image_mitt

1. “Cuộc đời bí mật của Walter Mitty” không phải là một phim hay xuất sắc. Nhưng nó là một phim đầy cảm hứng, nó khiến tui cười, tui xúc động, tui thấy muốn bước ra khỏi rạp, leo lên máy bay và đến một đất nước khác, bắt đầu một hành trình vô định của mình, bất chấp hết mọi thứ, bỏ lại tất cả sau lưng.
Tui còn nhớ lần đầu tiên tui xem trailer của bộ phim này. Đó cũng chính là lần đầu tiên tui biết đến nó. Tui chưa từng nghe một điều gì về bộ phim cho đến phút giây tui ngồi trong rạp BFI: IMAX ở London, trong buổi trưa chiều ẩm ướt đầu tiên ở thành phố này trong khi chờ đợi xem Công viên khủng long. Khung cảnh hùng vĩ trên màn hình khổng lồ trong đoạn trailer ngắn ngủi về một chàng trai chưa từng đi đâu, làm gì đáng nhớ trong cuộc đời hơn 40 năm của mình nhưng lại đầy những tưởng tượng bay bổng đã ôm lấy tui. Nói không phải làm quá chứ ở cái phút giây ấy, tui đã xúc động muốn rơi nước mắt.
Bởi đơn giản, tui thấy mình trong Walter Mitty.

Tui là một người rất nhát. Tui rất thích được đi du lịch khắp nơi, thích những chuyến đi phiêu lưu mạo hiểm. Thích băng rừng lội suối. Thích trở thành người hùng chống cái ác. Thích đứng lên ra tay nghĩa hiệp, trừng phạt bọn gian tham. Tất cả những thứ ấy luôn hiện hữu trong trí tưởng tượng của tui. Tui hay ngồi thẫn thờ trong lớp, trong công viên, ở quán cà phê, hay nằm trên giường nhìn lên trần, và tưởng tượng về những hành động vĩ đại mà mình muốn làm, đôi khi, xem cả bộ phim mà mình chưa từng bao giờ làm nhưng luôn muốn sẽ làm nhưng cũng chưa bao giờ chịu làm. Tui chỉ tưởng tượng.
Tui cũng như Walter Mitty vậy. Tưởng tượng về mọi thứ, nhưng quá nhút nhát, quá thiếu dũng khí, để làm bất kỳ điều gì trong đời mình.
Walter Mitty là một nhân viên phòng in tráng phim âm bản của tạp chí Life. Anh cần mẫn làm việc ở đó 16 năm. Mỉa mai thay, trái với tôi chỉ của tờ tạp chí Life nơi anh làm việc, “To see the world, things dangerous to come to, to see behind walls, to draw closer, to find each other and to feel” (Để nhìn thế giới, đối mặt với hiểm nguy, nhìn xa hơn, xích lại gần hơn, để tìm thấy nhau, và cảm nhận nó”, Walter chưa hề đi đâu, làm gì đáng nhớ trong đời. Ngay cả với bản sơ yếu lý lịch anh đăng ký trên một trang web tìm bạn tình trên mạng, anh cũng không biết phải ghi gì ở đó. Walter đăng ký một tài khoản trên website này, bởi anh thầm thương trộm nhớ một cô gái làm chung nhưng chưa bao giờ dám bắt chuyện. Những cuộc trò chuyện với cô, những hành động chinh phục cô một cách anh hùng đầy tính phiêu lưu và sáng tạo chỉ nằm trong trí tưởng tượng của anh, là những lúc anh “thoát xác”.
Có lẽ cuộc đời của Walter Mitty sẽ mãi mãi ở văn phòng, và chỉ ngắm cô gái anh yêu thích từ xa, và chìm đắm trong những giấc mơ ngày kỳ ảo, nếu không có sự kiện định mệnh ấy: tạp chí LIFE sẽ đóng cửa, và ấn bản cuối cùng sẽ có tấm ảnh bìa là bức ảnh của nhiếp ảnh gia huyền thoại Sean O’Connell đã gửi về toà soạn. Tấm ảnh từ tấm phim thứ 25 trong cuộc phim. Và Mitty không tìm thấy nó. Anh buộc phải đi tìm Sean. Anh buộc phải trèo đèo lội suốt băng rừng vượt biển, nhảy lên trực tăng, đánh nhau với cá mập chạy đua với núi lửa, đúng nghĩa với chính triết lý của tạp chi Life “Để nhìn thế giới, đối mặt với hiểm nguy, nhìn xa hơn, xích lại gần hơn, để tìm thấy nhau, và cảm nhận nó”, những cuộc phiêu lưu mạo hiểm ly kỳ mà có lẽ ngay cả trong tưởng tượng Mitty cũng không thể nào hình dung ra được. Và điều thú vị là, nó tuyệt vời, ly kỳ, xúc động hơn những gì xảy ra trong trí tưởng tượng.

Nếu bạn chưa xem phim, bạn có thể dừng đọc tại đây, vì phần dưới có những tiết lộ quan trọng của phim.

2. Tui cũng như Mitty. Đôi khi cuộc đời phải thúc vào đít thì mới đi. Cảnh tuyệt vời nhất trong bộ phim này, với tui, là khi ở Greenland, cô bạn gái trong mơ của anh cất tiếng hát ca khúc Space Oddity của David Bowie, khi mà anh từng bước lưỡng lự với quyết định có lẽ là liều lĩnh táo bạo nhất trong cuộc đời anh rồi lao đi, nhảy lên chiếc trực thăng dẫu biết viên phi công thì say xỉn, còn cơn bão thì đang đến. Khung cảnh, màu sắc, diễn xuất, âm nhạc, lời bài hát, nhịp điệu, tất cả tổng hoà để đẩy cảm xúc dâng trào, để cho người xem như tui ước mơ rằng, mình có thể nhấc chân lên, lao đi, nhảy lên chiếc trực thăng kia, bỏ lại mọi thứ sau lưng mà chẳng cần biết đích đến sắp tới là gì….

Tui nghĩ rất nhiều đến những chuyến đi của tui. Những chuyến đi đôi khi đến không hoạch địch. Những lần đi lạc ở nơi xa lạ. Những lúc lang thang một mình ở Venice mà tiếng Ý không biết, tiếng Anh lõm bõm, những đêm lang thang ở Tokyo trong những con hẻm thơm mùi hoa là lạ không biết sẽ dẫn mình tới đâu, nhớ đến đêm ở Paris đi về muộn nên tàu điện đóng cửa và đi bộ từ trung tâm về tới nhà nằm xa tít mù. Tui rất thích những lúc như thế, nhưng chưa bao giờ một lần chủ động đẩy mình vào vì sợ hãi, vì ngại ngùng. Có những lúc muốn lao ra ngoài kia, để “đối mặt với hiểm nguy, nhìn xa, và xích lại gần hơn”, nhưng cuối cùng ngồi nhà trùm chăn ôm ipad nhìn facebook.

Xem cảnh Mitty trượt ván lao đi trên những con đường men theo triền núi vòng vèo, tui nghĩ đến những chuyến đi sắp tới của mình. Tui không biết rằng liệu tui đã sẵn sàng cho những khám phá mạo hiểm tiếp theo của mình hay chưa, nhưng tui biết mình sẽ có thêm chút động lực để dấn thân vào đó.

3. Điều đáng tiếc của Walter Mitty, là lẽ ra bộ phim hẳn sẽ hài hước hơn bởi tràn ngập trong phim là những cơ hội hài hước, nhưng có lẽ Ben Stiller muốn có một phim nghiêm túc để đời hơn. Khi tui xem Walter Mitty, tui có cảm giác nhớ đến Truman Show của Jim Carrey, một bộ phim hài nghiêm túc, một bộ phim hài buồn bã của Jim. Walter Mitty có cái sự nghiêm túc và hơi buồn đâu đó trong tiếng cười, nhưng dường như Ben Stiller tiết chế rất nhiều sự hài hước. Peter Debruge, cây viết của tờ Variety cũng chỉ trích điều này. Ông nhận định bộ phim này thiếu hẳn sự mỉa mai châm biếm của truyện gốc (tui chưa đọc), và đánh giá bộ phim giống như một quảng cáo dài cho thông điệp “Just Do It – Cứ Làm Đi” cho đối tượng tuổi trung niên. Mà đúng thiệt. Tui xem phim mà thấy khí thế hừng hực muốn lên đường!!!

Nhưng Ben lại rất thành công trong việc đem đến những khoảnh khắc rung động lắng đọng. Như khi Walter gặp Sean ở đỉnh Himalaya đang ngồi phục chờ con báo tuyết. “Hãy tận hưởng khoảnh khắc”, Sean nói. Sean đã phục chờ loài báo tuyết luôn thoắt ẩn thoát hiện, đến mức người ta gọi nó là báo ma, nhưng anh cũng để nó trôi qua, bởi tận hưởng khoảnh khắc đó còn tuyệt vời hơn việc bị làm phiền với những tiếng lách cách của máy ảnh, nó cũng như việc anh bình tĩnh khi nghe Mitty vứt mất tấm phim số 25 và rủ Mitty chạy đi đá banh vậy.

image_mitty_01

Nó làm tui nhớ đến bà cô Brenda Goodman của tui ở USC. “Cuối cùng, nó cũng chỉ là một bộ phim”, cô nói trong lớp 546, lớp làm phim ngắn theo nhóm của năm thứ hai. “Đừng hy sinh mọi thứ vì nó”. Bởi có đứa học sinh đã vì quá lo lắng cho bộ phim mà tổn hại đến sức khoẻ. Tui thì không nghĩ đến chuyện sức khoẻ. Tui hay nghĩ đến những thứ khác trong đời, ngoài phim ảnh, vì thật ra tui thấy trong đời của tui quanh đi quẩn lại chỉ toàn phim ảnh. Tui nhớ đến nó, vì tui thấy rằng, đôi khi vì một cái phim, vì một cái gì đó đôi khi thật ra không có quá quan trọng, chúng ta đánh mất những thứ khác. Chẳng hạn như những khi một bộ phim Việt Nam ra đời, nhất là những bộ phim tui có tham gia, hay những người quen tui có tham gia, đôi khi tình cảm của chúng tôi bị sứt mẻ, đôi khi tui mất cả tình bạn của mình…

Cuối cùng, nó chỉ là một bộ phim. Cuối cùng, nó cũng chỉ là một tấm phim.

4. Mặc dù tui đã đoán được lờ mờ tấm phim đó là gì, tui vẫn xúc động khi nhìn thấy nó. Thật sự, tui đã ứa nước mắt. Có lẽ vì tui nhạy cảm. Cũng có lẽ, vì tui đã từng làm báo và tui hiểu được nghề làm báo có ý nghĩa thế nào (mà cũng vì thế mà tui rất ghét những bọn mang danh nhà báo nhưng thực chất là bọn con vẹt đang làm hỏng bét báo chí nước nhà), và ý nghĩa của tờ báo cuối cùng thế nào. Tui đã rất buồn vì không được tham gia vào số báo cuối cùng của tờ báo mà tui từng làm thư ký toà soạn, một tờ báo mà tui tự hào đã cùng êkip của mình tạo nên một thương hiệu, một đẳng cấp. Tui đã ngồi lại ngẩn ngơ với những hình ảnh cuối cùng của bộ phim chạy trên credit và nghĩ về tờ báo của mình. Tui buồn vì tui cũng nghĩ đến sự kết thúc của những tờ báo chính thống, như tờ Sài Gòn Tiếp Thị chẳng hạn.

5. Walter Mitty không phải là một phim hay xuất sắc. Tui cảm động vì tui có quá nhiều liên hệ cá nhân với bộ phim. Thế nhưng, một câu chuyện nhẹ nhàng, có chút hài hước, có chut1 cảm động, có chút cảm hứng, với những khung cảnh tuyệt đẹp hùng vĩ, từ những thành phố siêu cấp ở Mỹ đến những vùng quê ở xứ Iceland, với những bản nhạc indie rất “chất” cũng có thể đem đến cho bạn một nguồn cảm hứng tươi mới sảng khoái cho những ngày đầu năm. Nó tương tự như giữa một bàn đầy những món ăn đầy dầu mỡ, thịt thà của mùa phim cuối năm, bỗng tìm thấy một đĩa salad trái cây thanh mát vậy.

PS 1: Phần opening sequence của bộ phim được làm tuyệt vời, một trong những phần mở đầu phim hay nhất của năm.

PS 2: Hãng Twentieth Century Fox thuê Casey Neistat, một nhà làm phim trẻ nổi danh từ Youtube, làm một video quảng bá cho phim dựa theo ý tưởng “sống với giấc mơ đời mình”, nhưng Neistat đề xuất, thay vì dùng 25.000 đô kinh phí này để làm quảng cáo, chi bằng đem hết số tiền này cứu trợ cho nạn nhân của cơn bão thế kỷ ở Phillipines. Hãng Fox đồng ý, và Neistat đã thực hiện đề xuất của mình.

Dưới đây là đoạn video ghi lại hành trình từ thiện của Neistat. Nói thiệt là tui cũng xúc động vì cái video này.

Tags:

One thought

  • tieukhuyen

    Cuối cùng anh Phan cũng viết blog lại, những bài viết của anh em rất thường hay theo dõi. Tình cờ biết đến blog phanxine cũ của anh hồi năm 2009, từ đó mỗi lần lên mạng em vẫn thường ghé vào đây, những dòng suy nghĩ, cảm nhận và trải nghiệm của anh khiến em cảm thấy rất chân thật, gần gũi và đầy dí dỏm….keep going anh nhé^^

Leave a Reply