn tồn tại một người phụ nữ, cho đến một ngày kia khi vợ của anh nhờ anh làm người mẫu thay thế cho cô người mẫu đến trễ để cô hoàn tất phần chân của bức tranh. Einar mang đôi vớ phụ nữ, mang đôi giày ballet, ôm chiếc váy đầm xòe, để rồi nhận ra người phụ nữ bên trong mình thực sự muốn trỗi dậy. Người phụ nữ ấy, Lily Elbe, bắt đầu bước ra khỏi cơ thể Einar từ đó. Gerda, người vợ đã vô tình đánh thức người phụ nữ bên trong cơ thể chồng mình, đã trải qua những đau đớn buồn bã có lẽ không kém gì chính Einar, với những giằng xé phức tạp trong tâm hồn.
  2. The Danish Girl có một tứ truyện nhiều kịch tính, nhiều cảm xúc. Với một đạo diễn từng rất thành công với The King’s Speech – Tom Hooper – tui đã mong chờ nhiều vào bộ phim này. Đáng tiếc thay, ngoài phần quay phim tuyệt đẹp như tranh – gợi nhớ nhiều đến những hình ảnh đối xứng và tuyệt đẹp trong The King’s Speech, thì bộ phim không đem đến cho tui nhiều trải nghiệm cảm xúc như tui mong đợi. Ít nhất, sự thất vọng lớn nhất dành cho Eddie Redmayne trong vai Einar và Lily.
    Có thể nói, bộ phim hầu như phải dựa vào khả năng diễn xuất của Redmayne để thuyết phục người xem hiểu được sự phức tạp nội tâm của Einar/ Lily, không chỉ phải tạo nên một nhân vật thuyết phục, mà còn phải khiến người xem đồng cảm, và ngay cả, như một biểu tượng của người tiên phong trong phong trào chuyển giới.
    Tiếc thay, những gì tui thấy, là một sự trình diễn bề ngoài của Eddie, có thể nói khá cliches theo kiểu, người đồng tính, người chuyển giới thì họ sẽ là thế này, họ sẽ hay lúng liếng mắt, hay cúi mặt xuống e lệ, với miệng nhoẻo cười húng hiếng, với đôi môi giần giật bẽn lẽn, với ngón tay run rẩy sờ nắm vuốt ve cơ thể. Nhìn Eddie diễn, nhìn sâu vào đôi mắt của anh, tui không thấy tâm hồn của Einar hay Lily, mà tui thấy một diễn viên Eddie đang tập trung “thể hiện” với những suy nghĩ “ta cúi mặt thế này có gái chưa nhỉ, ta run rẩy thế này có mong manh không, ta liếc mắt thế này lên hình có đẹp không, ta chớp chớp mắt thế này có nhu mì không?” Những thứ ấy dễ đánh lừa khán giả, nhưng với tui, nó chỉ là một lớp vỏ bên ngoài được sơn phết, mà không có được một chiều sâu để chạm vào trái tim của tui.
    tdy_pop_danish_150901.today-inline-vid-featured-desktop
  3.  The Danish Girl, với tui, không phải là một phim về người chuyển giới. Nó lẽ ra phải là một phim về tình yêu và khát vọng sống. Chính vì lẽ đó, khi mà Eddie Redmayne, thay vì thể hiện một Einar cũng đau khổ vì không hiểu được bản thân mình, đau khổ vì cảm thấy mình đang phản bội lại tình yêu, đau khổ vì khao khát được sống, thì tui chỉ thấy một Eddie đang cố gắng thể hiện tôi đang trở thành cô gái, làm sao diễn cho ra càng gái càng tốt. Và vì thế, chỉ dừng ở mức “giống gái” hơn là sống với nhân vật của mình.
    May thay, Alicia Vikander trong vai Gerda, người vợ đi từ nỗi buồn này sang nỗi buồn khác, lại gần như sống với nhân vật của mình và khiến cho tui nghĩ rằng, The Danish Girl không phải là về Lily Elbe, mà chính là về Gerda, một người phụ nữ đã yêu hết mình, đã khát khao được hạnh phúc với tình yêu, và phải hy sinh tình yêu thể chất với người đàn ông của cô, để giữ mãi tình yêu tinh thần dành cho bản ngã của anh ấy. Ngay ở trong phim, thì cũng duy nhất một lần có người gọi “that Danish Girl” (cô gái Đan Mạch ấy) là dành cho Gerda. Bi kịch của Einar chỉ được Eddie thể hiện như một nỗi đau về thể chất hơn là về tâm hồn, thì bi kịch của Gerda, bi kịch của một người phụ nữ mất người đàn ông của mình, thật sự làm tui có nhiều cảm xúc hơn.
    Thế nhưng, ngay cả như thế, The Danish Girl vẫn thiếu một thứ gì đó, một cảm xúc rất thật, để tui có thể đồng cảm và thật sự rung động. Có lẽ, kịch bản chưa đủ chín muồi, cùng với sự tập trung “sao cho thật đẹp” thay vì “sao cho thật rung động” trong xử lý câu chuyện của Tom Hooper đã khiến bộ phim khá hời hợt bề ngoài như chính cách diễn của Eddie Redmayne. Ngay cả kết thúc của phim, khi mà chiếc khăn choàng của Lily tặng Gerda vụt bay lên trời trong gió – ôi “tính biểu tượng” lộ liễu và gượng ép – cũng khiến cảm xúc của tui càng rớt xuống. The Danish Girl với tui, chỉ dừng ở một phim xem được, không quá xuất sắc tuyệt đỉnh như tui mong đợi. Mà lẽ ra, tại sao lại mong đợi làm gì nhỉ?
  4. danishgirl
    SPOILER (Đoạn sau có tiết lộ kết thúc của bộ phim)
  5. Cũng nói thêm rằng, mặc dù bộ phim được quảng cáo là “dựa trên câu chuyện có thật”, nhưng cũng như nhiều bộ phim “dựa theo chuyện có thật” khác của Hollywood, có rất nhiều chi tiết được hư cấu hoặc bị bỏ qua. Chẳng hạn như, chuyện Einar đã sống như người đồng tính nam nhiều năm trước đó, và mối quan hệ đồng tính nữ của Gerda và Lily khi ở Paris (cũng như loạt tranh gợi tình đồng tính nữ); ngay cả cái chết của Lily trong phim được mô tả sau lần phẫu thuật thứ hai, và Gerda có mặt ở đó, nhưng ngoài đời thật, Lily chết trong lần phẫu thuật thứ năm khi cấy ghép tử cung, và khi ấy Gerda đang sống ở Ý cùng chồng thứ hai của mình.
  6. Cuối cùng, cám ơn CGV đã nhập bộ phim này về để trình chiếu ở Việt Nam, và thật vui khi bộ phim này đạt doanh thu khá khả quan tại thị trường Việt Nam. Cũng thật vui khi bộ phim chạm vào một đề tài nhạy cảm như thế này, với nhiều cảnh quay rất nhạy cảm như thế này, đã không bị cắt xén khi ra rạp ở Việt Nam. Một sự cởi mở đáng khen của hội đồng duyệt.
Tags:

One thought

Leave a Reply