cafe_tamtu2

1. Mấy hôm trước tui có viết trên facebook của tui cái này…

Thấy trên báo mạng bảo có cái lá thư của bạn du học sinh Nhật viết gì đó làm dân cư mạng dậy sóng, các bạn đua nhau share. Tui đã đọc từ hôm qua, thấy nó tầm thường chẳng có cái gì mới mẻ ngoài chuyện bạn Việt Nam nào đó giả dạng thành người Nhật viết lá thư là có chút sáng tạo, vậy mà hôm nay nó thành hiện tượng. Tui thấy thiệt tồi tệ cho một thế hệ. (Nhân tiện, lịch sử Nhật Bản họ tin rằng được bắt nguồn từ năm 12.000 TCN, cho nên bạn viết lá thư đó nếu là người Nhật thì hẳn phải dốt sử Nhật lắm luôn, còn không thì là một bạn Việt Nam chưa có trình độ giả dạng người khác cho lắm, nên mới bảo là Việt Nam có bề dày lịch sử 4000 năm còn lịch sử Nhật Bản thì mới đây hahahaha).
Vì sao tồi tệ cho một thế hệ? Vì những thứ viết trong lá thư đó thật ra ngày ngày báo chí vẫn nói, bạn bè quay tui vẫn nói, nhưng phải chờ đến một bạn người Nhật (dù thật hay giả) thì các bạn trẻ mới sục sôi lên. Nếu đây là một lá thư của một bạn Việt Nam thì hẳn bạn ấy đã bị ném đá vỡ đầu. Không tội nghiệp sao cho một thế hệ mà hễ người nước ngoài nói gì là cũng cúi đầu nhục nhã công nhận, trong khi những người trong nước nói thì đều bị ném đá không thương tiếc.
Không tội nghiệp sao được khi các bạn Việt Nam rất dễ bị nhục với thế giới. Một thằng ăn cắp người Việt Nam nào đó ra nước ngoài bị bắt, thế là nhân dân nhao nhao lên “trời ơi nhục quá” trong khi trong nước ăn cắp như rươi, đến cả quan chức công an cũng ăn cắp thì chả thấy nhục gì cả, im re chả dám hó hé. Thằng ăn cắp kia thì liên quan gì đến mình mà phải nhục, ai phong cho nó quyền đại diện cho cả nước mà phải nhục, nó không nhục thì thôi chứ việc gì mình phải nhục.
Thế nhưng, nhục rồi thì thôi, để đó. Cũng chẳng thay đổi gì. Chẳng biết xếp hàng. Chẳng bớt chen lấn. Chẳng dám chịu nhận lỗi để công an lập biên bản mà vẫn nhét nhét tiền xong về nhà viết lên facebook “mới bị bọn cướp ngày chó vàng ăn mất mấy trăm ngàn, bà con đi đường nhớ cẩn thận, quẹo ở đường Huyền Trân Công Chúa nhớ bật đèn xi nhan” Ủa, quẹo ở đâu thì cũng phải bật đèn mà, luật giao thông ghi rõ như vậy. Muốn công an không ăn hối lộ nữa thì bản thân mình đừng hối lộ. Một thế hệ hở miệng ra là đổ thừa “tại xã hội mình nó thế” “hệ thống cả rồi”.
Bao giờ mới có một thế hệ dũng cảm dám hành động, dám sống ngay thẳng, dám chịu thiệt thòi bản thân để lập lại một trật tự đúng của xã hội? Khi mà cơ thể đã bị ung thư ăn mòn, thì muốn chữa nó phải chịu đau đớn, đôi khi phải chấp nhận cắt mất một phần cơ thể.
Thay vì ngồi share cái lá thư của cái bạn người Nhật, tui nghĩ, các bạn hãy suy nghĩ xem, các bạn sẽ làm gì cụ thể để thay đổi bản thân mình cho một xã hội tốt đẹp hơn. Nó khó hơn, đòi hỏi nhiều sự dũng cảm hơn, nhưng tui nghĩ nó thiết thực hơn việc các bạn cứ ngồi ca thán về đất nước của mình như vậy.

cafe_nhatban

(có mấy bạn nói rằng, người lớn hãy đọc tâm thư để dạy lại con em của mình. Có bạn cũng bảo, sau này mình sẽ dạy con mình sống tốt hơn. Không thấy bạn nào nói, tui sẽ tự dạy bản thân mình phải sống tốt hơn. Ai cũng chờ đợi vào thế hệ sau, không thấy ai muốn thay đổi từ thế hệ này cả….)

2. Số trời sắp đặt sao đó, ngay sau vụ “tâm thư người Nhật” là vụ tiếp viên hàng không Việt Nam bị phía Nhật Bản tố cáo ăn cắp. Ta nói, lại dậy sóng cư dân mạng, ném đá thôi rồi các cô tiếp viên hàng không, rằng thật là nhục cho quốc thể, dân Việt quen thói ăn cắp, giờ ra nước ngoài cũng ăn cắp, nhiều người hùng hồn đề nghị phải công khai danh tính của các tiếp viên hàng không… Mà số trời sắp đặt sao đó, cùng lúc với vụ tiếp viên hàng không ăn cắp ở Nhật, là vụ phía Nhật Bản tố cáo quan chức ngành đường sắt Việt Nam đòi ăn hối lộ để đổi lấy dự án. Xét về mức độ nghiêm trọng và thể diện quốc gia thì dĩ nhiên các cô tiếp viên sao so bằng các ông quan chức nhà nước. Xét về số tiền ăn cắp thì dĩ nhiên mấy món hàng xách tay của các cô cũng chẳng thấm thía gì. thế nhưng cư dân mạng tuy vậy chứ vừa hẹn vừa nhục chả mấy đứa dám lồng lộn ném đá quan chức, đòi phải công khai danh tính bọn quan tham. Nói chung, sự đời là vậy.

nhatbantamth

3. Mấy hôm trước tui có đọc một câu chuyện này, tui thấy rất hay. Nó đúng với cái câu chuyện mà tui nói ở đầu. Nhiều bạn hay đổ lỗi cho hệ thống, cho xã hội, cho đất nước, nhưng ít bạn hiểu ra rằng, thật ra, nếu mỗi cá nhân tự thay đổi thì xã hội sẽ thay đổi. Vì vậy tui muốn đăng lại ở đây bài viết của bạn Đặng Hoàng Giang (Phó giám đốc CECODES – Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển).

Chúng ta bị thu hút bởi những người xuất chúng và nổi tiếng, chúng ta dễ rơi vào tâm lý chờ đợi, phó thác. “Cái thể chế này nó thế!” Chúng ta nói, và khoanh tay chờ đợi.

Những người cuối đường đua

Mỗi khi có dịp tới xem một cuộc chạy marathon, tôi thường không quan tâm lắm tới người vô địch và liệu anh ta có phá được kỷ lục này nọ hay không. Tôi thấy những người về chót thú vị hơn nhiều. Lần nào cũng vậy, khi những người thắng cuộc đã lên bục nhận giải, chụp ảnh, trả lời TV, rồi đã về nhà tắm rửa xong, thì nhóm người này vẫn hì hục, nhẫn nại ở những cây số cuối cùng. Tôi đứng ở ven đường để ngắm lòng quyết tâm đầy đau đớn của họ.

Thường khi họ rẽ vào khúc ngoặt cuối cùng dẫn tới đích thì các băng rôn đã được tháo xuống từ lâu, cũng không còn ai đứng ở vạch đích để bấm thời gian cho họ, và người xem cũng đã ra về gần hết rồi. Bám sát gót những người đang lê lết này là các nhân viên vệ sinh khua chổi quét đường.

Tôi không để ý tới những người về đầu vì họ là dân chuyên nghiệp, họ sinh ra để dẫn đầu, họ có tố chất để làm điều siêu phàm.

Những người về cuối thì hiểu rằng họ không có vai trò gì trong cái cuộc thi thố này. Họ chẳng đem lại vinh quanh cho ai, mà thất bại của họ cũng không làm ai mảy may quan tâm. Động cơ để họ cắn răng lê bước tiếp không phải là những gửi gắm của một tập thể, chẳng phải là danh dự của một quốc gia, hay danh tiếng của bản thân mà họ cần phải bảo vệ. Họ đơn thuần bướng bỉnh và có thể là hơi điên rồ. Họ tiếp tục chỉ vì bỏ cuộc không phải là lựa chọn của họ.

Cái bướng bỉnh và điên rồ của những con người bình thường này có cái gì đó thật lôi cuốn tôi. Nó làm tôi liên tưởng tới câu chuyện mà tôi mới được biết về em bé 6 tuổi da đen Ruby Bridges – cũng là một cuộc chạy marathon, nhưng ở dạng khác.

thể chế, cơ hội, nỗ lực, quyết tâm
Bao giờ rụng quả ơi?

Kẻ bướng bỉnh cô đơn

Vào cuối những năm 1950, bang New Orleans ở Mỹ đã xoá bỏ sự phân biệt mầu da ở các thư viện, trên xe buýt và ở các công viên công cộng, duy ở các trường học thì vẫn không. Năm 1960, một toà án liên bang ra quyết định bắt chính quyền bang này phải cho phép học sinh da đen tới các trường vốn dành cho da trắng. Ruby đăng ký học lớp Một ở một trường gần nhà. Em sẽ là học sinh da đen đầu tiên và duy nhất của trường vào năm đó.

Ngày nhập trường, bốn cảnh sát toà án liên bang hộ tống Ruby và mẹ em tới trường trong một chiếc xe limousine lớn. Đợi họ ở cổng trường là một đám đông da trắng giận dữ, gào thét, chửi rủa.

Xuống xe, hai cảnh sát đi trước, hai đi sau để bảo vệ, họ đi dọc những bức tường đầy vết cà chua và những dòng chữ thoá mạ. Một người đàn bà da trắng gào lên “Tao sẽ đầu độc mày, tao sẽ tìm được cách.” Nhớ lại hành trình đi qua đám đông hung dữ đó, một cảnh sát liên bang nói về Ruby: “Em không khóc. Em không thút thít. Em chỉ xốc bước đi cùng, như một người lính bé nhỏ. Tất cả chúng tôi đều rất tự hào về em.”

Cả ngày hôm đó, hai mẹ con không dám bước chân ra khỏi phòng hiệu trưởng. Qua vách kính, họ chứng kiến cảnh các phụ huynh da trắng xông vào trường và giận dữ kéo con mình ra ngoài.

Ngày hôm sau, cảnh sát lại hộ tống Ruby, đám đông da trắng lại gào thét ở cổng trường. Ám ảnh nhất với Ruby là hình ảnh một chiếc quan tài với một búp bê da đen nằm bên trong. Bên trong trường vắng tanh, không có một học sinh nào khác ngoài em. Toàn bộ các giáo viên cũng từ chối đứng lớp. Toàn bộ, trừ một cô giáo trẻ tên là Barbara Henry. Hôm đó, cô bắt đầu dạy bảng chữ cái, như trước một lớp học bình thường. Và trong một năm học đó, ngày này qua ngày khác, lớp chỉ có một thầy một trò.

thể chế, cơ hội, nỗ lực, quyết tâm
Em Ruby Bridges, 6 tuổi, vào học lớp một năm 1960 dưới sự bảo vệ của cảnh sát liên bang Mỹ (Ảnh: Internet)

Đọc những dòng trên thật là dễ dàng, chỉ vài giây là xong. Nhưng chúng ta hãy dừng lại một chút để hình dung ra những gì mà Ruby và gia đình em đã trải qua. Một năm trời lủi thủi một mình, không có bạn chơi, một năm trời một đứa bé lớp một hứng chịu sự căm thù của người lớn.

Cái giá phải trả không phải chỉ là sự cô đơn và khủng bố tinh thần mà Ruby 6 tuổi phải trải qua hàng ngày. Bố Ruby bị đuổi việc vì sự cả gan của mình. Cửa hàng thực phẩm quen từ chối bán hàng cho mẹ em. Ngay cả ông bà của Ruby ở Mississipi cũng bị đuổi khỏi mảnh đất mà họ đã thuê để trồng trọt trong 25 năm qua, khi câu chuyện lan tới bang này.

Trong năm đó, mỗi ngày là một cơ hội để Ruby chuyển sang trường tiểu học khác, nơi các bạn da đen của em đang học với nhau, và cuộc sống sẽ trở lại bình thường, sẽ như cũ. Bố mẹ của Ruby không phải những người hoạt động xã hội hay tham gia chính trị gì. Với một đứa bé 6 tuổi, với một gia đình lao động nghèo và ít học, sự cám dỗ để bỏ cuộc lớn tới mức nào. Thật khó mà lý giải được sự bướng bỉnh và điên rồ của họ. Họ vẫn tiếp tục vì bỏ cuộc không phải là lựa chọn của họ. Vì “như cũ” không phải là điều họ muốn.

Chúng ta hay có xu hướng bám lấy những người siêu phàm, những người được cho rằng một tay thay đổi thế giới, mà bỏ qua câu chuyện của những kẻ người trần mắt thịt như chính bản thân chúng ta, những người lê lết đau đớn ở cuối đoàn marathon, những người như em Ruby.

Chúng ta bị thu hút bởi những người xuất chúng và nổi tiếng, chúng ta dễ rơi vào tâm lý chờ đợi, phó thác. “Cái thể chế này nó thế!,” Chúng ta nói, và khoanh tay chờ đợi. Chúng ta đợi một Lý Quang Diệu mới xuất hiện để bộ máy công quyền trơn tru hơn, đợi một Mẹ Theresia mới để lòng tử tế nảy nở trong cộng đồng, đợi một Martin Luther King mới để sự bình đẳng được lan truyền trong xã hội.

Dạng tâm lý này không chỉ đặc trưng cho những việc ngoài xã hội. Với cuộc sống riêng của chúng ta, ta cũng xử sự như vậy.

Khi Ruby lên lớp hai, em không cần cảnh sát liên bang hộ tống nữa. Không còn đám đông la ó trước cổng trường nữa. Trẻ em da trắng lại tới trường, cùng với Ruby và thậm chí cả vài học sinh da đen khác nữa.

Điểm chung của cuộc vật lộn của những con người vô danh này là họ hành động vì họ cho rằng họ cần làm như vậy, không phải vì có người khác nhìn vào họ, trông chờ vào họ, hay trao nhiệm vụ cho họ. Họ không đại diện cho ai cả, và có lẽ sự kiên cường của họ đến từ điểm này. Những cuộc marathon bướng bỉnh và điên rồ của những con người bé nhỏ, nếu may mắn như trong trường hợp của Ruby thì được nhắc tới trong một chú thích bé tí của lịch sử, nhưng phần lớn xảy ra âm thầm, không ai biết tới.

Nhưng tôi tin rằng không có họ thì cũng không có thay đổi trong xã hội.

4. Vậy bạn có muốn là một trong những người vô danh làm thay đổi xã hội tốt đẹp hơn không? Hành động đi!

Tags:

Leave a Reply