Từ đầu năm đến nay, hai phim để lại cho tui nhiều xúc cảm nhất, hóa ra, lại là hai phim độc lập nhỏ nhắn xinh xắn giản dị, và éo le làm sao, lại gần như là kể cùng một câu chuyện: “Chef” của Jon Favreau và Begin Again của John Carney.
1. Hồi xem Chef xong tui rất rất rất rất rất muốn viết đôi điều về bộ phim tuyệt vời này, bộ phim mà các nhà phê bình đã gọi nó là “food porn” (“phim con heo ẩm thực?) bởi độ sexy quyến rũ “dâm dục” của nó khi quay cảnh nấu nướng đồ ăn như mơn trớn người xem vậy. Xong rồi tui bận quá trời quá đất nên cuối cùng chả còn viết gì luôn. Cho tới hôm rồi xem Begin Again thì tui mới tìm thấy sự hứng thú để viết gì đó, cho dù bây giờ cũng chẳng rảnh hơn hồi một tháng trước là bao…
Vì sao Chef và Begin Again? Hai phim này, dù rất khác nhau – một phim nói về ẩm thực, một phim nói về âm nhạc – nhưng lại rất giống nhau – đều có vẻ như ám chỉ về một thứ khác, một “sự thật” khác. “Chef” xoay quanh một đầu bếp chừng 40 tuổi, đã ly dị vợ, ít có thời gian với con của mình, làm việc trong một nhà hàng sang trọng, có chút tiếng tăm, nhưng rồi thức ăn anh nấu theo menu sẵn có của nhà hàng đã không làm vừa lòng một nhà phê bình ẩm thực, nhưng sự khao khát sáng tạo, muốn được trở thành một “đầu bếp nghệ sĩ” của anh đã bị dập tắt bởi ông chủ nhà hàng. Anh bị mất việc. Thế rồi, anh quay trở lại với nguồn gốc của mình, với đường phố, với chiếc xe tải, rong ruổi khắp nước Mỹ để nấu những món ăn ngon theo ý thích của mình, mà từ đó, anh lại trở nên nổi tiếng, và quan trọng hơn, tìm lại được tình yêu và sự kết nối với đứa con của mình. Begin Again xoay quanh một nhà sản xuất âm nhạc chừng 40 tuổi, đã ly dị vợ, ít có thời gian với con của mình, làm việc trong một hãng ghi âm nổi tiếng do chính anh tạo dựng, nhưng rồi âm nhạc mà anh tìm kiếm đã không đem lại lợi nhuận cho hãng ghi âm, trong khi sự khao khát sáng tạo, muốn được trở thành một nhà sản xuất nghệ thuật thật sự của anh đã bị dập tắt bởi đồng sự của anh. Anh bị mất việc. thế rồi, anh quay trở lại với nguồn gốc của mình khi vô tình nghe thấy giọng hát của một cô gái người Anh ở một quán bar trong cơn say vì thất vọng với sự đời, anh thuyết phục cô cùng sáng tác âm nhạc, đem âm nhạc xuống đường phố, rong ruổi khắp New York để hát những giai điệu mộc mạc, ghi lại những âm thanh thuần khiết, mà từ đó anh tìm lại được tiếng tăm của mình, và quan trọng hơn, tìm lại được tình yêu và sự kết nối với đứa con của mình.
Cả hai phim đều thuộc dạng “feel-good movie” – phim xem nhẹ nhàng thoải mái, không gay cấn, không có người xấu hãm hại người tốt, không có khó khăn chồng chất khó khăn mà chỉ là những cung bậc xúc cảm, những câu chuyện tình yêu và nghệ thuật, giữa người với người, giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, giữa vợ và chồng, giữa cha và con, giữa bạn bè với nhau.
2. Quan trọng hơn, cả hai bộ phim này dường như là bộ phim “tiểu sử” về sự nghiệp của hai đạo diễn. Chef được đạo diễn bởi Jon Favreau, một đạo diễn/ biên kịch kiêm diễn viên điện ảnh được cả thế giới biết đến với vai trò đạo diễn của Iron Man, nhưng trước đó không nhiều người từng biết đến những bộ phim nhỏ đặc sắc của anh như Swingers (biên kịch/ diễn viên), Made (đạo diễn/biên kịch)… Iron Man đem đến cho Jon Favreau thành công về danh tiếng lẫn tiền bạc, nhưng dường như những công thức có sẵn của Hollywood không cho phép anh sự tự do sáng tạo. Nó cũng tương tự như chính câu chuyện trong Chef, nơi mà vị đầu bếp danh tiếng Carl không có được sự tự do sáng tạo món ăn của mình mà phải nấu theo công thức có sẵn để chiều lòng “thực khách/ khán giả” theo yêu cầu của “chủ nhà hàng/ nhà sản xuất”, và dĩ nhiên, đôi khi, gánh chịu sự chỉ trích của các nhà phê bình. Bộ phim Chef, cũng như chính chiếc xe tải nhỏ của Carl, là sự trở lại với dòng phim độc lập nhỏ của Jon, để được là chính mình, được sáng tạo tự do, bỏ qua những công thức có sẵn của Hollywood, dẫu vẫn với những “nguyên liệu cao cấp” như cô đào nóng bỏng Scarlett Johansson và anh chàng đại gia Người Sắt Robert Downey Jr.
Begin Again cũng không ngoại lệ – bộ phim có thể được xem như một “câu chuyện đời tôi” của đạo diễn John Carney, câu chuyện về một nghệ sĩ tìm kiếm sự tự do và sự mộc mạc tự nhiên trong những tác phẩm đầu tiên của mình. Tám năm trước, chàng đạo diễn Ái Nhĩ Lan John Carney đem đến cho khán giả thế giới một bộ phim nhỏ giản dị chân thật tự nhiên được làm ít tiền mang tên Once, về một nghệ sĩ đường phố nghèo ở Dublin gặp một cô gái nhập cư người Czech giúp anh tìm thấy cảm hứng sáng tác. Bộ phim sử dụng hai nhạc sĩ thực thụ không danh tiếng vào vai chính, nhưng chính sự chân thật trong trẻo của bộ đôi đã đem đến nhiều xúc cảm cho khán giả, và bộ phim không danh tiếng ít tiền này từ đó cũng chinh phục khán giả thế giới, thắng tại doanh thu phòng vé lẫn chinh phục trái tim các nhà phê bình, đem về giải Oscar cho ca khúc dành cho phim hay nhất (Falling Slowly), sau đó còn được dựng thành một vở nhạc kịch trên sân khấu Broadway.
Khác với Jon Favreau chinh phục Hollywood với bom tấn Iron Man, những tác phẩm sau đó của John Carney lại không gây được tiếng tăm nào, nếu không nói là tệ hại đến mức ít ai biết đến chúng. Hai tác phẩm điện ảnh sau đó của John, “Zonad” (xoay quanh câu chuyện của một tay nghiện rượu trốn khỏi trại cai nghiện rồi giả làm người ngoài hành tinh) và “The Rafters” (thiệt tình là không biết phim này nói về cái gì) nói chung không có tiếng tăm gì, và hình như cũng gặp khó khăn khi phát hành, ngay cả ở tại Ireland, quê nhà của John. Có lẽ vì thế, thay vì đặt tựa phim là Twice (cho nó gợi nhớ đến Once, bởi câu chuyện trong bộ phim lần này khá tương đồng với Once), John đã đặt tựa phim là Begin Again – Bắt Đầu Lần Nữa (chứ không phải Yêu Cuồng Si như tựa phim ở Việt Nam) – như một lời tuyên ngôn về bộ phim lần này của mình. (trong một diễn biến khác, tựa ban đầu của bộ phim này là Can A Song Save your Life – Một bài hát có thể cứu đời bạn?, nói chung là quá sức sến)
3. Begin Again có lối kể chuyện thú vị. Nó bắt đầu với sự kiện Greta, một cô gái người Anh, bị anh bạn của mình bắt lên sân khấu trong một quán bar ở New York để hát ca khúc của cô sáng tác, và mặc dù những người trong quán không mấy ai ấn tượng và để ý đến bài hát, vẫn có một người đã đắm đuối lắng nghe và vỗ tay. Đó là Dan, một nhà sản xuất âm nhạc hết thời, người vừa bị chính cộng sự của mình đuổi việc khỏi chính hãng ghi âm của chính anh đồng sáng lập vào sáng hôm ấy. Dan bệ rạc, mệt mỏi, hậu quả của cuộc đổ vỡ hôn nhân của anh, mà vì thế anh cũng ít có thời gian với đứa con gái đang tuổi mới lớn của mình. Câu chuyện theo Dan bắt đầu từ buổi sáng hôm ấy, cho đến khi anh bước vào quán bar uống rượu để quên sầu, và nghe tiếng hát của cô gái xa lạ. Câu chuyện sau đó lại quay trở lại trước đó, khi mà Greta đến New York cùng bạn trai của mình, một ca sĩ đang lên, với những kỷ niệm tuyệt vời của họ, cho đến khi “dòng đời đưa đẩy” và cô chuẩn bị rời khỏi New York trong tâm trạng chán chường, và bị người bạn thân bắt lên sân khấu hát, để rồi cô gặp Dan. Begin Again như một món quà dành tặng cho New York, một New york gần gũi, mộc mạc, tình cảm, không hề hoa mỹ hào nhoáng như trong những tác phẩm điện ảnh Hollywood khác. Mark Ruffalo và Keira Knightley khá ăn ý trong câu chuyện dễ thương nhẹ nhàng, với những ca khúc dễ thương nhẹ nhàng này. Có cảm giác nửa sau của Begin Again như một chuỗi music video liên tục, nhưng chuyện đó cũng không làm tui thấy phiền phức gì. Có một chút hơi mỉa mai, khi mà bộ phim dù nói về sự tìm lại những giá trị mộc mạc chân thật, nhưng so giữa Once và Begin Again, thì Begin Again không thực sự “mộc mạc” như Once – John Carney vẫn cần có chút “diêm dúa”, chút “lấp lánh” của Keira Knightley, của Mark Ruffalo, và cả của Adam Levine trong nhóm Maroon 5 cho bộ phim “trở lại” của mình.
4. Xem Begin Again làm tui nhớ tới Thần Tượng và Quang Huy. Thần Tượng cũng kể về câu chuyện của một cậu sản xuất âm nhạc đi tìm kiếm giá trị thật của âm nhạc, tin vào cảm xúc trong âm nhạc hơn là những phù phiếm bên ngoài. Rất khác với tui, hầu như luôn suy nghĩ theo hướng tiêu cực và u ám, Quang Huy luôn tin vào những điều tươi sáng, ít nhất là trong tác phẩm của Huy. Ngay cả bộ phim kế tiếp của Huy, vẫn giữ được sự trong trẻo tươi mát. Begin Again cũng có cái sự trong trẻo tươi mát ấy, mà tinh tế hơn, cho dù vẫn có chút “melodrama” nhưng bộ phim vẫn giữ được cái gì đó không rõ ràng, không chắc chắn, khá mơ hồ về tình cảm, tình yêu, nó có những phút giây xao động nhưng không rõ nét, rất lãng đãng, khiến cho mình cảm thấy hưng phấn rồi bị cuốn theo.
Mà cái hay của bộ phim này, với riêng tui, là khiến tui muốn làm một phim thật trong sáng tươi mát cho nhẹ nhàng thanh thản….
3 thoughts
today20
Very sweet :p both movies and the review :p
Tada
cám ơn anh đã review. Luôn viết review mới cho tụi e đọc nhé
Ái Phương
Mình có xem phim Chef. Và xem đến mấy lần. Mình thích nhất cảnh Carl nổi sùng với ông phê bình ẩm thực.
Tuy nhiên mình hơi băn khoăn ở một chi tiết nhỏ: Carl là đầu bếp tài giỏi, nổi tiếng, vậy sao Carl nghèo quá sức như vậy? Carl ở trong căn phòng thuê tồi tàn, Carl không mua nổi chiếc xe tải cũ để đến nỗi phải đến xin xỏ ông chồng cũ của cô vợ cũ của mình.