mark-zuckerberg-facebook-profile

1. Nhân ngày sinh nhật Facebook, chú Mark Zuckerberg viết một status cảm ơn thiệt hay và cảm động. Status tạm dịch như sau:

“Hôm nay là kỷ niệm 10 năm của Facebook. Cho đến giờ thì đây vẫn là một hành trình tuyệt diệu, và tôi thấy hạnh phúc vì là một phần của nó. Thật hiếm khi có thể chạm đến cuộc đời của nhiều người, và tôi luôn cố nhắc nhở bản thân mình phải cố gắng hết sức mỗi ngày và tạo nên những ảnh hưởng lớn nhất có thể. Mọi người thưởng hỏi tôi liệu tôi có luôn biết rằng Facebook sẽ trở thành như hôm nay không. Không cách nào. Tôi nhớ hồi nhận bánh pizza cùng bạn bè một đêm nọ thời đi học chỉ ngay sau khi tôi mở Facebook. Tôi nói với họ là tôi rất phấn khích để giúp kết nối cộng đồng trường của chúng ta, nhưng một ngày kia sẽ có người muốn kết nối với cả thế giới. Tôi luôn nghĩ rằng điều đó quan trọng – cho mọi người một quyền lực để được chia sẻ và kết nối, trao họ quyền lực để xây dựng một cộng đồng của riêng họ. Khi tôi nhìn lại 10 năm qua, một câu hỏi tôi tự hỏi mình là: tại sao chúng tôi lại là những người xây dựng điều này? Chúng tôi chỉ là những sinh viên. Chúg tôi từng luôn có ít nguồn lực hơn những công ty lớn. Nếu họ tập trung vào vấn đề này, họ hẳn đã hoàn tất nó. Câu trả lời duy nhất mà tôi có thể nghĩ ra là: chúng tôi quan tâm nhiều hơn. Trong khi một số người nghi ngờ rằng kết nối thế giới thật sự quan trọng đến thế thì chúng tôi xây dựng. Trong khi những người khác nghi ngờ rằng điều này có thể vững bền, thì bạn đang kiến tạo những kết nối cuối cùng. Chúng tôi chỉ quan tâm  việc kết nối thế giới hơn những người khác. Và chung tôi vẫn như thế cho đến hôm nay. Đó là tại sao tôi càng phấn khích hơn về mười năm kế tiếp hơn là mười năm vừa qua. Mười năm đầu chỉ là giai đoạn khởi động cho mạng lưới này. Bây giờ chúng tôi đã có nguồn lực để giúp mọi người trên toàn thế giới giải quyết những vấn đề lớn hơn và quan trọng hơn. Hôm nay, chỉ có một phần ba dân số thế giới có thể truy cập internet. trong thập kỷ tới, chúng tôi có cơ hội và trách nhiệm để kết nối với hai phần ba còn lại. Hôm nay, các mạng xã hội hầu như chỉ là chia sẻ những khoảnh khắc. Trong thập kỷ tới, chúng sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi và giải quyết vấn đề. Hôm nay, chúng ta chỉ có vài cách để chia sẻ những trải nghiệm của mình. Trong thập kỷ tới, kỹ thuật công nghệ sẽ có thể giúp chúng ta tạo ra nhiều cách hơn để ghi lại và truyền tải những kiểu trải nghiệm mới. Thật tuyệt vời khi chứng kiến các bạn dùng những công cụ của chúng tôi để xây dựng nên những cộng đồng thật sự . Các bạn chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc và cả đau đớn. Các bạn bắt đầu những gia đình mới, và tiếp túc nhân rộng sự kết nối gia đình của chúng ta. Các bạn tạo nên những dịch vụ mới và xây dựng những mô hình kinh doanh nhỏ. Các bạn giúp người khác bằng rất nhiều cách. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì có thể giúp xây dựng những công cụ này cho các bạn. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm sâu sắc để dùng hết sức mình và thời gian của mình ở đây để phục vụ các bạn tốt nhất có thể. Cám ơn các bạn đã cho tôi là một phần của hành trình này.

(bản nguyên gốc tiếng Anh xem ở đây)

(nhân tiện, nếu bạn chưa biết, hãy truy cập www.facebook.com/lookback để có một món quà bất ngờ từ facebook trong dịp kỷ niệm này)

cafetandoc

2. Tui thấy có một sự khác biệt lớn giữa những bài diễn văn của các bạn Mỹ và các bạn Việt Nam: các bài diễn văn của các bạn Việt Nam nói chung cũng giống như tình hình học văn của đất nước tươi đẹp của chúng ta vậy: nó giống hệt nhau, như được chép từ văn mẫu. Nó không chỉ giống hệt nhau, nó còn sáo rỗng và vô cảm. Nó có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi bối cảnh, mọi dịp, với những từ ngữ hoa mỹ phô trương. Ngay cả ở những buổi đi đám cưới, người MC dẫn chương trình cũng đọc mỗi một bài diễn văn “Công cha như núi Thái Sơn” ngày này qua tháng nọ, với những câu chúc tụng khuôn sáo “hãy mừng đôi uyên uơng đẹp nhất đêm nay” mặc kệ cho đôi cô dâu chú rể đã trải qua câu chuyện tình yêu lâm ly diễm lệ cỡ nào đi chăng nữa. Mọi đám cưới đều như nhau. Mọi tình yêu đều như nhau. Thực khách mệt mỏi chờ đợi cho xong phần chào hỏi, phần cám ơn của hai gia đình, và cả phần múa balê chả hiểu để làm gì và liên quan gì đến cái đám cưới này. Nó không như những đám cưới ở phương Tây, nơi mà người host đám cưới là một người biết cả cô dâu chú rể, đã chứng kiến những vui buồn của họ, và kể cho những người dự đám cưới những câu chuyện nhỏ về tình yêu ấy, rồi đôi bạn thân, hay anh chị em của cô dâu chú rể lên sân khấu, và kể về những kỷ niệm đẹp (hoặc xấu nữa) của đôi uyên ương, để mọi người hiểu hơn về tình yêu này – một tình yêu có một không hai.

Bởi, ở xã hội đó, tui nghĩ, họ rất quan trọng tính cá nhân.

Cũng như Mark Zuckerberg viết về Facebook kỷ niệm 10 năm vậy. Đó là một trải nghiệm rất mang tính cá nhân của cậu. Đó là những suy nghĩ rất cá nhân của cậu. Nó không lẫn lộn với một bài chia sẻ nào của một CEO nào của một mạng xã hội nào khác.

Nó cũng như khi tôi dự lễ tốt nghiệp của mình ở USC, và Jeffrey Katzenberg đã chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân của ông sau khi tốt nghiệp và tiếp tục “chiến đấu” để đạt được những thành công của hôm nay.

Nó cũng tương tự như bài diễn văn của Steve Jobs tại lễ tốt nghiệp 2005 của ĐH Stanford, một bài diễn văn đầy tính cá nhân nhưng xúc động và ấn tượng mạnh mẽ, mà suốt một bài diễn văn này (mà tôi được xem lại trên youtube) tôi gần như không muốn mình lỡ một khoảnh khắc nào. Không chỉ đầy tính cá nhân, mà bài diễn văn còn hài hước, dí dỏm, nhưng chân thật, tình cảm, và dĩ nhiên, rất ý nghĩa.

(Bạn có thể đọc bản text tiếng Anh ở đây)

Jobs kể ba câu chuyện, và trong câu chuyện đầu tiên, ông kể rằng ông chưa bao giờ tốt nghiệp Đại Học vì bỏ học giữa chừng, lớn lên bên cạnh cha mẹ nuôi chưa hề tốt nghiệp đại học, và một trong những lý do ông bỏ học giữa chừng là vì ông cảm thấy tiếc tiền cha mẹ dành dụm cả đời để mình đi học trong khi mình chưa hề biết mình sẽ làm gì.

Đó không chỉ là một sự chia sẻ, đó còn là một sự mở lòng của một CEO của một hãng sản xuất máy tính hàng đầu thế giới. Jobs không chỉ chia sẻ vê sự ra đời của mình, ông còn chia sẻ về cái chết sẽ đến với mình.

Đó chỉ có thể là bài diễn văn của Job, chỉ ông có thể đọc và truyền cảm hứng đến người nghe.

Nó không phải là một bài văn mẫu.

Bao giờ, những chia sẻ cá nhân mới trở thành một cái gì đó gần gũi và bình thường trong đời sống của chúng ta….

Tags:

6 thoughts

  • Minh Thi

    Em cũng rất thích xem các buổi diễn văn tốt nghiệp. Ngoài bài diễn văn của Jobs thì em còn thích bài của J.K.Rowling, trong đó bà ấy kể lại việc thất bại trong nhiều lĩnh vực đã cho phép bà tập trung vào công việc duy nhất mình yêu thích và có thể làm tốt là tưởng tượng và viết văn. 😀

  • None

    một trong những câu nói kinh điển nhất của phần lớn dân VN hiện nay vẫn là “ông cha ta đã đổ biết bao xương máu để từ đó chúng ta mới được sống trong sự thanh bình ngày hôm nay blah.. blah.. blah.. đội ơn đảng blah blah blah”

  • Bánh bèo

    [Bởi, ở xã hội đó, tui nghĩ, họ rất quan trọng tính cá
    nhân.]

    Đúng là như vậy, và họ không phán xét tính cá nhân này. Trong khi đất nước chúng ta, một xã hội phải hướng theo những hình mẫu như “thanh niên chuẩn” thì những trải nghiệm hay cảm xúc cũng không được phép lệch chuẩn. Vậy nên ta có những sản phẩm na ná nhau, những con người tính cách na ná nhau, và nỗi sợ trở nên khác biệt là thường trực…

  • Quang

    Hồi đó ở vOz có một mem là con gái của một cô giáo dạy Văn, bản thăn cũng là học sinh giỏi Văn và đã từng đi thi học sinh giỏi Văn toàn thành. Một hôm có một vụ tranh luận nảy lửa. Thật ra là trên vOz toàn các ông rảnh hơi nên hôm nào cũng có tranh luận nảy lửa, nhưng hình như topic lần đó là về con bé nào đó đi thi Văn nhưng không thèm viết theo đề bài, mà dành nguyên phần bài làm để nói lên bất mãn về cái đề bài, mem giỏi Văn kể trên hình như thấy có hơi hướm dính tới mảng Văn học của mình nên cũng nhảy vô đổ thêm dầu. Nói chung là mem đó cũng đã cố gắng hết sức để đưa ra lý lẽ của mình, nhưng cái lối viết văn hơn 60-70 dòng không có cách hàng, và lối post như kiểu nói chuyện với bạn, và lập luận chỉ xê xích với chửi lộn, thì rốt cuộc là chẳng thể cãi lại với mấy lão con buôn già làng trên vOz.

    Đó là một trong những câu chuyện có thực mà em thấy tiêu biểu nhất cho cái tình hình học văn mà mình từng trải qua. Học Văn ở Việt Nam không dạy cách viết blog, không dạy cách viết comment. Học Văn ở Việt Nam không dạy cách nói lên suy nghĩ của mình và biện luận cho lý lẽ của mình, mặc dù là có một thể loại văn gọi là văn biện luận được dùng trong các kỳ thi học kỳ.

    Trước khi có trào lưu viết blog, mà nở rộ nhất là yahoo 360, thì gần như khái niệm văn chỉ tồn tại trên sách giáo khoa. Văn hình như không được dùng như một công cụ giao tiếp và truyền tải suy nghĩ…

  • Lily

    Văn của ta bây giờ là cách để nói lên tư tưởng của số đông, đã được quy chuẩn sẵn rồi, không viết khác đi được. Ai dám viết khác đi thì sẽ thấy ……..

Leave a Reply