phim_2017
Năm 2017 sẽ là một năm đầy hứa hẹn của điện ảnh Việt Nam. Tui tin là vậy.
Nhìn vào tên các bộ phim đang làm hậu kỳ, đang quay, và rục rịch chuẩn bị bấm máy cho năm nay, tui thấy không ít những tín hiệu tốt. Nhìn vào những cái tên đạo diễn trẻ, với các dự án phim độc lập của các bạn, tui càng tin rằng năm 2017 sẽ là một năm cột mốc của điện ảnh Việt Nam ở trên bản đồ điện ảnh quốc tế. Năm nay đánh dấu lần đầu tiên ở một LHP danh giá hàng đầu thế giới chọn lựa dự án của Việt Nam – mà ở thời điểm hiện tại, tui sẽ phải chờ thêm vài tháng để có thể chính thức tiết lộ thông tin này. Bạn hãy nhớ những cái tên này, bởi hôm nay có thể bạn chưa từng nghe đến họ, nhưng chỉ trong năm nay và trong vài năm sắp tới, bạn sẽ biết rõ hơn về họ: Phạm Ngọc Lân, Lê Bảo, Trần Dũng Thanh Huy, Lê Bình Giang, Trương Minh Quý, và Ash Mayfair Nguyễn Phương Anh.
Lê Bình Giang với bộ phim “KFC”, bộ phim dài được phát triển từ bộ phim ngắn tốt nghiệp cùng tên (đã “giúp” cho Giang không được tốt nghiệp trường SKDA TP. HCM) được chọn trình chiếu tại các LHP Quốc Tế, mà danh giá nhất đến nay là LHP Rotterdamn ở Hà Lan. Giang cũng đang chuẩn bị cho bộ phim dài thứ hai của mình, một phim thương mại được phát triển từ dự án mà Giang trình bày tại Gặp Gỡ Mùa Thu 2015.
Bộ phim dài “Thành phố những tấm gương: Một tiểu sử hư cấu” của Quý đã bắt đầu hành trình chu du các LHP Quốc Tế, từ LHP Busan 2016, và vẫn tiếp tục tham gia các LHP Quốc Tế khác trong năm nay. Cả Quý và Giang đều học chung lớp ở trường SKDA, nhưng một bạn thì bỏ học giữa chừng, bạn còn lại thì không được tốt nghiệp.
Phương Anh đã hoàn tất phần quay bộ phim “Người Vợ Ba”, một dự án phim nghệ thuật kinh phí lớn đầy tham vọng. Trần Dũng Thanh Huy cũng vừa hoàn tất phần quay bộ phim “Ròm”, cũng một dự án phim độc lập ít tiền đầy tham vọng khác. Một phim về xã hội miền Bắc thời xưa kể về cuộc đời một cô bé gái được đưa vào sống trong một gia đình giàu có với cái nhìn từ một nữ đạo diễn trẻ, một phim về xã hội miền Nam hôm nay kể về cuộc đời một cậu bé nghèo bán giấy dò kết quả vé số với cái nhìn từ một nam đạo diễn trẻ.
Lê Bảo và Phạm Ngọc Lân liên tục được chọn lựa vào chợ dự án quốc tế để tìm các quỹ đầu tư cho hai dự án phim dài của họ, hai dự án phim táo bạo và độc đáo, phản ánh một góc nhìn khác về xã hội đương đại và con người đương thời. Bảo sống ở miền Nam, Lân sống ở miền Bắc. Phim của Bảo về những người châu Phi sống ở Việt Nam, phim của Lân nói về những người Việt Nam sống ở nước ngoài rồi trở về nước. Cả Bảo và Lân đều không xuất thân từ trường lớp đào tạo chính quy về điện ảnh, mà họ đến với điện ảnh bằng đam mê bản năng.
Nguyễn Quang Huy chuyển sang làm “ông bầu điện ảnh” với một loạt dự án ấp ủ hai năm nay từ sau “Chàng trai năm ấy” với các đạo diễn trẻ như Nguyễn Thị Thắm, Tạ Nguyên Hiệp, Lê Bình Giang, Leon Lê…
Năm nay, tui cũng mong chờ hai bộ phim nghệ thuật đã gần như hoàn tất và đang đợi chờ kết quả kiểm duyệt để đến với các LHP Quốc Tế và khán giả trong nước: “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng, và “Đảo của dân ngụ cư” của đạo diễn Hồng Ánh. Mặc dù cả hai đạo diễn đều là những người làm nghề phim nhiều kinh nghiệm, nhưng đây là hai tác phẩm đầu tay của họ trong vai trò đạo diễn. Một phim cảm động về hai cha con sống ở miền núi phía Bắc của một đạo diễn từ Hà Nội; một phim đầy bức bối xoay quanh một gia đình của những người tứ xứ của một đạo diễn từ Sài Gòn. Cả hai phim, dù mang dáng dấp “phim nghệ thuật” nhưng không có nghĩa rằng không có các yếu tố khán giả, bởi sự thành công của “Cánh đồng bất tận”, của “Hot boy nổi loạn” những năm trước cho thấy khi một bộ phim chạm đến được cảm xúc của khán giả, bộ phim ấy sẽ lôi kéo người xem đến rạp.
Không thể không nhắc đến “Cha, con và…” của Phan Đăng Di và “Người tình” của Lưu Huỳnh vẫn chưa ra mắt khán giả trong nước (phim của Lưu Huỳnh cũng chưa công chiếu ở đâu, trong khi phim của Di đã chiếu thương mại ở Pháp năm ngoái), và Di đang chuẩn bị bấm máy cho dự án kế tiếp của anh, phim Tiệc trăng tròn.
Thế nhưng, một nền điện ảnh thực sự mạnh và sống được, là một nền điện ảnh mà các phim giải trí thương mại cũng phải mạnh và chất lượng. Năm 2017, ngoài bộ phim của tui làm thì đương nhiên tui cũng đặt vào đó sự kỳ vọng lớn, thì tui còn mong chờ “Bạn gái tôi là Sếp” của Hàm Trần và “Lôi Báo” của Victor Vũ là ba phim thương mại “khủng” sẽ tạo nên cú híc lớn cho doanh thu phòng vé.
Sau “Cô gái đến từ hôm qua”, tui sẽ dồn sức vào dự án phim hoạt hình dài thương mại đầu tiên của Việt Nam, “Dưới bóng cây: Hành trình trở về”, cùng với bạn đạo diễn trẻ Đoàn Trần Anh Tuấn và studioColory Animation. Victor sau “Lôi Báo” cũng sẽ bắt tay vào một dự án bom tấn khá ấn tượng. Charlie Nguyễn sẽ trở lại với một dự án hài hành động, và cả “Tèo em 2”. Nguyễn Quang Dũng cũng đang bắt tay vào một dự án phim tâm lý tình cảm rất đáng mong đợi. Stephane Gauger, từng được biết đến với Cú và chim se sẻ, sẽ bấm máy một phim tình cảm kinh dị. Ngô Thanh Vân cũng sẽ trở về từ Hollywood để bắt tay vào một loạt dự án khá đáng mong đợi.
Nghĩ đến đấy thôi, đã thấy rộn ràng năm 2017 này rồi.

 

Tags:

One thought

  • Phuong

    Mong chờ đến ngày được đến rạp xem phim Việt mới. Chắc chắn mình sẽ đón xem “Cô gái đến từ hôm qua” rồi, để “gặp lại” Miu Lê trong vai diễn mới, “gặp lại” Phanxine 🙂

Leave a Reply