1. Cách đây bốn năm, tui trò chuyện với anh Hàm lần đầu tiên, dù trước đó cũng đã từng biết anh, từng nói chuyện xã giao. Nhưng cái đêm tháng 12.2010 đó là lần đầu tiên thực sự ngồi nói chuyện với anh Hàm ở sân thượng Casbar. Rồi tui kể chuyện bùa ngãi – nhân câu chuyện có mấy bạn diễn viên tố nhau chuyện dùng bùa ngãi hại nhau khiến tui tò mò lên mạng ngồi đọc đủ thứ chuyện rùng rợn quanh bùa ngãi, nuôi ngãi trong nhà ra sao, ngãi trả thù ra sao, nói chung rất ly kỳ.
Câu chuyện hôm đó là một phần cảm hứng để anh Hàm viết kịch bản Đoạt Hồn.
Bởi vậy khi xem phim Đoạt Hồn, có chút xúc động, vì nhớ lại kỷ niệm năm xưa.
2. Nhưng Đoạt Hồn không hẳn là một phim về bùa ngãi. Đoạt Hồn cũng không hẳn là một phim về ma quỷ. Nó chỉ là lớp vỏ bên ngoài để cuốn hút người xem, là lớp sơn màu mè tô lên một câu chuyện khác về con người và những bí mật đen tối của họ. Làm phim kinh dị ở Việt Nam không dễ dàng. Một điều mỉa mai rằng ở Việt Nam, gần như ai cũng tin vào chuyện linh hồn, chuyện báo oán, chuyện ma quỷ vì nó là một phần của văn hóa tâm linh người Việt, ngay cả các ông quan chức cũng cầu siêu cúng bái rước thầy cúng về trừ tà xin lộc, nhưng vẫn kiên định chủ trương ở Việt Nam không có ma, ít nhất là trên màn ảnh Việt Nam là không được có ma. Cái quan điểm phim Nga có con ma thì kệ cha con bà nó, phim Thái có yêu quái thì kệ gái trai con nhà nó, phim Mỹ có con quỷ thì kệ con đĩ mẹ đĩ con nó, nhưng phim Việt Nam thì tuyệt nhiên không được có, tại vì ma chỉ tồn tại ở các nước tư bản xấu xa như Mỹ Hàn Anh Pháp, hoặc các nước xã hội chủ nghĩa xấu xa như Trung Quốc tàu Khựa, chứ không thể nào có mặt ở Việt Nam (tại vì ma thường do người chết bị oan ức mà chết, mà nước mình thì các bạn biết đó, nhân dân hạnh phúc no đủ, làm sao có ai chết oan ức mà biến thành ma được). Nói chung chuyện kiểm duyệt phim thì thôi để hôm nào khác nói thêm, cũng không nên trách hội đồng duyệt vì hội đồng duyệt họ chỉ làm đúng công việc được giao phó, mà việc họ làm thật ra cũng xuất phát từ nhân dân mà ra. Nói chung nhân dân mình cũng xứng đáng với hội đồng kiểm duyệt của mình lắm.
Cho nên, phim ma Việt Nam không như phim ma Mỹ ma Tàu ma Thái chỉ cần rùng rợn là đủ. Phim ma của mình thì phải hài hước cho nó bớt rùng rợn, không làm hài hước thì phần tâm lý, phần câu chuyện, phần thông điệp phải đủ hấp dẫn. Đoạt Hồn không phải phim ma hài, không có Thái Hòa, không có Hoài Linh, không có Việt Hương, mà chỉ có những diễn viên chuyên những vai tâm lý như cô Kiều Chinh, anh Thương Tín, chị Minh Trang, chị Ngọc Hiệp, anh Trần Bảo Sơn. Họ không phải những tên tuổi đảm bảo phòng vé, nhưng họ là những tên tuổi đảm bảo về diễn xuất. Họ bước vào bộ phim và hóa thân vào nhân vật, chứ không còn là chính họ. Và bé Thanh Mỹ trong vai cô bé con bị nhập hồn đã khiến cho khán giả phải bất ngờ vì sự biến hóa khôn lường về diễn xuất của cô bé nhỏ này. Dàn diễn viên của Đoạt Hồn có đủ đất để tung hứng cho một câu chuyện phức tạp về diễn biến tâm lý, về một bi kịch gia đình rạn vỡ vì những quá khứ tội lội bị che giấu.
3. Thế mạnh của anh Hàm chính là ngôn ngữ điện ảnh mạnh mẽ – mà ở đây, chính là cách mà anh kể chuyện thông qua cách dựng phim. Có thể nói, Đoạt Hồn vượt xa nhiều phim Việt Nam khác chính là ở một lối kể chuyện bằng hình ảnh rất độc đáo trong một tư duy điện ảnh hiện đại và táo bạo. Phim Việt Nam thường khá yếu về khâu dựng phim, chính vì lẽ đó mà Đoạt Hồn trở nên đặc biệt. Cảm xúc sợ hãi lo lắng đôi khi không hẳn đến từ những hình ảnh rùng rợn, mà có khi đến từ chính cách đạo diễn kéo dài khoảnh khắc đến với điều mà ai cũng hồi hộp lo lắng mong chờ.
Cuối cùng, tui sẽ nói thêm về đoạn kết của bộ phim trong một câu chuyện khác về kiểm duyệt phim ở Việt Nam. Xét cho cùng, chẳng thể trách hội đồng duyệt. Cũng chẳng thể trách nhà làm phim. Nếu có trách, thì trách…… mà thôi, để tới khi nói câu chuyện sau vậy 😀
Đoạt Hồn (BHD sản xuất, Hàm Trần đạo diễn) khởi chiếu tại Việt Nam từ 18.7.2014.
One thought
Harry
hổng biết sao chứ em thấy trailer là không có dám đi coi luôn anh, vì em quê miền Tây, sống chung với sông nước từ nhỏ nên em mà đi coi về vài bữa về quê chắc không dám xuống ao luôn quá 🙂 và cũng bởi như anh nói tức do Việt Nam mình trong tâm thức đã tin tưởng mấy chuyện ma quỷ nhiều nên em cũng sợ : ma có thật. Nói chung nghe nói mới mấy ngày mà doanh thu khủng em cũng vui lây, phải như thế thì càng ngày mới có nhiều phim hay hơn
Nhưng nói thật em vẫn thích Việt Nam mình có thể làm được những phim ma như tình người duyên ma hơn , cái chất “ma nhưng không ma: của tình người duyên mà quả thật là duyên dáng đến không thể tưởng được. Và thông điệp bộ phim được chuyển tới người đọc hết sức tự nhiên , chứ phim VN em chưa thấy đươc sự tự nhiên này, luôn có 1 cái gì đó hơi vội vã hơi sượng khi chuyển thông điệp lồng vào phim
Anyway, bạn em đang rủ đi coi Đoạt hồn, em đang trấn áp nổi sợ để can đảm đi coi :)phim ma này là phim ma đầu tiên em k dám đi coi khi mới chỉ coi trailer