flappy-bird-game-screens

Khai bút (thật ra là khai phiếm) đầu năm. Có quá nhiều thứ muốn nói, nhưng cũng chẳng biết có nên nói hay không, và nói thế nào. Hay là bắt đầu từ cái trò chơi Flappy Bird!

1. Tự nhiên cái trò chơi này trở nên nổi tiếng. rầm rộ trong vòng 2 ngày qua, trên newsfeed của tui ai cũng nói về nó. Tò mò search trên mạng đọc mới biết, chỉ trong 5 ngày qua, game này đã bất ngờ dẫn đầu trên appstore, dù game đã ra đời từ hồi tháng 5. Có bạn thì kêu, nhờ có Youtuber nổi tiếng nào đó review cái game này nên mọi người đua nhau chơi, truyền miệng, rồi thì mỗi ngày 2 triệu lưột người tải về chơi; người thì kêu bạn này chơi trick, ăn gian thế nào đó để đẩy ranking của game mình lên; nhiều bạn sung sướng tự hào vì người viết game này là một bạn người Việt Nam ở Hà Nội viết ra, nhiều bạn khác cũng nhảy vào dè bỉu “đúng là Việt Nam, thấy người sang bắt quàng làm họ”; không ít bạn cũng bắt đầu viết tiểu luận phân tích những ảnh hưởng xã hội của game, vì sao nó trở nên thành công như thế (nhân tiện, bạn nào chưa biết rõ về game này thì nó thật ra chơi khác đơn giản: mình cứ bấm vô màn hình giự cho con chim nó bay không đụng vô cái ống nước, nhưng nói đơn giản chớ thiệt ra khó vô cùng, hầu như ai chơi cũng phát khùng vì không thể vượt qua được 1 điểm =))

Bạn Bút Chì viết statuss trên facebook nhận định về game này cũng khá thú vị:

“Rảnh có khi mình viết tiểu luận về Flappy Bird, bởi vì sự giống nhau đến buồn cười giữa nó với đời sống ở Việt Nam:
1) Có vẻ rất dễ nhưng thật ra rất khó, và ngược lại
2) Có vẻ rất ngu nhưng thật ra rất thông minh, và ngược lại
3) Rất dễ chết
4) Rất dễ gây tức giận và mất kiên nhẫn
5) Rất dễ gây nghiện
6) Không theo bất kỳ quy luật mẹ gì cả, nhổ vào tất cả mọi thứ văn minh trên đời =))))
7) Hoàn toàn vô nghĩa nhưng ai cũng cố giữ cho con chim ngu bay hoà”

2. Game này, với tui, cũng có nét tương đồng với bài Con Bướm Xinh: đơn giản, không ý nghĩa gì, nhưng lại trở thành một cơn sốt. Mùa xuân vừa qua, dân chúng lầm than kêu khổ phát khùng vì đi đâu cũng nghe vang vang ca khúc “Con Bướm Xinh”, có người hoang mang không biết liệu năm nay là năm con Ngựa hay năm con Bướm. Flappy Bird cũng như Bướm Xinh ở chỗ đã ra đời từ lâu mà đột nhiên một ngày kia bỗng nhiên nổi tiếng rần rần!

Nhiều người tự hỏi: người Việt Nam sao tự nhiên toàn rần rần những thứ nhảm nhí như thế?

Thật ra thì, chả chỉ ở Việt Nam, cả thế giới cũng rần rần những thứ nhảm nhí như thế. Việt Nam có Con bướm xinh chứ thế giới năm rồi có bài Con Cáo Nó Kêu Làm Sao (What Does The Fox Say?), với lời bài hát nếu dịch ra tiếng Việt rồi hát thì hẳn đã được nhân dân ta phong tặng “thảm hoạ V-Pop” (bài hát đại loại “Con chó kêu Gâu, con Mèo kêu Meo, con chuột kêu chít, con Vịt kêu Cạp, còn con cáo kêu làm sao?”).

Có lẽ nhân dân thế giới đã quá mệt mỏi với những gì đang xảy ra trong cuộc đời và họ chỉ cần cái gì đó đơn giản, dễ hiểu, không phải suy nghĩ nhiều để họ được thư giãn, Kiểu đi xem phim hài thấy đánh rắm trượt vỏ chuối đụng đầu vô cột đèn rồi cười té re thế thôi. Chẳng cần logic hợp lý đúng nghĩa gì, chỉ cần được cười. (Nhân tiện không liên quan gì cả, nhưng phim Tèo em doanh thu nghe đâu gần 80 tỉ rồi, chứng tỏ Việt Nam ta có một thị trường thật lớn cho các nhà làm phim, chỉ cần gãi đúng chỗ ngứa mà thôi).

vậy chính ra, bài học từ Flappy Bird và Con Bướm Xinh và Con Cáo nó nói làm sao hom lại, năm nay nếu ai mix lại bài Con Công Nó Múa chắc có khi thành bài hit đó…

3. Nói về cơn sốt, thì chỉ trong vài bữa nữa có một nhãn hàng ăn nhanh của Mỹ sẽ vào Việt Nam, và chưa gì nhân dân cũng đã háo hức rần rần. Tui thì không có gì háo hức vì tui không có ham hố mấy thức ăn nhanh đó. Bốn năm ở Mỹ có lẽ tui ăn ở cái tiệm ăn nhanh nhãn này chắc chưa tới 10 lần (dù tui ăn kem ở đây thì rất nhiều lần hahaha). Sự xuất hiện của nhãn hàng này cũng với bạn chuỗi cà phê đến tử Seatle cho thấy Việt Nam ngày một “phát triển”, bởi nhiều năm trước hai bạn này cứ nhăm nhe nhảy vào nhưng có lẽ chê thị trường Việt Nam nhỏ téo nên không thèm chen vô.

Những ngày tết, tui cũng lang thang ở vài trung tâm thương mại.

Những cửa hàng đồ hiệu sale tràn ngập.

người ta mua sắm.

Nhất là những ngày cuối năm. Nó làm tui nhớ đến cái không khí cuối năm ở Mỹ. Chộn rộn. Mua Sắm. Việt Nam chúng ta giờ gần như chả còn thiếu thứ gì mà ở Mỹ có.

Trừ chúng ta chưa sẵn sàng cho việc tiếp nhận những văn hoá để đối mặt với những chuyển biến mới này.

escalator

Hồi tui mới sang Mỹ, tui hay đứng tuỳ tiện trên thang cuộn. Một người bạn Mỹ của tui từ tốn nói, L, mày nên đứng một bên để nhường đường cho những người muốn đi ngang qua. Kể từ đó, tui bắt đầu để ý về cái văn hoá đi thang cuốn này: có cần có một trật tự. Nếu bạn không muốn bước đi trên thang cuộn, đứng nép qua một bên, vì sẽ có những người vội vã hơn cần đi ngang qua. Tuỳ mỗi nơi mà bạn sẽ nép sang bên phải hoặc bên trái, nhưng đừng bao giờ đứng giữa, đứng hàng hai cùng với bạn bè người đi cùng, đứng một bên và với tay qua bên kia chặn hết cả lối đi, và (thường xuyên tui thấy) đứng ở giữa rồi giang hai tay ra vịn hai bên như thể Thang cuộn này là của riêng tôi!

Khi về Việt Nam, mỗi lần đi thang cuộn và chứng kiến người ta đứng trên thang cuốn chiếm hết cả lối đi, và cả cái thái độ khó chịu khi có người xin nhường lối để họ đi qua, tui cảm thấy bất lực. Làm sao để xã hội chúng ta thay đổi được, khi mà không ai dạy cho mọi người hiểu được những vấn đề căn bản về ứng xử nơi cộng cộng?

Văn hoá đi thang máy còn tồi tệ hơn. Mỗi khi đứng chờ thang máy ở những nơi đông người, tui thấy cái sự bon chen và ích kỷ của người Việt. Thang máy mở ra, người trong chưa kịp bước ra thì người ngoài đã tìm cách ùa vào, cuối cùng ở trong cũng không ra được mà ở ngoài cũng chẳng vào được, rồi thì chen lấn hỗn loạn. Đó là chưa kể đến chuyện không một ai giữ cửa, thế là thang máy cứ thế mà đóng khi người đang đi qua lại, rồi la hét thất thanh. Đó là chưa kể đến việc khi vào được thang máy thì vội vã nhấn nút đóng sợ có người sau vào nữa, dẫu thấy người ta đang chạy hộc tốc tới.

Khi tui đi Nhật, tui bị shock bởi sự nề nếp và kỷ luật của người Nhật, dẫu rằng nói về đúng giờ thì họ hơn hẳn người Việt. Họ xếp hàng trước cửa thang máy, ở lối ngược lại với lối đi ra. Khi thang máy mở ra, người đứng gần bảng điều khiển nhấn đứng đó nhấn vào nút mở cửa để giữ cửa, những người khác đi ra hết thì người này đi ra, rồi người đi vào đầu tiên lại đứng đó nhấn nút giữ cho cửa mở, cho tới khi những người khác vào, và người này lịch sự hỏi những người khác lên tầng nào để họ bấm, nếu những người kia khi đi vào chưa tự bấm. Mọi thứ ngăn nắp, tiện lợi, không cần chen lấn, mà nhờ thế, có cảm giác mọi thứ diễn ra nhanh chóng hơn sự chen lấn lộn xộn.

Chuyện rất đơn giản. Tại sao không thể trở thành một nếp sống ở đất nước ngàn năm văn hiến của chúng ta? tại sao chúng ta không thể dạy các em nhỏ cách sống đó (và xem như thế hệ người lớn thì thôi coi như bỏ đi, có ai thay đổi được thì tốt).

Chúng ta có mọi thứ hiện đại. Cái chúng ta thiếu, có lẽ là một lối sống văn minh phù hợp với thế giới hiện đại đó.

Tags:

2 thoughts

Leave a Reply