1. Hồi lâu lâu, tui có thích một phim tựa là A Few Good Men – Một Vài Người Tốt. Một trong những phim điện ảnh đầu tiên mà tui được xem Nhà Văn Hoá Thanh Niên do anh Thiếu Quân giới thiệu. Sau đó tui xem lại vài lần khác. Điều kỳ lạ là tui không bao giờ nhớ hết mọi thứ về bộ phim này. Tui chỉ nhớ có Tom Cruise đẹp trai vào vai một anh luật sư cùi bắp, không có hứng thú làm gì, có Demi Moore đẹp sắc sảo lạnh lùng vào vai nữ thanh tra kiêm luật sự quân đội tình nguyện nhận bào chữa cho hai cậu lính trẻ, nhưng vụ án lại được giao cho ông nội Tom Cruise lười biếng kia, nên cô bắt ông nội Tom Cruise phải lo mà cư xử đàng hoàng dù vụ án có vẻ như mọi thứ đều đã được dàn xếp rõ ràng: hai anh lính Mỹ giết chết một đồng đội của họ. Một anh thì yêu nước yêu tổ chức tới mức sẵn sàng đi tù để bảo vệ danh dự cho tổ chức của mình, anh còn lại thì nhát quá không dám nói năng gì cả. Cả hai anh, nói chung, không dám lên tiếng dù là để bạo vệ và cứu bản thân họ. Anh Tom Cruise sau một hồi bị cô Demi Moore nói khích, cộng thêm gặp hai cậu bị cáo thấy tồi tội sao đó, đã quyết tâm bào chữa. Thế rồi, càng điều tra thì càng thấy có mùi. Dĩ nhiên, thọc vào chỗ bốc mùi thì sẽ dễ bị ăn đòn. Hai anh chị sau đó đụng độ với cả bộ sậu cấp trên của hai cậu lính trẻ, bị họ đe doạ, và số phận của hai cậu lính trẻ cũng bị đe doạ.
Trong A Few Good Men, chúng ta không thấy cảnh hai cậu lính kia làm gì anh đồng đội của mình, chỉ biết rằng cái cậu lính xấu số kia chết cũng thảm khốc vì bị tra tấn dã man. Tại sao hai cậu lính kia lại tra tấn người đồng đội của mình? Lý do đưa ra đơn giản: vì cậu đồng đội này khó chịu, không hoà đồng, có thái độ vô lễ với cấp trên. Thế nhưng họ vẫn phải chịu tội.
Cái hay của A Few Good Men, cái làm cho tui thấy hả hê khi xem bộ phim này, là cuối phim, công lý được thực thi. Hai cậu binh nhì không tự nhiên mà tra tấn người đồng đội của mình. Phải có ai đó chỉ thị họ. Một chỉ thị không có trên giấy tờ, không có trên văn bản. Một chỉ thị ngầm. Trong phim, nó được gọi là Code Red – Mật Mã Đỏ, một “mật mã” được ngầm hiểu họ phải có nhiệm vụ dạy cho những kẻ bất tuân một bài học. Những người lính buộc phải tuân lệnh cấp trên của họ, bởi đó là kỷ luật. Các luật sư, bất chấp bị đe doạ tính mạng, đã buộc cho kẻ đã ra chỉ thị ấy phải thú nhận tội ác của mình trước toà. Cho dù ông tướng ấy không trực tiếp chạm tay vào người nạn nhân xấu số, nhưng đó mới là kẻ đáng bị tội nhất.
Dĩ nhiên nó chỉ là một phim của Hollywood. Bọn tư bản có cái kiểu công lý giãy chết. Bọn chúng tôn vinh thứ công lý khiến cho người dân như tui thấy sung sướng và hả hê, để chúng ta có niềm tin vào công bằng và pháp luật.
Nếu A Few Good Men là một phim Việt Nam, hẳn nó sẽ bị cấm, bởi không phù hợp với hiện thực xã hội. Hiện thực của chúng ta, không phải là chuyện hai anh binh nhì nhận lệnh của cấp trên tra tấn đồng đội của mình, mà là năm anh công an nhân dân dùng nhục hình tra tấn một thường dân bị trói chân tay cho đến chết. Không như trong A Few Good Men, kẻ ra lệnh bị bắt, trong hiện thực của chúng ta, cấp trên của 5 anh công an hoàn toàn được miễn tội.
Nhưng liệu các nhà làm phim Việt Nam có được làm đúng hiện thực xã hội hay không?
2. Trong một diễn biến khác, bài trả lời phỏng vấn của ông Chánh Án TAND TP Tuy Hoà trên báo Người Lao Động về vụ 5 công an dùng nhục hình tra tấn thường dân đến chết có những câu trả lời bất hủ như sau:
” Đây là vụ án được dư luận quan tâm, chúng tôi phải biết chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn. Trong cuộc sống có những việc biết lẽ ra như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt”
“Thật ra, tại tòa có một vài vấn đề, ví dụ bị cáo Thành khai đánh 2-3 cái mà đầu Ngô Thanh Kiều tới 11 vết thương, vậy những vết thương đó do ai gây ra? Tòa trả hồ sơ rồi mà họ đâu có làm ra. Có những cái cần nói rõ nhưng cũng có những cái không nên nói, nói càng phức tạp, rối rắm, gây ra dư luận không tốt.”
“Vụ này nhạy cảm, xét xử có nhiều cấp, thời gian xem xét cũng lâu, nếu trả đi trả lại thì bất lợi. Với lại có trả hồ sơ cũng khó điều tra ra. 70 vết thương trên người nạn nhân, nhìn thấy kinh. Cả đám đông đấy mà hỏi ai cũng nói không biết, không nhớ gì hết. Hết sức phức tạp, làm gì được nữa?”
“Vụ này tôi thấy không nhẹ, công an mất bao nhiêu lực lượng đó là quá đau. Tôi thấy đây chỉ là một tai nạn nghề nghiệp. Mấy ông công an này cũng dở, không chừng đến phúc thẩm lại xì ra nữa”