Children_illustration_3_children_on_grass_Wallpaper__yvt2

1. Hôm nọ tui đi quay một phim tài liệu về chăm sóc răng miệng của các bé học sinh tiểu học. Nhóm các em chúng tôi quay là lớp ba. Sau khi nghe cô giáo giảng về cách đánh răng, vì sao răng bị sâu, làm sao để phòng ngừa sâu răng, chúng tôi phỏng vấn riêng từng em một. Chúng tôi hỏi những câu căn bản như, con đánh răng mấy lần, vì sao mình phải đánh răng, sâu răng thì sao v.v… sau đó hỏi sang phần đòi hỏi chút trí tưởng tượng, như , con hình dung con vi khuẩn sâu răng nó trông thế nào, nó làm gì trong miệng của mình, các hiệp sĩ kem đánh răng làm gì để tiêu diệt vi khuẩn v.v…

Hầu như các bé đều gặp khó khăn trong việc tưởng tượng. Nói đúng hơn, các bé có cùng trí tưởng tượng, đều mô tả giống hệt nhau con vi khuẩn, mô tả hệt nhau hiệp sĩ kem đánh răng, kể cả vũ khi mà nó cầm, kể cả phương thức mà vi khuẩn làm hư men răng, kể cả hành động mà nó sẽ phá hoại răng ra sao, kể cả việc tưởng tượng ra tiếng kêu của con vi khuẩn! Khi tui cố gắng gợi ý thêm, hầu như các bé đều bị “blank face” – nhìn vào mắt các bé và thấy phía sau đó một sự trống rỗng.

Trong số đó, có một bé, miệng lúc nào cũng cười, có chút gì đó ngờ nghệch, nhưng luôn cười rất tươi. Sau phần cơ bản, tui hỏi tiếp “Con hãy tưởng tượng…”, chỉ mới tới đó, bé đã cắt lời “Con không tưởng tượng được đâu”. Tui hỏi nó “Sao con nói vậy”, nó đưa ngón tay lên thái dương, ngoáy ngoáy, và nói “Mọi người nói con bị tâm thần”. Trong những câu trả lời đầu tiên của phần tưởng tượng, bé cũng có câu trả lời như tất cả bạn bè. Thế nhưng khi tui nói, con hãy dùng hành động, hãy thể hiện ra nét mặt, khi cậu bé bắt đầu có những câu trả lời khác. Nó bắt đầu kể về cuộc chiến đấu giữa các hiệp sĩ và bọn quái vật sâu răng, bằng cách đưa hai tay lên thể hiện. Trong một thoáng chốc, nó có thể chìm đắm trong câu chuyện của mình, nhưng rồi có tiếng cười của bạn nó, và nó rớt ra khỏi thế giới đó, quay trở lại, và lại cười ngờ nghệch, lắc đầu, bảo, “con không biết nữa đâu”.

gau-01062011

2. Tui không muốn đánh giá gì về sự sáng tạo của các em bé. Các em được dạy phải nói giống nhau. Các em không được thật sự khuyến khích để sáng tạo. Tui cũng không đánh giá gì cô giáo, vì cô cũng được chỉ đạo phải dạy như thế, cô cũng không được khuyến khích để sáng tạo. Đứa trẻ kia, may mắn, hay bi kịch, tuỳ theo cách mà chúng ta nhìn, không có được ý thức phải sợ hãi để tuân thủ. Trong một tích tắc, tui cũng đã nghĩ rằng, có thể vì em sáng tạo hơn, suy nghĩ khác hơn, nên em bị bạn bè gọi là thằng tâm thần.

Chúng tôi quay trở về lớp học. Đạo diễn muốn cậu bé hay cười kia sẽ đứng lên phát biểu trước cả lớp. Tôi nói với cô giáo tên những em mà đạo diễn muốn, nhưng rồi cô tránh gọi cậu bé. Khi đạo diễn hỏi lại, sao chúng ta không gọi cậu bé, tui hỏi cô, và tui nhìn thấy, rất nhanh, trong mắt thằng nhỏ, có cái gì đó rất lạ nhìn về phía tui, có gì đó háo hức,gì đó muốn được nói, nhưng lại e ngại. Cô nói, em nó không phát biểu đâu anh. Tui quay sang nhìn thằng bé, nó lại cười, rồi quay mặt đi chỗ khác. Và điều mà ba đứa bạn ngồi quanh nó nói nho nhỏ với tui ngay lúc đó làm tui thấy nhói tim “Chú ơi, đừng nó kêu nó, nó bị khùng đó”.

Tui làm liều. Tui nói “Con, con đứng lên phát biểu chú nghe đi”. Nó giãy nãy la lên “Ah”, rồi nó cười ngờ nghệch. Tui nói, không sao đâu, con nói như hồi nãy vậy đó. Nó lại giãy nãy lên “Ah, rồi cười, rồi đập bàn, rôi quay người đi. Cô giáo hốt hoảng, bảo “Con đừng làm vậy”, rồi quay sang tui nói “Cháu nó có vấn đề, anh đừng ép nó”. Thằng nhỏ lén lút nhìn tui. Tui thật sự không biết nói gì. Giờ đây, cả lớp học đều tập trung nhìn về thằng nhỏ. Thằng bạn ngồi bên cạnh nó cười cười gì đó, và nó gào lên “mày dám cười tao hả, tao đánh mày bây giờ…”, rồi nó la lên, rồi quay mặt đi, và chực khóc.

Cô giáo nói từ tốn nói “Chú không bắt con nói đâu, con ngoan nhé”. Rồi cô nhìn tôi, lắc đầu ra hiệu để yên cho cậu bé.

Cô giáo, để bảo vệ cho đứa học trò của mình, đã “đóng cánh cửa” lại với cậu bé ấy.

November 1st, 2013 @ 20:49:52

3. Frozen có vẻ như sẽ đoạt giải Oscar vào tối Chủ Nhật này (tức sáng thứ hai giờ Việt Nam). Câu chuyện về hai chị em gái tự trưởng thành có vẻ như rất được yêu thích. Thế nhưng, có vẻ như ít ai nói đến cha mẹ của hai chị em Anna và Elsa – một đôi vợ chồng xinh trai đẹp gái nhưng hoàn toàn là một cặp phụ huynh tồi tệ. Dù hai nhân vật này xuất hiện trên phim chừng 10 phút, nhưng có vẻ như, họ mới chính là “vai phản diện chính” của toàn bộ bộ phim này – những kẻ đã gây ra nỗi tang thương và bi kịch của toàn bộ cuộc đời của Anna và Elsa.

Nếu bạn không nhớ rõ, thì tui kể lại câu chuyện tóm tắt như sau: Elsa, cô chị gái, sở hữu một sức mạnh siêu nhiên kinh hoàng: cô bé có khả năng làm đóng băng mọi thứ quanh cô, và sức mạnh này vô tình làm tổn thương cô em gái Anna. Cha mẹ của hai đứa quyết định: xoá ký ức về tai nạn ấy khỏi trí nhớ của Anna, và dạy Elsa rằng con là một đứa nguy hiểm, con phải trốn đi chỗ khác, phải tránh xa mọi người, và không được chơi với em gái mình. Họ đổ hết tội lỗi ấy lên Elsa, một cô bé con 7 tuổi, họ làm cho Elsa phải cảm thấy xấu hổ nhục nhã với sức mạnh riêng của con bé, họ nhốt con bé vào trong phòng, ngăn cấm con bé tiếp xúc với thế giới bên ngoài, và ngăn luôn đứa con gái nhỏ của mình chơi với chị gái. Nhưng họ cũng chẳng bận lòng giải thích bất kỳ một điều gì với cô bé Anna. Cô bé con, có lẽ 5, 6 tuổi ấy, một ngày kia bỗng nhiên hoang mang không hiểu vì sao người chị yêu quý của mình, người bạn thân thiết mới ngày nào còn tung tăng chơi với mình, bỗng nhiên trở nên lạnh lùng, chẳng thèm chơi với mình, chẳng thèm nói chuyện với mình, và tệ hơn, luôn tìm cách xua đuổi mình qua cánh cửa lạnh lùng. Bậc phụ huynh xinh trai đẹp gái này đối xử với hai đứa con gái của mình như thế suốt một thời gian, một mặt đày đoạ Elsa, mặc khác bỏ rơi Anna, cho đến một ngày họ bỏ hai đứa nhỏ lại, xách va li đi chơi ngoài biển, và nghe đồn (vi chúng ta cũng không được tận mắt chứng kiến) là chết trong một cơn bão! Hai cô bé con bỗng nhiên cô độc giữa lâu đài khổng lồ trống rỗng, cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài …

children_past__elsa_and_anna_by_kitakum_funny-d6xauaz

4. Dĩ nhiên các bạn yêu quý bộ phim đều nói, “ừa, thì nhưng rồi Elsa vẫn hát khúc ca “Let it go”, và rồi cô bé trưởng thành, và rồi cô bé đã tìm thấy được tình yêu chân thật, và rồi hai chị em đã hiểu nhau”. Dĩ nhiên, có bộ phim Disney nào mà chẳng có một cái kết có hậu tuyệt vời mỹ mãn.

Không ít những bộ phim đề cập đến những bậc phụ huynh phát hiện ra đứa con của mình có một năng lực đặc biệt nào đó mà họ không hiểu, và cũng như hầu hết chúng ta, họ hoảng sợ. Cha mẹ Elsa lo lắng rằng những người khác sẽ nghĩ con mình là đứa tâm thần, là đứa quái đản, là đứa bệnh hoạn, và quyết định bảo vệ con gái mình bằng cách dạy nó hãy giấu đi năng lực, rồi nhốt nó lại. Để bảo vệ cho đứa con còn lại, họ cũng chẳng thèm giải thích gì cho nó về người chị của nó cả.

Có vẻ như ông vua và hoàng hậu này xuất thân từ… Việt Nam chúng ta. Tui từng chứng kiến nhiều bậc phụ huynh la mắng con về việc này, việc kia, nhưng hiếm ai giải thích cho nó hiểu vì sao “Con không được làm cái này, con không được làm cái kia, con phải làm cái nọ”. Đứa trẻ hỏi vì sao, họ, hoặc la “nói sao thì nghe vậy đi”, hoặc giải thích vu vơ. Ít ai giải thích cặn kẽ, từ tốn cho nó hiểu nguồn gốc căn nguyên vì sao nó không được làm điều này hay điều kia.

Nhưng sẽ có bao nhiêu đứa trẻ mà mỗi ngày cha mẹ chúng nói với chúng rằng, con là một đứa kỳ quái, con là một đứa tâm thần, con là một đứa nguy hiểm với xã hội, ba mẹ muốn bảo vệ con nên ba mẹ sẽ nhốt con vào phòng, không cho con ra ngoài chơi, không giải thích gì với chúng, và rồi hy vọng một ngày kia nó lớn lên và trưởng thành, hiểu ra vấn đề, và trở thành một người tốt đẹp?

Cái hay của những bộ phim Disney, nó luôn cho người xem một kết cục màu hồng và tươi sáng. Nàng tiên cá không hoá thành bọt biển. Elsa lớn lên với suy nghĩ mình là một con bé quái đản, và rồi bỗng bùm, hát bài Let it go, rồi thế là thành người trưởng thành tuyệt vời.

Thế nhưng trong cuộc đời thật sự này, ai sẽ sáng tác cho cậu bé trong câu chuyện đầu tiên của tôi hát bài Let it go?

frozen-olaf-enjoying-at-garden

PS: (Một cách rất không nghiêm túc… mà thật ra rất nghiêm túc) Với bọn trẻ con, Olaf thật tuyệt vời. một anh người tuyết hài hước, dí dỏm, yêu mùa hè và nắng ấm, và không hề ý thức gì về cái nguy hiểm của nắng ấm đối với bản thân mình, mà ngay cả khi ý thức được thì cũng đã sao “dân chơi không sợ mưa rơi nắng ấm”… Những đứa trẻ sẽ lớn lên. Chúng học được bài học từ Olaf – nếu đã thích thì hít… cho đến một ngày chúng cầm trên tay những điếu thuốc lá, những cuộn bồ đà, những cái ống tiêm, những viên đá tinh thể… chúng có thể chả ý thức gì về cái nguy hiểm của nicotin, của heroin với sức khoẻ của bản thân mình, mà ngay cả khi ý thức được thì cũng đã sao đâu, “dân chơi không sợ mưa rơi nắng ấm”, thật tuyệt vời khi chúng ta được sống với điều đem đến cho chúng ta cái cảm giác tuyệt vời, cho dù chúng ta có bị tan chảy ra đi chăng nữa… đúng không nà :))

Tags:

8 thoughts

  • cheffamily

    http://cheffamily.tumblr.com/post/74692232656/disneybakerdcp-roberre-she-always-turned-to

    Em không nghĩ 2 người đó lại tới mức là kẻ ác. Cái bài trên nói đầy đủ ý, anh vào đọc thử.

    Ví dụ khác là ba mẹ Sherlock trong bản BBC. 2 đứa con của họ thông minh khác người. Họ thử đủ cách để 2 đứa trẻ hòa nhập với cuộc sống bình thường nhưng cuối cùng cả 2 khi lớn lên đều gặp những vấn đề về tâm lí.

    Cái chính là các bậc phụ huynh thương con nhưng yêu thương không đúng cách. Tuy vậy họ cũng không hại con. Sherlock với Mycroft sống tách biệt với cha mẹ nhưng vẫn tôn trọng họ. Elsa sau đó cũng thoát khỏi nỗi sợ hãi của mình và không oán hận cha mẹ mình.

    Cha mẹ như trong “Frozen” hay “Sherlock BBC” có đầy ngoài đời. Họ đơn thuần là không hiểu được con. Vấn đề duy nhất những gia đình dạng đó gặp phải là cha mẹ và con cái sống hoàn toàn trong 2 thế giới khác biệt, 2 đường thẳng cắt nhau rồi lại rẽ 2 ngã.

    Những người như cha mẹ Elsa không đáng lên án. Những kẻ cố gắng kìm nén hay bẻ cong con theo ý mình đến mức cực đoan như Gothel trong “Tangled” mới đáng lên án.

    • Thư

      cái không bình thường của Sherlock và Mycroft khác hẳn cậu bé lớp ba anh Nê gặp, tư duy trưởng thành của 2 người đó đủ để họ tự sống. có lẽ họ đã biết tự bảo vệ bản thân trước khi bố mẹ tìm cách ngăn cản, mà bạn xài từ “hại con” đó.
      ep 1 season 3 Sherlock có nói 1 câu về bố mẹ với John (quên tiếng Anh sao rồi) “họ là nỗi thống khổ của tôi” khi John nói sao họ ordinary so với Sherlock & Mycroft.
      Elsa oán hận cha mẹ sao?! cô ấy giận bản thân vì lỗi lầm gây ra cho Anna thôi mà

  • trincam

    Cách bạn nhìn bộ phim hơi phiến diện quá, và có vẻ như bạn chưa xem kỹ Frozen. Cảm ơn bạn cheffamily đã chia sẻ link, chỉ 4 hình ảnh nhưng có thể đại diện được cho tình yêu của 2 ng bố mẹ này.

    Gần như làm gì có được 1 thế giới chỉ trắng đen? Còn tất cả những gam màu ở giữa, hoặc ít nhất thêm màu xám.

    Nhận xét về Olaf cũng thiên về tiêu cực quá. Cuộc sống có rất ít thứ chỉ tốt, hoặc chỉ xấu. Lấy ví dụ con dao nhà bếp nhé, một mặt nó có thể là vũ khí, nhưng mặc khác nó là một dụng cụ cực kỳ hữu ích cho cuộc sống, từ mấy chục nghìn năm trước.

    Olaf lúc đầu đơn giản chỉ không biết, vì chưa được hưởng cái đó bao giờ. Nhưng có lẽ bạn quên lúc Olaf đến gần lò sưởi, hiểu thế nào là lửa, là ấm áp – nhưng vẫn chấp nhận tan chảy vì người bạn của mình.

    Cái chính là cân bằng, gần như luôn có một ý định tích cực đằng sau mọi hành động.

  • Minh Thi

    Chuyện anh kể về buổi quay phim khiến em thấy buồn á. :< Tội nghiệp cậu bé ấy quá.
    Nhưng câu chuyện ấy thật quen thuộc. Thời học sinh em đã trải qua nhiều, và có lẽ rất nhiều người khác nữa cũng thế..

  • NqCuong

    “Our deepest fear is not that we are inadequate. Our deepest fear is that we are powerful beyond measure. It is our light, not our darkness, that most frightens us. We ask ourselves, who am I to be brilliant, gorgeous, talented, fabulous? Actually, who are you not to be? You are a child of God. Your playing small doesn’t serve the world. There’s nothing enlightened about shrinking so that other people won’t feel insecure around you. We are all meant to shine, as children do. We were born to make manifest the glory of God that is within us. It’s not just in some of us; it’s in everyone. And as we let our own light shine, we unconsciously give other people permission to do the same. As we’re liberated from our own fear, our presence automatically liberates others.” – Marianne Williams

  • Đừng bôi đen xã hội

    Quả thật mình thấy đây là 1 bài bình luận rất vớ vẩn, suy diễn quá nhiều theo hướng tiêu cực, và chúng ta chỉ nên đọc bài này để thêm một góc nhìn của một người khác để suy xét mà thôi.
    Đừng bôi đen xã hội còn tốt đẹp này!
    1.Mỗi con người có một hoàn cảnh riêng. Bạn đôi lúc không phải là người trong cuộc nên bạn không biết được.
    Cứ cho là nếu bạn có một đứa con không bình thường và bạn cho con bạn hát bài “Let it go”. Bạn có dám không hay lại chỉ thấy phiền phức, bạn có chịu đựng được một thời gian dài hay chỉ được vài ngày là buông. Và càng khó khăn hơn khi bị xã hội, bị bên ngoài nói ra nói vào. Thật nực cười.
    2. Nói đến phim Frozen, bạn quên tình tiết, câu thoại khi bố nói với cô con lớn: Con hãy ở đó tới khi nào có thể điều khiển được sức mạnh đó. Bố mẹ nào mà chả yêu con, ông không đuổi ra khỏi nhà hay nhốt ở một nơi nào xa thật xa mà chỉ muốn con mình “học, học, học để kiểm soát khả năng đặc biệt của mình”. Tuy nhiên, thiếu xót của bố mẹ ở đây đó chính là không giúp đỡ đứa con mình nhưng cũng không thể trách nhiều khi ông không biết phải giúp đỡ, dạy con như thế nào. Bên cạnh đó, ông còn có một đứa con bình thường, một đứa con nhỏ cần được yêu thương và bảo vệ và để bảo vệ nó, ông đã làm điều mà ông nghĩ là nên làm, tuy vô tình tạo một bức tường ngăn của sự đau khổ nhưng đó là cần thiết. Điều đó cũng đúng với thực tế tâm lý của con người.
    Olaf- người tuyết yêu mùa hè là một nhân vật hay trong phim, luôn hết mình, luôn nhiệt huyết để thực hiện mong ước của bản thân. Nó cũng là sự sáng tạo, cũng là sự tưởng tượng của chính trẻ thơ. Đó là sản phẩm của tâm hồn trong sáng của 2 chị em trong phim. Build a snowman với giai điệu vui tươi xuất hiện nhiều lần trong phim, từ đầu đến cuối. Nó tạo nên một ước vọng rất trong trẻo về niềm vui và hạnh phúc của con người.
    Cuối cùng, Frozen là một bộ phim hoạt hình, mà hoạt hình thì dành cho trẻ em. Tôi nói thế bạn đủ hiểu.
    Và tôi ghét nhất những người bôi đen những điều tốt đẹp, nhuộm đen những ước mơ, mong muốn trong sáng, chứ không phải là bôi hồng sự thật. Giải pháp ở đây không phải là vẽ lên một bức tranh cho toàn xã hội, cho con người mà nên đưa ra những cái nhìn tích cực để mọi người có niềm tin, có hi vọng và có sức mạnh để cải thiện thế giới.

  • QH

    Thích bài viết này của anh, dù đúng dù sai thì nó cho thấy 1 góc nhìn khác cách nhìn lối mòn của mọi người, giúp người đọc nhận ra rằng trước giờ mình thường phiến diện trong suy nghĩ.
    Cách gọi “kẻ ác” trong bài cũng chỉ là một cách nói đại ngôn để hướng người đọc, em chắc chắn anh đủ hiểu biếtvà không hề có ý bôi bác hình ảnh đâu, các bạn khác đừng xét nét quá!

  • windy2610

    Bài viết của 1 người thấy nhiều những thứ tăm tối và bất công của cuộc sống. Cmt của những người có lẽ còn trẻ và còn hồn nhiên, đơn thuần.
    Em nghĩ đơn giản anh chỉ muốn mượn câu chuyện của Frozen để nói chuyện đời. Bộ phim là sản phẩm giải trí bán ra cho khán giả. Nếu nó quá trần trụi, kết thúc ko vui vẻ, ko theo đúng “mô tuýp” khán giả sẽ ko hài lòng. Có lẽ đó là điều khác biệt lớn nhất giữa phim và đời. Trong phim nv dù có trải qua những thử thách lớn đến đâu, khán giả biết cuối cùng anh/cô ta sẽ chiến thắng và thành người hùng. Thử thách càng lớn càng làm người xem phấn khích, vì chiến thắng sẽ càng đem lại cảm giác thoả mãn hơn. Trong khi ngoài đời những chông gai có khi chỉ bằng 1/10 như thế cũng đủ khiến con người sợ hãi và chán nản rồi. Elsa ngoài đời có lẽ sẽ mãi mãi trốn lánh sợ mọi người hắt hủi kì thị. Anna thì bị hại chết bởi sự ngây thơ cả tin của mình. Chàng thợ bán đá vì tủi thân địa vị của mình sẽ chả bao giờ trở lại cứu Anna. Và đừng nhắc Ofla làm gì. Nó chỉ là 1 hình tượng đáng yêu dc tạo ra để mua tình cảm của người xem. Chỉ có khi trong phim, tất cả mới đều có hậu thôi.

Leave a Reply