1. Sau chuyến bay dài rườm ra rắc rối từ Sài Gòn ra Hà Nội, từ Hà Nội sang Paris, rồi từ Paris mới sang Berlin, thì tui cũng đến Berlin. (Nếu bạn thắc mắc vì sao lại rườm rà như thế, thì câu chuyện nó phức tạp dài dòng bắt đầu từ những ngày trước Tết tui đi lục đục làm hồ sơ xin visa, và vì cận tết nên nhắm mắt nhắm mũi lẫn lộn hết ngày với mùng, để rồi đến mùng 6 tức ngày 5 xách vali ra sân bay mới phát hiện ra visa chỉ có hiệu lực từ ngày 6, tức không được bay đi cho dù đến Berlin vào 11g đêm ngày 5 đi chăng nữa, và Air France thì không có chuyến bay nào vào hôm sau từ TP. HCM sang Berlin, và tui cũng không được book vé lại mà phải chờ phía bên Đức book lại, và thế là xách hành lý về nhà ăn Tết thêm một ngày nữa, nhờ đó có thêm một ngày để gặp được vài bạn bè yêu quý của mình mà nếu không gặp hôm đó có khi chả biết khi nào mới gặp). Ở sân bay Charles de Gaulle Paris, góp thêm phần ly kỳ trễ nãi, máy bay còn delay thêm ba tiếng. Khi đến Berlin, tui đã trễ hết ba cuộc meeting, và cả buổi khai mạc hoành tráng từ đêm hôm trước.
2. Tui hầu như không có một hình dung rõ nét nào về Berlin cả. Nói đúng hơn, trong trí tưởng tượng của tui về Berlin, đó là một thành phố già cỗi, âm u, với những tòa nhà kiểu Gothic khổng lồ, tăm tối, đáng sợ. Đón tui ở sân bay là Oslem, một cô gái nhỏ nhắn. Oslem bảo, anh có thấy John Goodman không? Ôi, John Goodman vừa mới đi ra. Tui bảo, thấy, ổng đi cùng chuyến với tui. Tui thấy ổng đứng một mình nơi băng chuyền chờ lấy hành lý, tui định mon men tới gần xin chụp hình, thì ngay tức thì xuất hiện một cô vệ sĩ bước tới, và nói “Xin lỗi, ngài Goodman không muốn bị làm phiền”. Ông John Goodman đứng đó, một mình, và mỗi khi có ai có ý định bước đến gần, cô vệ sĩ lập tức đứng ra chặn lại”. Trên đường từ sân bay về khách sạn Adina ở Hackescher Mart, Oslem trong khi cố gắng tóm tắt mọi thứ cần biết mà tui đã bị lỡ trong hai ngày, và tranh thủ giới thiệu quang cảnh hai bên đường, thì vẫn thỉnh thoảng thốt lên “Không tể tin nổi, mình được nhìn thấy John Goodman, mình sẽ phải khoe với mấy người kia”. Trái ngược với trí tưởng tượng của tui về Berlin, thành phố dần dần hiện ra trong bầu không khí se lạnh mùa đông với sự yên tĩnh, vắng lặng, buồn bã, và một cảm giác luyến tiếc gì đó xa xưa của những cuốn sách giáo khoa tiếng Nga mà tui thường đọc của chị gái thời thơ ấu. Những khu nhà tập thể năm tầng, những khối nhà vuông vức đồng bộ, những con đường vắng người, với xe hơi đậu dọc theo lối đi… Tui nhớ đến những mẩu truyện Nga của nhà xuất bản Cầu Vồng. Nó hiện lên mồn một. Nó là ký ức tươi đẹp của tui về xã hội chủ nghĩa thời hoàng kim. “Đây là nơi bức tường Berlin chạy ngang qua” Oslem nói, “nếu anh muốn đi thăm thì nó cũng không quá xa khách sạn của mình”.
3. LHP Berlinale diễn ra chủ yếu tại Potsdamer Platz, nơi tập trung những công trình kiến trúc hiện đại và cao tầng của Berlin. Thời bức tường còn, đây là bãi đất hoang, là “no man’s land”. Chỉ sau khi bức tường Berlin sập, người ta mới bắt đầu xây dựng lại, và chỉ trong chừng ấy năm, đây trở thành nơi có lẽ là sầm uất đông đúc nhất Berlin, với những công trình kiến trúc hiện đại, kỳ công, táo bạo nhất. Họ vẫn giữ lại vài mảnh tường, vẽ lên đó những bức tranh, ghi lại đó những dấu ấn của một quá khứ. Hàng năm, LHP Berlinale thu hút khoảng 500.000 lượt khán giả từ khắp nơi trên thế giới về đây để xem phim, và người ta sẽ đi ngang qua những bức tường, sẽ đừng lại đọc, và hiểu về một quá khứ của nước Đức. Họ không e ngại với quá khứ, không sợ hãi, không che dấu. Cách mà người Đức đối mặt với lịch sử rất mãnh liệt, quả quyết, thẳng thắng, nhưng cũng duyên dáng và hài hước. Dọc theo những mảng tường vẫn còn, người ta vẽ lên đó những bức tranh, đau buồn có, kỳ quái có, hài hước có. Người ta còn kinh doanh cả lịch sử, bán những mẫu tường vỡ làm kỷ niệm.
4. 500.000 người đến đây để xem phim trong suốt kỳ LHP diễn ra. Không khí điện ảnh bao trùm cả khu vực. Đâu đâu người ta cũng nói chuyện về phim, cầm những tờ chương trình, những cuốn catalogue, những tờ rơi. Bạn cũng có thể bắt gặp vài diễn viên châu Á đi lang thang trên đường (vì có lẽ họ ít bị nhận diện). Chẳng hạn khi tui ngồi ở quán The Coffee Shop ngay trước siêu thị Arkeden (nơi bán vé xem phim của LHP), tui bắt gặp anh Nhậm Đạt Hoa đang đứng gần đó sưởi ấm nói chuyện với bạn bè. Các diễn viên tên tuổi sẽ không có cơ hội lang thang như thế. Họ sẽ bị đám đông đè bẹp dí ngay tức thì. Ở ngay sau lưng khách sạng Hyatt gần ngay trước mặt rạp Berlinale Platz, nơi diễn ra nghi thức thảm đỏ của LHP, luôn luôn có một đám đông người hâm mộ đứng chầu chực chờ đợi những ngôi sao của họ bước ra. Tay họ lăm lăm thủ sẵn những bức ảnh để xin chữ ký. Cả một xấp ảnh. Mà họ không phải những cô cậu tuổi đôi mươi. Không ít người trông phải quá 40 tuổi. Đám đông đó vẫn đứng giữa trời lạnh chờ đợi, và gào thét khi ngôi sao xuất hiện.
Đây, anh Nhậm Đạt Hoa đang đứng ngoài đường không bị mấy ai nhòm ngó
——————————————————————————————————————————
Bà con xách ghế ra ngồi chờ phòng vé mở cửa để mua vé
——————————————————————————————————————————
Mặc dù phòng vé đến 10 giờ mới mở cửa, nhưng nhiều người đã khăn gói cắm trại trước phòng vé từ… 5 giờ sáng để chờ mua vé. Dĩ nhiên nếu bạn đã xác định muốn xem các phim nổi tiếng, bạn phải dậy sớm. Chẳng hạn những thằng lười như tui mãi đến 8g30 mới mò ra thì sau khi đứng xếp hàng dài đằng đẵng cả hai block nhà rồi sau đó rồng rắn lên mây bên trong toà nhà khoảng gần 1 tiếng đồng hồ sau mới đến được quầy vé, thì hầu như vé các phim mình muốn xem đều đã hết…
——————————————————————————————————————————
Poster phim Nymphomaniac – Cuồng dâm, bộ phim gây chú ý nhất ở Berlinale năm nay vì đề tài hết sức “nhạy cảm”. Vé xem World Premiere bản phim phần 1 dài 3 tiếng của bộ phim này đã hết vèo lập tức. May mắn tui lại mò đi xem được, sẽ có review sau.
——————————————————————————————————————————
Ở Berlin, tui thấy tần suất người ta yêu nhau rồi hon nhau giữa đường cao hơn nhiều nơi khác. Mà không chỉ các anh chị hôn nhau, mà cả các anh anh, chị chị hôn nhau cũng rất thắm thiết, và cũng rất đột ngột. Kiểu đang nắm tay tung tăng đi giữa đường bỗng hứng lên chịu không nổi dừng lại hun nhau vậy đó!
——————————————————————————————————————————
Bà con tụ tập chờ đón các ngôi sao xuất hiện để xin chữ ký. Bạn có thể thấy cậu trai kia tay ôm cả một chồng hình tài tử trên tay…
——————————————————————————————————————————
Bức tường Berlin với những tranh vẽ tường
——————————————————————————————————————————
Bức vẽ Hai người đàn ông hôn nhau nổi tiếng, có hẳn có câu chuyện đằng sau nó, nhưng mà thôi để hôm nào hứng viết tiếp…
4 thoughts
Đỏ
hay quá anh! Hình anh chụp đẹp thế, như hình tư liệu đăng trên tạp chí nước ngoài ah 😛
Minh Thi
Anh ơi, anh review tiếp phim Cuồng dâm đi ạ, hì hì.
Giang
Brejnev & Honecker 🙂
None
Công nhận thím Maria Othiluong ghê gớm quá. Nhào vô van xin review cuồng dâm liền ông nội ơi =))