1. Boxtrolls (Hội Quái Hộp) không hẳn là một phim hoạt hình xuất sắc, nhưng đã là phim của Laika thì nói chung với tui là phải xem. Laika thật ra chỉ mới có hai phim, Coraline và Paranoman, nhưng cũng đã phần nào xác định được phong cách rất đặc trưng của họ: hoạt hình stop motion không hẳn là dành cho thiếu nhi. Các tạo hình nhân vật của Laika không theo kiểu tròn trịa xinh xắn đáng yêu như của Disney hay bụ bẫm pha lẫn ngộ nghĩnh kiểu Dreamworks hay tươi sáng lí lắc như Bluesky, mà trái lại, rất nhiều góc cạnh, nhọn, dài, xấu xí, u ám. Tui nhớ khi xem Coraline lần đầu, tui bị sốc, tối về ngủ mơ ác mộng, còn lúc trong rạp con nít khóc thét vì sợ. Nhưng Caroline có lẽ là một trong những phim hoạt hình stop motion tui thích nhất trong vài năm trở lại đây. ParaNorman cũng tương tự, không phải là một phim hoạt hình dễ thương dành cho trẻ em, nhưng nó là một phim thú vị dành cho mọi lứa tuổi với hình ảnh vừa ghê rợn mà lại vừa đáng yêu. Cả hai bộ phim này đều cho thấy những thứ trông có vẻ đáng sợ chưa chắc đã thực sự đáng sợ, mà những thứ trông có vẻ bình thường lại chính là những điều đáng sợ nhất. Cái hay ho của Laika còn là kỹ thuật làm phim stop motion của họ – có những điều mình không biết làm sao họ làm được, như trời mưa trong Coraline, như đất văng tung tóe trong ParaNorman, và như những cảnh lửa cháy khói bay trong Boxtrolls. Và để làm ra 1 frame hình trong bộ phim này, họ mất từ 5 phút đến 1 tiếng để thực hiện, và mỗi giây bạn xem trên phim, họ phải thực hiện 24 frame hình (thông thường các phim stop motion, người ta có thể chỉ là 8 hoặc 12 hoặc 16 frame mỗi giây để tiết kiệm thời gian, nhưng với Laika, để sự chuyển động thật nhuần nhuyễn, họ quay 24f/s!!!). Bộ phim dài 87 phút, nghĩa là họ phải làm 125,280 frame. Cứ mỗi frame là phải có người vào set và di chuyển thay đổi mọi thứ có sự chuyển động. Không chỉ thế, toàn bộ mọi thứ trong những phim hoạt hình này đều được dựng lên từ số không, và họ phải tạo ra mọi thứ, tất cả mọi thứ, từ nhân vật đến nhà cửa đến cây cối đến bầu trời đến khung cảnh, đến đồ vật, đến cả mây trời khói bụi. Không chỉ thế, mọi chuyển biến xúc cảm trên khuôn mặt nhân vật cũng được tạo ra theo… từng frame một, và với Coraline, có khoảng 207.000 cảm xúc khác nhau được diễn tả, thì trong Boxtrolls, có khoảng 1,4 triệu biểu lộ cảm xúc được thực hiện!
Ví dụ cảnh trái cây rơi, họ phải dịch chuyển từng trái một từng chút một cho từng frame một!!!
2. Quay lại với The Boxtrolls, cũng vẫn với phong cách hình ảnh rất u ám, tối tăm, có phần rùng rợn, Laika tiếp tục kể một câu chuyện “dị thường” nhưng phía sau đó là sự châm biếm về xã hội – như đã từng gây tranh cãi trong Coraline. Ở đây, một xã hội con người sợ hãi đám quái hộp vì một lời đồn về đám quái hộp đêm đêm mò ra đường bắt cóc trẻ con đem về ăn thịt, gặm xương, uống máu bọn chúng. Xã hội ấy được quản lý bởi một gã đam mê danh vọng và mê phô mai, và dựa dẫm vào một gã cũng đam mê danh vọng và cũng mê phô mai. Đám quần chúng nhân dân thì ngu muội và mù quáng, và đám lâu la cũng ngu muội và mù quáng, không biết đâu là chính nghĩa, đâu là tà đạo, đâu là thiện là ác. Hai nhân vật Pickles và Trout vừa hài hước, vừa triết lý, và khiến người xem phải đặt ra câu hỏi “có bao giờ mình làm một điều xấu xa mà không hề hay biết, vẫn tưởng là mình đang làm việc tốt vì chính nghĩa?”. Cũng như Caroline hay ParaNorman, Boxtrolls tạo nên một thế giới mà trong đó, những kẻ bị cho là xấu xa với xã hội lại là những kẻ có tâm hồn trong sáng, những kẻ chính nghĩa; trong khi những kẻ mang danh chính nghĩa và cầm quyền lại là những kẻ xấu xa, nhu nhược, hèn mọn, tồi tệ. Con người bảo bọn quái hộp là quái vật, nhưng liệu ai mới thật sự là “quái vật” trong câu chuyện này chính là thông điệp của bộ phim. Cười cợt châm biếm, nên đôi khi không biết là phim cho thiếu nhi hay phim cho người lớn.
3. Anh Thành Lộc lồng tiếng quá sức hợp với vai Ông Cắp Nách. Nhiều khi xem thấy hợp tới mức mình nghĩ phim này làm dựa vào Thành Lộc để tạo ra nhân vật này. Megastar – bây giờ là CGV – làm công tác lồng tiếng hoạt hình ngày một chỉnh chu. Hình như các phim hoạt hình lồng tiếng đều do anh Đạt Phi “thầu” hết, chắc có khi phải cắp sách đến xin học nghề.
Cuối cùng, đoạn after credit của phim thật tuyệt vời. Ngắn gọn, nhưng nó vừa kể chuyện hậu trường của phim (làm mình có chút xúc động khi nghĩ đến những người nghệ sĩ đã làm nên bộ phim này) mà nó lại có cả cái triết lý riêng của nó về thế giới mà chúng ta đang sống.
One thought
HaryKhang
anh ơi làm bài review về Big Hero đi ạ 😀 em hóng bài review về phim này của anh 😀