The Dawn Of The Planet Of The Apes (Sự khởi đầu của hành tinh khỉ) cho tới thời điểm này là bộ phim hè làm tui thỏa mãn nhất về độ giải trí mãn nhãn lẫn chiều sâu, vượt qua X-Men: Days of Future Past. Kỹ xảo xuất sắc, câu chuyện xúc động, thông điệp nhiều ẩn ý được tổng hòa một cách nhuẫn nhuyễn trong bộ phim bom tấn hè của đạo diễn Matt Reeves (người thực hiện Cloverfield, một trong những phim quái vật xuất sắc nhất trong danh sách phim của tui).
1. Phần 1 của bộ phim này được ra mắt tại Việt Nam vào ngày 19/8/2011, và éo le làm sao, nghe đồn chỉ vì tui “lỡ tay” nói đùa trên facebook rằng “Mừng ngày giai cấp vô sản vùng dậy giành chính quyền làm nên cuộc cách mạng tháng 8, giới thiệu bộ phim Cuộc Nổi dậy của Hành Tinh Khỉ” mà bên phát hành phải dời ngày chiếu sớm hơn để đỡ “nhạy cảm”. Nghe đồn vậy thôi chớ tui cũng không tin lắm haha. Điều mỉa mai là Cuộc nổi dậy của hành tinh khỉ (2011) nó giống một phim cách mạng thật. Nó kể về sự ra đời của một vị lãnh tụ (Ceasar), được thừa hưởng kiến thức và trí tuệ từ tầng lớp bóc lột (con người), rồi bị đày ải vào chốn lao tù, nơi mà Ceasar được tận mắt chứng kiến con người đối xử tồi tệ với đồng loại của nó ra sao, và cũng chính từ lao tù, Ceasar gặp những người cùng chung chí hướng, những “đồng chí” của mình, và cùng chung sức, đoàn kết là sức mạnh, Ceasar đã tập hợp nhân dân của mình để vùng dậy đứng lên đấu tranh chống lại chế độ áp bức bóc lột, giành quyền độc lập, tự do với mưu cầu hạnh phúc cho đồng loại.
Kết thúc phần một của bộ phim, Ceasar cùng bầy khỉ tụ về khu rừng ở bên kia cầu Vàng, thành phố San Francisco, trong khi một viên phi công hàng xóm nhà Ceasar nhiễm phải cúm khỉ đã mang căn bệnh này lên máy bay sang những nước khác và lây truyền đi khắp thế giới.
2. Phần 2 của bộ phim, Sự khởi đầu của hành tinh khỉ, được mở đầu với tóm tắt diễn biến trên thế giới trong suốt 10 năm qua: nhân loại đang đi đến sự tuyệt chủng bởi bệnh cúm khỉ đã giết hàng tỷ người, những người sốt sót với bệnh cúm khỉ thì cũng chết vì bạo loạn. Trong khi đó, Ceasar vẫn lãnh đạo bầy khỉ cùng sống hạnh phúc trong rừng rậm, ngày ngày săn bắt thú rừng, đám khỉ con được học chữ, và được học đạo đức loài khỉ: Khỉ không giết khỉ. Mọi chuyện bắt đầu trở nên rắc rối khi một hôm, con người xuất hiện trong rừng và trong khi hoảng loạn đã bắn bị thương một con khỉ. Đám người sống sót này đang vào rừng với hy vọng có thể sửa được đập nước cung cấp nguồn điện cho cộng đồng những người còn sống sót đang tụ tập ở thành phố.
Nếu phần một của bộ phim làm tui nghĩ đến những cuộc cách mạng, không chỉ ở Việt Nam, mà ở hầu như mọi nơi trên thế giới đều có cùng một công thức, nghĩ đến con đường trở thành người lãnh đạo của hầu hết những nhân vật lãnh đạo trên thế giới đều phải trải qua chông gai, tù đày, thì phần hai của Sự khởi đầu của hành tinh khỉ, hài hước làm sao, khiến tui nghĩ đến “nước quen” và “nước lạ”. Nó vẫn là một phim “làm cách mạng” (nhìn poster phim không khác gì các phim cách mạng với người cần lao cầm vũ khi cưỡi ngựa đang tung vó đầy nhiệt huyết tinh thần chiến đấu) trong bối cảnh “chiến sự đã bắt đầu”. Khi đối mặt với sự xâm lấn lãnh thổ của con người, Koba, người đồng chí của Ceasar đã cùng Ceasar vượt qua những trận chiến sinh tử, đã đòi phải đánh trả. Ceasar không muốn chiến tranh. Ceasar muốn giữ hòa khí. Ceasar biết rằng, khi mà chiến tranh nổ ra, bầy khỉ sẽ thương vong. Nhưng Ceasar không vì thế mà chỉ đưa ra tuyên bố chung chung, Ceasar biểu dương lực lượng để con người biết được sức mạnh của loài khỉ. Thế nhưng, với những “phần tử kích động” như Koba, một cuộc biểu tình chưa đủ. Koba nghi ngờ bọn “người lạ” có những âm mưu riêng. Và Koba lên kế hoạch hành động. Và chúng ta học được bài học về sự kích động sẽ dẫn đến điều gì cho nhân dân và mối quan hệ song phương =))
3. Nếu phần một vẫn còn là câu chuyện của con người, thì phần hai gần như là một bộ phim khác, mà trong đó con người chỉ còn là những nhân vật phụ. Điểm xuất sắc của SKDCHTK chính là dẫu cho khỉ có hàng trăm con, đều lông lá như nhau, nhưng người xem vẫn có thể phân biệt được từng nhân vật, từng tính cách của mỗi con khỉ bởi những đặc điểm về ngoại hình cũng như diễn xuất, đặc biệt là biểu cảm trên luôn mặt và ánh mặt. Trình độ kỹ xảo của bộ phim có thể đã đi một bước tiến dài để người xem như tui hầu như quên hẳn việc mình đang xem một bộ phim đầy kỹ xảo, mà hoàn toàn chìm đắm vào trong thế giới của bầy khỉ. Cũng chính vì tập trung vào câu chuyện của bầy khỉ, câu chuyện của con người không được khai thác sâu, nhưng đó lại chính là nơi để các diễn viên người có cơ hội thể hiện trình độ diễn xuất của họ, với những khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng đắt giá. Không kể lể nhiều về quá khứ của mỗi nhân vật, nhưng những điểm tô đặc sắc đủ để người xem đồng cảm với họ, từ nhân vật chính như Malcom, Ellie, đến nhân vật phụ như Carver. Trong một cuộc phỏng vấn, Gary Oldman trong vai Dreyfus, cho biết đạo diễn Matt Reeves đã rất dũng cảm khi đồng tình với diễn viên của mình trong việc cắt bỏ những đoạn thoại giải thích dài dòng về quá khứ của nhân vật. “Matt có gan để nói những điều kiểu như ‘Anh biết sao không, chúng ta có thể bỏ đoạn đó, chúng ta có thể bỏ đoạn đó đi và để nó hơi mơ hồ'” Gary nói về phản ứng của Matt khi ông đề xuất việc nhân vật của ông phải nói vài câu thoại để giải thích kể lể “Tôi rất thích khi anh ta nói ‘Điều tôi muốn ở đây là tôi thà chỉ có hai câu thoại và một cái nhìn thôi’. Đoạn Dreyfus mở iPad lên có lẽ là một trong những đoạn xúc động nhất của phim, không cần một lời thoại nhưng đủ để chúng ta biết được một chút về Dreyfus.
4. Sự hấp dẫn của SKDCHTK còn chính ở sự căng thẳng kéo dài suốt bộ phim, với những giây phút thả lỏng nhẹ nhàng ở giữa thì ngay tức thì mối hiểm họa khác ập đến. Về mặt câu chuyện, SKDCHTK khá đơn giản – con người cần nguồn điện, nhưng đập nước nằm trong lãnh thổ của bầy khỉ, và xung đột xảy ra – nhưng các nhà làm phim đã khai tác tối đa mọi khoảnh khắc, mọi nhịp điệu trong câu chuyện đơn giản này để đem đến hai giờ đồng hồ đầy tính giải trí với câu hỏi: liệu con người hay loài khỉ sẽ chiến thắng. Matt Reeves không chỉ là một đạo diễn kể chuyện bằng hình ảnh mạnh mẽ, với tư duy hình ảnh độc đáo và lôi cuốn, mà còn là một người kể chuyện bằng cảm xúc, khi những cung bậc xúc cảm đi từ hồi hộp căng thẳng đến nhẹ nhàng tình cảm đến hạnh phúc thư giãn rồi quay trở lại gay cấn rùng rợn liên tục theo một nhịp điệu uyển chuyển. Có khá nhiều khoảnh khắc trong phim mà tui bị chinh phục hoàn toàn. Một trong những cảnh xuất sắc nhất của bộ phim, với tui, chính là khi Koba gặp hai người lính bắn súng thử. Nó vừa đáng sợ, vừa hài hước, vừa căng thẳng hồi hộp vừa bất ngờ, và nó mang bên trong đó cả một thông điệp về chống súng đạn. Một khoảnh khắc khó quên khác là niềm vui lắc lư theo điệu nhạc ở trạm xăng bỏ hoang giữa khu rừng của những người sống sót, nó cho thấy hạnh phúc bình yên và giản dị biết dường nào.
Quay trở lại với câu hỏi “Liệu con người, hay loài khỉ sẽ chiến thắng”, bạn sẽ phải xem phim để biết được kết thúc, cũng như để biết được rằng phần ba của bộ phim sẽ là về cái gì. Để thêm phần kịch tính, hãy thử chơi trò chơi “tưởng tượng đây là câu chuyện của ‘nước quen’ và ‘nước lạ'”, bạn có thể sẽ có một trải nghiệm rất khác về bộ phim, và cả về những diễn biến thời sự 🙂
2 thoughts
Harry
ủa, em tưởng phần 1 là khởi đầu thì phần 2 thì kiểu gì đó tiếp tục chứ, phần 2 cái tựa là sự khởi đầu nên mới đầu em tưởng nó không có liên quan tới “sự trỗi dậy của hành tinh khỉ ” chứ :P)
em không thích phim nào có khỉ lắm, nhưng nghe anh nói em thích đi xem quá
mà phim hành động mà em thích nhất cho tới hiện giờ là phim i am number 4 á anh
mặc dù phim đó cũng motip truyền thống nhiều phim làm giống nhưng sao coi về chỉ phim đó là em thích thôi 🙂
Bimido
Phim này em cũng mới được xem phần 1 và cảm thấy rất hào hứng rồi 😀