nguoidothi

Tạp chí Người Đô Thị phỏng vấn hôm bữa trước, hôm nay mới rảnh post lên bản đầy đủ 🙂

Nhiều dự án truyền hình khi chuyển sang phiên bản Việt đã bị khán giả chê rất dữ vì không hấp dẫn như phiên bản gốc. The Kitchen Musical đã tạo được tiếng tăm, sự hấp dẫn và có được đề cử của giải Emmy. Vậy đây chắc hẳn là một áp lực lớn của anh và Danny Đỗ?

– Không biết với Danny thì sao, với mình thì dĩ nhiên cũng có áp lực khi làm Bếp Hát, nhưng không phải vì chuyện làm lại một bộ phim đã thành công, vì may mắn là The Kitchen Musical không phải là một phim truyền hình nổi tiếng ở Việt Nam. Nếu làm lại “Vì sao đưa anh tới” thì có thể là có áp lực, chứ với phim này, thật sự mình nghĩ có khi nếu không có Bếp Hát thì nhiều khán giả Việt Nam cũng không biết đến The Kitchen Musical. Vì thế mình nghĩ khán giả sẽ tò mò xem bộ phim này vì bản thân nó chứ không phải vì phiên bản gốc.

Một vài phim truyền hình khi chuyển sang phiên bản Việt vẫn có nhiều sự khác biệt, “chênh” liên quan đến khác biệt văn hóa, với Bếp hát, đạo diễn và diễn viên có mang lại cho phim một tinh thần Việt Nam hay không? Anh có nói là ê kíp sản xuất, diễn viên đã mang lại cho bộ phim một “đời sống khác”, vậy anh có phải thay đổi kịch bản nhiều hay không?

Câu chuyện của Bếp Hát là một câu chuyện mang tính toàn cầu. Nó là câu chuyện về tuổi trẻ, sự nổi loạn, và tình yêu. Câu chuyện bắt đầu với sự kiện Miên, con gái ông chủ nhà hàng trở về từ nước ngoài và làm bếp phó, và cũng có lẽ như nhiều bạn trẻ khác ở Việt Nam, cô ấy muốn thay đổi mọi thứ, muốn được thử thách, nhưng cũng muốn được nhìn nhận tài năng của mình chứ không muốn chỉ vì mình là con của ông chủ. Khán giả cũng có thể tìm thấy sự đồng cảm với Duy, chàng bếp phó tài năng nhưng chịu nhiều thiệt thòi khi xuất thân từ một gia đình lao động, luôn yêu thương nhường nhịn cho người gái bạn thân thiết con ông chủ nhưng cũng có tham vọng lớn để được tỏa sáng. Những người cầu kỳ kỹ tính có lẽ sẽ dễ thông cảm với Quân, một người bếp trưởng luôn muốn chu toàn mọi việc, không thích mạo hiểm với những ý tưởng điên rồ nhưng luôn thẳng thắn và minh bạch. Chuyện nấu ăn, chuyện nhà hàng chỉ là cái cớ để nói về chuyện tình yêu của những con người này, về ước mơ và tham vọng của họ. Mà tình yêu thì ở Việt Nam hay ở Singapore thì cũng như nhau, nên sự khác biệt văn hóa không phải là vấn đề nghiêm trọng trong bộ phim. Dĩ nhiên, khi viết lại kịch bản này, mình cũng thêm thắt vào đó nhiều chi tiết để các nhân vật thú vị hơn, nhiều mâu thuẫn hơn để tạo kịch tính hơn, nhưng mình không cố gắng để cho nó Việt Nam hơn, bởi thật ra, câu chuyện được kể bởi người Việt với diễn viên Việt nói tiếng Việt thì cũng đã Việt Nam đủ rồi.

Có điều gì thú vị và khó khăn khi anh phải làm phim với quá đông ca sĩ như vậy, đặc biệt là có những người nổi tiếng như Lam Trường?

Một trong những khó khăn lớn nhất là làm sao tìm được lịch sắp xếp cho tất cả mọi người – từ anh Thành Lộc đến Lam Trường, Phương Thanh, từ Trà My idol, Yaya Trương Nhi đến Tú Vi, Văn Anh, Lân Nhã, Will 365 v.v…., tổng cộng khoảng 13 – 14 người cùng có mặt, cùng tập trung để diễn. Đã vậy, mỗi người một tính, ai cũng có cái tôi, mình phải làm sao cho mọi người cảm thấy vui vẻ và được chú ý. May mắn là đoàn phim ai cũng rất dễ thương và xem nhau như một gia đình. Nếu bạn đến phim trường trong những ngày quay, bạn sẽ rất thương các diễn viên khi họ tranh thủ nằm ngủ vất vưởng chờ thiết kế ánh sáng chuẩn bị, nhưng khi tỉnh dậy lại tươi tắn tập trung làm việc. Làm với đông ca sĩ cũng có cái vui là khi nào mọi người cũng hát, rảnh là ôm đàn tụ tập hát. Mà âm nhạc hay lắm, nó làm người ta nuôi cảm xúc và gắn kết với nhau, nên có lẽ vì thế mà sau khi Bếp Hát đã đóng máy, mọi người vẫn tụ tập đi chơi, ăn uống với nhau vui vẻ.

Nhiều người cho rằng ca sĩ đóng phim thì không hay. Mình nghĩ cũng tùy, nếu đúng vai diễn phù hợp thì họ sẽ tạo nên được cái thần của nhân vật. Cái hay khác ở ca sĩ khi đóng phim là họ không bị giả tạo về cảm xúc, họ sống với nhân vật thật sự chứ không bị diễn bề ngoài, hời hợt, họ khá tự nhiên chứ không bị diễn kiểu kỹ thuật. Mình là người chủ trương thà diễn không xuất sắc nhưng tự nhiên còn hơn diễn một cách kỹ thuật mà thiếu cảm xúc.

nguoidothi2

Những diễn viên nào anh tin rằng sau bộ phim họ sẽ tỏa sáng hơn nữa?

Bộ đôi Tú Vi và Lê Văn Anh. Văn Anh là một diễn viên mình thích từ hồi xem Hàn Mạc Tử. Bao nhiêu năm chẳng thấy Văn Anh đâu cả, rồi hai năm trước mình viết kịch bản phim Tấm Cám và đi tìm diễn viên nam chính, bỗng nghĩ tới Văn Anh, rồi đi tìm, rồi gặp được. Dự án phim thì không thành, nhưng mình giữ liên lạc với Văn Anh và rất mong có cơ hội hợp tác. Bếp Hát đến bất ngờ và mình quyết định chọn Văn Anh cho vai Duy, vì mình thấy ở Văn Anh có sự trong sáng tươi mới cần thiết cho vai diễn này. Nhiều người cũng lo lắng Văn Anh sẽ khó nổi, vì thật ra bao nhiêu năm qua Văn Anh bỗng “biến mất”, ngay cả vai diễn trong Thiên Mệnh Anh Hùng cũng không nổi bật. Thế nhưng, Hôm quay bài Katy Katy thì mình thật sự tin rằng Văn Anh sẽ có cơ hội tỏa sáng trong bộ phim này.

Tú Vi thì có được sự trong sáng kỳ lạ. Mình từng gặp Tú Vi khoảng ba năm trước và không có chút ấn tượng nào cả. Thế nhưng, khi Vi vào vai Miên, Vi có cái sự ngổ ngáo cứng đầu rất đáng yêu, mà thật sự càng xem phim càng yêu cô này. Nhờ hai bạn Tú Vi và Văn Anh này khi quay phim yêu nhau, rồi cũng có giận hờn nhau, mà sự ăn ý hợp rơ của họ, trong những khoảnh khắc lãng mạn, kể cả những lúc lẫy hờn nhau trên màn ảnh, khiến cho người xem sẽ tin họ yêu nhau thật, và mong cho hai người đến với nhau hơn. Làm phim mà khiến cho người xem muốn đôi diễn viên chính yêu nhau nhiều khi cũng không hề đơn giản.

Trà My là một trường hợp khác. Mình thật sự “đánh cược” với My, vì My chưa bao giờ đóng phim, trong khi vai Bảo Ngọc là một vai nặng ký. Không chỉ vậy, trong bản gốc, Selena do một siêu mẫu thủ vai, và cô này cực kỳ bốc lửa, sexy, cao hơn hẳn mọi bạn diễn trong phim, kể cả nhân vật mà Lam Trường thủ vai, hẳn một cái đầu. Đã thế, mình còn viết thêm cho vai này nhiều phân đoạn để khán giả vừa ghét cô gái này nhưng cũng có những giây phút lắng đọng đồng cảm cho cô ấy. Mình chọn Trà My vì ở My có một sự tự tin và mạnh mẽ, nhìn vào khán giả có thể thấy cái “thần” ấy, và họ có thể tin được vì sao tất cả mọi người trong phim đều sợ “yêu nữ” này. Thế nhưng, chính ở những khoảnh khắc lắng đọng, My cũng lột tả nội tâm nhân vật một cách dễ dàng, ngọt ngào, mà mỗi khi xem lại những đoạn đó, mình cảm thấy rất sung sướng như thắng được ván bài mình đã cược.

Diệp Lâm Anh và Lê Mi Lan cũng sẽ có nhiều cơ hội được khán giả nhớ đến và yêu thích bởi sự duyên dáng tinh nghịch đáng yêu của cả hai. Dù đây chỉ là hai nhân vật phụ, nhưng chính sự hồn nhiên tưng tửng của cặp đôi ăn ý này lại đem đến cho người xem những phút giây thư giãn nhất trong phim.

Trong bài trả lời phỏng vấn với Thể thao văn hóa, anh nói rằng, trong sự so sánh với phim chiếu rạp thì “truyền hình có làm tốt đến mấy vẫn chỉ thu về chừng đó tiền, vì thế người ta sẽ không thấy được lý do tại sao phải làm tốt hơn. Còn phim điện ảnh nếu làm không hay thì sẽ lỗ sặc máu. Khi mục tiêu kinh doanh chạm tới việc làm phim thì mọi thứ phải thay đổi”. Vậy thì với Bếp hát, anh có lý do nào để làm tốt bộ phim này?

Vì mình luôn quan niệm, không làm thì thôi, đã làm thì phải làm sao để mình tự hào với tác phẩm của mình. BHD là một nhà sản xuất rất mạo hiểm. Với dự án Bếp Hát, họ không chỉ mạo hiểm khi lần đầu dám làm phim truyền hình kiểu theo từng mùa, mỗi tuần chiếu một tập, mỗi mùa chừng mười mấy tập, khán giả thích thì làm tiếp, mà họ còn mạo hiểm khi mạnh dạn đầu tư cho thể loại musical với một dàn diễn viên ngôi sao. Nhưng mạo hiểm nhất có lẽ là việc họ chọn hai đạo diễn chưa từng làm phim và giao trọng trách lèo lái bộ phim này. Nhà sản xuất đã chịu chơi đến vậy, thì mình phải chịu chơi cùng thôi chứ sao 🙂

Kể từ khi trở về Việt Nam sau khi học điện ảnh tại Mỹ, anh đã làm phim ngắn, làm đạo diễn hậu trường, phó đạo diễn, rồi dự án YxineFF, nay là một bộ phim truyền hình. Nhưng những người quan tâm đến anh vẫn chờ đợi một dự án phim chiếu rạp. Cách đây mấy năm em đã nghe đến một kịch bản từ tác phẩm của Đoàn Minh Phượng, do BHD sản xuất, đến nay thì mọi sự đã tiến triển đến đâu rồi?

Làm phim chiếu rạp phức tạp hơn nhiều vì kinh phí thì tốn kém hơn, đầu ra thì khó khăn hơn, thị trường thì khó đoán hơn. Các hãng phim cũng e ngại làm việc với các đạo diễn đầu tay nữa. Mình thì lại còn bị cái tật loay hoay, lúc thì muốn làm phim thị trường, lúc thì nhận ra thật ra mình chỉ thích làm phim mình thích mà cái mình thích thị trường không có thích. Ví dụ như “Mưa ở kiếp sau” chuyển thể từ truyện của chị Đoàn Minh Phượng chẳng hạn, hầu hết các hãng phim đều lắc đầu bảo kén khách. Cứ loay hoay loay hoay hoài nên chẳng đi tới đâu.

Việc làm phim chiếu rạp ở Việt Nam với các đạo diễn trẻ có lẽ là một áp lực rất lớn. Áp lực từ lúc có được kịch bản tốt, tìm kiếm nhà đầu tư đến khi phim ra rạp thì áp lực về doanh thu, cái nhìn của truyền thông, nhà phê bình. Đã có nhiều đạo diễn trẻ làm tốt như Khắc Huy với Đường đua nhưng bộ phim không mang về doanh thu tốt. Anh sẽ chọn lựa cho mình con đường như thế nào để tiếp tục cho dự án phim chiếu rạp đầu tiên?

Giờ thì chăm chỉ viết kịch bản, viết xong rồi tính. Mấy dự án trước nói xong không làm được nên thôi kỳ này làm xong hẳn nói 😀

Đạo diễn phim Việt Nam (trong nước và Việt kiều) nào hiện nay mà anh cảm thấy khâm phục về cách họ làm phim, truyền tải câu chuyện của mình đến khán giả một cách thú vị nhất?

Thật sự khâm phục thì cũng không biết có ai, nhưng mỗi người mình học một chút. Mình học được từ Dũng Khùng cái sự duyên dáng nhưng ẩn sau cái cười là câu chuyện trăn trở của Dũng về xã hội; học được ở Đãng sự sôi nổi, trẻ trung, lãng mạn gần với khán giả trẻ; học được ở Charlie cái duyên hài mà có lẽ không đạo diễn Việt Nam đương đại nào qua được anh; học ở Hàm Trần cách giữ nhịp và tiết tấu của phim; học ở Di sự táo bạo và đi tới cùng của cảm xúc; học ở anh Trần Anh Hùng một lối kể chuyện khác, trong đó câu chuyện chỉ là thứ yếu, cảm giác mới là quan trọng…

Việc theo học điện ảnh tại Mỹ, theo anh, có ý nghĩa như thế nào? Theo anh, muốn làm phim chuyên nghiệp có nhất thiết phải ra nước ngoài học hay không?

Nó cho mình một cơ hội được sống ở một môi trường khác, một lối sống khác, một nền văn hóa khác. Nói chung, không chỉ vấn đề là học điện ảnh, mình nghĩ, đi học ở Mỹ cho mình cơ hội mở rộng đầu óc và tầm nhìn. Đi học nước ngoài có cái hay là mình học được thêm những cách làm phim khác, và từ đó mình chọn ra cách nào tốt nhất cho mình, phù hợp với môi trường mình đang làm việc, để tạo ra sản phẩm tốt nhất, hiệu quả nhất. Thế nhưng, học ở Việt Nam có cái hay khác là bạn sẽ có bạn bè. Làm phim, một trong những yếu tốt quan trọng là êkip, và học ở trường điện ảnh ở Việt Nam cho phép các bạn trẻ có cơ hội xây dựng một êkip có cùng trình độ và hiểu nhau.

Thỉnh thoảng anh hay lên mạng xã hội để “ý kiến” về cách viết báo, đặc biệt là báo mạng. Anh có e ngại khi phim mình trình chiếu sẽ bị trả đũa hay không?

Hồi xưa thì cũng có giai đoạn mình sợ, nhưng giờ thì không lo lắng. Mình nghĩ mình ý kiến người ta nhiều rồi thì cũng phải cho người ta cơ hội ý kiến lại chứ :)) Ai cũng có công việc của mình, mình làm phim thì mình lo làm phim cho tốt, nhà báo viết bài thì họ cứ viết sao cho họ có độc giả, có tranh cãi, có lượt view thôi. Vả lại, mình nghĩ rằng phim làm xong là xong, ai khen mình thì mình thích, ai chê mình thì mình kệ, ai đóng góp ý kiến thì mình lắng nghe, thế thôi. Mình cũng quen bị “ném đá” rồi, mỗi lần phim nào mình tham gia, từ Cưới ngay kẻo lỡ đến Mỹ nhân kế đến Thần Tượng, mình cũng đặt mình vào vị trí “nếu mình là đạo diễn thì sao?” cả. Riết rồi quen, thấy bị “ném đá” cũng vui mà, có chuyện để tranh cãi. Gì chứ mình cũng hay bị mọi người nói sao thích cãi nhau, chắc tại số mình cung Xử nữ  😀

Tags:

One thought

Leave a Reply