nbanner

Chuyện dài kể hoài không hết, nhân dịp Tết kể luôn :))

  1. Tâm sự hồi đầu năm trước thềm năm mới (đăng trên facebook, giờ đăng lại đây)

    Vậy là chuẩn bị sang một năm mới nữa, và mình lại nhìn lại một năm đã trôi qua.

    Đọc những tâm sự của chính bản thân từ hai năm trước, mới thấy rằng, đôi khi kỳ vọng quá lại đem đến những thất vọng. Mình đã tưởng rằng năm 2014 sẽ là một năm tuyệt vời của mình, khi năm 2013 là một năm có những thành công nho nhỏ, những hy vọng nho nhỏ, những bước đêm nho nhỏ. Thế nhưng, 2014 thật sự là một năm đau buồn nhất, kéo mình xuống tận cùng, với những thất bại lớn, những mất mát lớn, những tỉnh ngộ lớn. Đến mức trước thềm 2015, mình đã nghĩ rằng, có thể chẳng có gì đẹp đẽ sẽ đến với mình nữa.

    Rồi bây giờ đây, khi ngày cuối cùng của năm sắp trôi qua, mình vẫn còn đang trong cơn mê say túy lúy, trong cơn bềnh bồng trên mây, nhiều khi nghĩ sớm muộn gì cũng sẽ… mắc bệnh tiểu đường vì những lời khen ngọt ngào nhận được mỗi ngày từ bạn bè thân quen đến những người xem xa lạ.

    Thật ra, 2015, mình sống chết với duy nhất một thứ: Em là bà nội của anh. Cũng chẳng nhiều nhặn gì hơn để kể, vì mọi người chắc cũng đã bội thực vì post của mình về bộ phim ngập tràn suốt cả năm, đặc biệt là một tháng trở lại đây.

    Nhưng mình tự hào, dù rằng phim vẫn chưa đạt được mong đợi của nhà sản xuất – bạn thấy trong bức ảnh này, mình và các nhà sản xuất đưa ra bàn tay năm ngón như một lời hứa, một kỳ vọng phim sẽ đạt doanh thu 5 triệu đôla trong ngày ký hợp đồng – nhưng điều đó chỉ là chuyện nhỏ. Khán giả đã dành rất nhiều tình yêu cho bộ phim của mình, và đó mới là điều quan trọng.

    Cũng nhờ bộ phim này, mình học được nhiều thứ, về cách sống, về cách làm việc, cả về những mối quan hệ trước nay.
    namconde
    (Năm con dê ba thế hệ của Em là bà nội của anh)

  2. Nhiều khi xem phim có những khoảnh khắc rất lạ, mình cứ đến đoạn đó là xúc động, dẫu cho với người khác nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Không ngờ đến khi phim mình làm xong, mình biết rõ mọi thứ, vì sao mình làm cảnh đấy, mình muốn điều gì trong shot ấy, vậy mà cũng vẫn có những shot phim làm mình thấy xúc động bất ngờ, mặc dù không phải ai cũng cảm thấy điều đó. Nó có điều gì đó rất riêng tư.

    Em là bà nội của anh ngoài những cảnh cảm động mà có lẽ ai cũng thấy, thì có hai shot khác mình rất thích. Tiếc rằng, một trong hai shot ấy đã không còn trong bản final vì thời lượng phim quá dài và mình buộc phải thỏa hiệp cắt nó ra để dành thời lượng cho những cảnh khác. Mình cắt cảnh “xúc động” ấy ra, vì biết rằng chắc không phải ai cũng cảm nhận được điều ấy. Nó cũng là một cảnh trong bản phim Hàn Quốc làm mình xúc động, bởi nó rất riêng tư và rất gần. Đó là cảnh buổi sáng sau khi bà Đại vô tình nghe chuyện con cháu trong nhà bàn về chuyện đưa bà đi nơi khác. Góc máy từ cửa nhìn vào, là góc nhìn của đứa con trai. Bà Đại ngồi im lặng, quay lưng ra cửa. Có ánh nắng hắt vào từ phía cửa sổ vào chỗ bà. Bà ngồi đó, dẫu nghe tiếng rèm cửa, dẫu nghe tiếng bước chân của con trai, nhưng không quay lại. Không còn những chào hỏi buổi sáng. Không còn những vỗ về đưa tiễn.

    Mỗi lần mình nghĩ đến cảnh ấy, mình thấy buồn da diết. Vì đã có những buổi sáng, mình đã nhìn từ ngoài cửa vào, khi mà mẹ giận mình. Mình rất hiểu cái cảm giác ấy, cái nỗi buồn ấy.
    (Cảnh này đã được đặt vô lại trong phiên bản Tết, bạn nào muốn xem thì ra rạp xem nha)  ncamhuong

     Cảnh thứ hai, thì lại không hẳn cá nhân lắm, nhưng cũng lạ lùng thay, nó luôn làm mình buồn mỗi khi ra rạp xem. Đó là cảnh trong hình ở dưới, khi Cẩm Hường lon ton chạy ra một mình. Trong suốt cả phim, khán giả chưa từng được thấy Cẩm Hường chạy đâu cả, lúc nào cũng được dì Xuân bế ẵm trên tay, hoặc được chăm sóc bởi ai đó. Cái tiếng kêu ăng ẳng nho nhỏ của Cẩm Hường làm mình muốn ứa nước mắt, khi mình nghĩ đến chuyện “đứa trẻ” ấy giờ phải tự bước đi trong cuộc đời còn lại của nó. Nghe thì thật buồn cười, bởi cũng chỉ là một con chó con. Nhưng cứ tới chỗ ấy là lại xúc động.

    (mặc dù mình là thằng thích mèo hơn thích chó (trong phim này có “mèo” lẫn “chó”, nhưng phim này thì chỉ dám cho chó lên hình thôi, mình quá rành mấy con mèo nó mất dạy như thế nào nên tốt nhất là không nên rớ vào tụi nó để quay phim, trừ khi quay mấy còn mèo lười nằm phệch ra một đống. Quay có hai con chó trong phim mà phát mệt, ai mà xem hậu trường cảnh đoàn phim tung hoa nhảy múa để làm cho con chó nó sủa mấy tiếng trong phim chắc mắc cười lắm).

    Không biết có ai xem phim này thấy Cẩm Hường chạy lon ton mà xúc động như mình không?
    nhalinh

  3. Phim cũng đã chiếu lâu rồi, chuyện ai cũng đã biết luôn rồi, nên giờ mới kể.

    Giờ mới kể, vì ngay từ đầu, mình có nói với team PR là, đừng PR chuyện này. Chuyện mời Hà Linh đóng vai người thợ chụp ảnh trong Em là bà nội của anh.

    Khi viết lại kịch bản cho Em là bà nội của anh, mình đã chọn cố nghệ sĩ Thanh Nga là nhân vật mà bà Đại thần tượng, thay cho Audrey Hepburn trong bản gốc, vì ba lý do chính: một là vì mình luôn mong muốn được đưa hình ảnh của cô Thanh Nga lên phim, bởi với mình, đó là hình ảnh của một vẻ đẹp Việt Nam tiêu biểu; hai là vì Sài Gòn là một nhân vật của bộ phim này, và với mình, cô Thanh Nga là một phần của lịch sử văn hóa thành phố này; và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, mà với mình, hình ảnh của cô Thanh Nga tạo nên sức mạnh cho “Em là bà nội của anh” hơn Audrey Hepburn trong bản “Miss Granny” của Hàn Quốc, và Đặng Lệ Quân trong phiên bản “20 Once Again” của Trung Quốc, chính là cuộc đời của cô gắn liền với chủ đề chính của bộ phim này – sự hy sinh của người mẹ dành cho con của mình.

    Ban đầu, mình cũng do dự việc mời Hà Linh, con trai của cô Thanh Nga, đóng vai người chụp ảnh, vì mình sợ rằng điều ấy gợi lại những ký ức buồn cho bạn. Nhưng anh Dũng trấn an bảo là không sao đâu, đó là điều nên làm. Rất may mắn là Hà Linh nhận lời tham gia, và mình rất cảm kích điều ấy.

    Mình nhớ hôm quay cảnh này, trời bỗng đổ cơn mưa tầm tã, và mình đã quyết định vẫn cứ quay mặc cho trời mưa. Nói thật chứ mình cũng hay tin vào duyên số, và mình cảm thấy rằng, cơn mưa ấy chính là duyên số. Nó tạo nên một cảm xúc kỳ lạ cho cảnh bà Đại đến trước cửa tiệm chụp ảnh Thanh Xuân. Nó khiến mình tự nhiên xúc động.

    Mình nhớ khi ngồi ở monitor xem shot đầu tiên của phân đoạn này, mặc dù trước đó là blocking và biết đường dây câu chuyện cũng như đường di chuyển của diễn viên, nhưng khi Linh thắp những cây nến đặt trước bức ảnh của cô Thanh Nga, tự nhiên mình thấy ứa nước mắt. Mình nhớ đến những câu chuyện, những bài báo về sự kiện của cô và Linh. Tiệm ảnh Thanh Xuân là nơi phép màu đã xảy ra, và tự nhiên mình cảm thấy cảnh phim ấy có một điều gì đó rất màu nhiệm, và nó đến rất tự nhiên.

    Và mình thấy mắt Linh đỏ hoe. Mình không biết là do trời mưa ướt làm mắt Linh đỏ, hay vì cảnh quay đêm khuya làm mắt Linh đỏ, nhưng mình tin rằng cảm xúc về một mối thâm tình mẫu tử đã làm mắt Linh đỏ. Nghe Linh hát lại bản cải lương Bên cầu dệt lụa, mình thấy xúc động vô cùng.

    Tối hôm đó, Poly có nói với mình là Poly có quay lại được cảm xúc của Linh, và cũng có phỏng vấn Linh về cảm xúc ấy. Nhưng mình sau đó nói Poly, đừng dùng đoạn phim đó để PR cho phim. Ngay cả việc giới thiệu Hà Linh là con trai của cô Thanh Nga, mình cũng chỉ muốn xem như đó là một kỷ niệm đẹp, một món quà tặng bất ngờ dành cho những ai yêu quý cô. Thật tuyệt vời khi nhiều người đã phát hiện ra điều ấy và đã viết về điều ấy.

    Phim đã chiếu gần một tháng, nên bây giờ mình có thể kể câu chuyện này. Nhất là khi hôm qua thấy anh Minh Thuận đi xem phim về và nhắc đến chi tiết ấy, và nhiều người vào comment chia sẻ, nên mình cũng muốn chia sẻ sự cảm kích của mình đến gia đình cô Thanh Nga cũng như với Hà Linh. Và cảm ơn những khán giả đã yêu Sài Gòn và những người con của Sài Gòn đã dành tình cảm cho một nhân vật đẹp của thành phố này.

Tags:

Leave a Reply